24/02/2018 - 15:48

Bùng nổ ngành công nghiệp cửa hàng tự động ở châu Á 

Các cửa hàng tự động không có nhân viên phục vụ và cả thu ngân đang gia tăng ở Hàn Quốc trong bối cảnh các nhà bán lẻ địa phương nỗ lực tìm kiếm sự đột phá ở thị trường bão hòa này.

Hãng phần mềm Danal Co. cho biết gần đây họ đã mở quán cà phê không có nhân viên thu ngân đầu tiên ở xứ sở kim chi. Theo hãng tin Yonhap, quán cà phê Beat tọa lạc tại nhà ga thứ hai vừa khánh thành của sân bay quốc tế Incheon. Quán do các robot thông minh vận hành, bao gồm nhận đơn hàng, pha cà phê và chuyển những tách cà phê đến bàn để khách hàng có thể thưởng thức. Được biết, công ty Danal Co. muốn mở 100 cửa hàng tại nhiều địa điểm, bao gồm ngân hàng, trung tâm mua sắm và trường đại học tại Hàn Quốc vào cuối năm nay.

Ảnh: Yonhap

Song song đó, các cửa hàng tiện ích không người phục vụ cũng tăng lên kể từ khi cửa hàng tiện ích không nhân viên thu ngân đầu tiên của Hàn Quốc nhảy vào thị trường bán lẻ hồi tháng 5-2017. Không giống các cửa hàng mở cửa 24/24h khác, cửa hàng tiện ích tự động trang bị các quầy tự phục vụ để khách hàng có thể quét mã vạch các món hàng cần mua và thanh toán bằng thẻ tín dụng.

Điển hình như Emart24 - một nhánh của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Shinsegae - hiện đã có 6 cửa hàng không nhân viên thu ngân kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên hồi tháng 6 năm ngoái. Trong khi đó, BGF Retail Co. - hãng điều hành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Hàn Quốc CU - cho biết họ cũng chuẩn bị khai trương một cửa hàng không có nhân viên. Theo đó, hãng này hiện cung cấp một ứng dụng trên điện thoại có tên “Buy-Self” (tạm dịch: Tự mua sắm) để khách hàng tìm kiếm những mặt hàng cần mua và một công cụ thanh toán. Thậm chí, hãng điều hành địa phương của chuỗi cửa hàng tiện ích 7-Eleven còn trình làng một cửa hiệu sử dụng công nghệ nhận dạng tĩnh mạch lòng bàn tay để thanh toán tiền mua hàng, tọa lạc tại một cao ốc của Lotte ở Thủ đô Seoul (ảnh).

Ước tính có 35.000 cửa hàng tiện ích tự động trên khắp Hàn Quốc. Các cửa hàng tiện ích luôn mở cửa 24h và thường cung cấp những sản phẩm giống nhau như mì ăn liền, kimbap (cơm cuốn rong biển), bia và rượu soju phổ biến ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, dù khác nhau ở nhiều phương diện, nhưng Trung Quốc và Nhật Bản có hai điểm chung là có nhiều cửa hàng tiện ích và háo hức với công cuộc tự động hóa.

Theo hãng tin Nikkei, Trung Quốc hiện có khoảng 100.000 cửa hàng tiện ích trên khắp cả nước, trong khi con số này ở Nhật Bản là 50.000 cửa hàng. Không ngạc nhiên khi Trung Quốc và Nhật Bản đang kết hợp 2 yếu tố trên để hướng đến ngành công nghiệp cửa hàng tiện ích vốn chủ yếu tự hoạt động. Tuy nhiên, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang theo đuổi ngành công nghiệp cửa hàng không nhân viên thu ngân vì những lý do khác nhau. Ở Trung Quốc, cửa hàng tự động mọc lên như nấm trong bối cảnh bùng nổ bán lẻ trực tuyến, còn ở Nhật Bản, ngành công nghiệp mới mẻ này đang tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng trong nước.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Hàn Quốc