20/03/2010 - 09:43

PHIÊN HỌP THỨ 29 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

* Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Tòa án

Sáng 19-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 29, chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng một số Bộ liên quan về việc bình ổn giá, chống lạm phát; dự toán ngân sách; phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ...

* Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Đảm bảo khống chế lạm phát ở mức Quốc hội đề ra

Đánh giá công tác điều hành giá cả đối với một số mặt hàng trong thời gian qua, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp ổn định giá cả như: Bảo đảm đủ lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra thiếu hàng, coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, chỉ số giá tiêu dùng hai tháng đầu năm 2010 (3,35%) là mức tăng hợp lý, bình thường, không đột biến và theo xu hướng biến động giá cả có tính quy luật hàng năm của nước ta. Việc điều chỉnh giá điện bình quân năm 2010 tăng 6,8% so với năm 2009 sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,16%; tác động đến giá thành một số sản phẩm sử dụng nhiều điện từ 0,09-2,28% tùy theo từng ngành. Việc điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện, chỉ tác động đến giá điện, không tác động trực tiếp đến giá các mặt hàng khác. Trong năm nay sẽ không điều chỉnh thêm giá điện, giá than bán cho sản xuất điện.

Giải trình trước băn khoăn của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển về khả năng đảm bảo kiềm giữ lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng quý I năm 2010 tăng nhanh, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, Chính phủ đã thảo luận kỹ, tháng 1, tháng 2 thường có biến động giá cao hơn các tháng, nhưng không hề có bất thường so với các năm khác. Nếu quản lý tốt, việc điều chỉnh giá điện, giá than trong thời gian qua sẽ tác động không đáng kể đến đời sống. Với người dân sử dụng ít điện, việc tăng giá điện không ảnh hưởng, nếu dùng nhiều điện thì ảnh hưởng cũng không nhiều, chúng ta vẫn đủ điều kiện và khả năng đảm bảo khống chế chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 trong mục tiêu Quốc hội đề ra.

Xung quanh việc tăng giá xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Nghị định 84 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp tự điều chỉnh giá trong khung nhất định, trên cơ sở biến động giá thị trường và có sự giám sát của nhà nước. Việc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam Petrolimex chiếm 70% thị trường, tuy chiếm tỷ trọng lớn không thể đánh giá là độc quyền. Qua kiểm tra, các đợt tăng giá vừa qua của doanh nghiệp là điều chỉnh đúng pháp luật và phù hợp với biến động thị trường. Hiện nay, Bộ Tài chính đang kiểm soát được giá xăng dầu và đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu từ nay đến tháng 6-2010, mọi quyết định điều chỉnh giá đều phải báo cáo và giãn cách về thời gian giữa các lần điều chỉnh giá.

Trước sự quan tâm Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Lê Quang Bình về vấn đề huy động, sử dụng trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, trong năm 2008, 2009 và đầu năm 2010, việc huy động trái phiếu Chính phủ đã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ đã áp dụng một loạt biện pháp để khắc phục vấn đề này và đã có những triển vọng tốt. Năm 2009 ngoài việc huy động trực tiếp còn có sự huy động quỹ nhàn rỗi của Bảo hiểm xã hội, huy động tồn ngân kho bạc- Bộ trưởng cho biết thêm.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2009, tổng huy động bằng hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ được 92,8 nghìn tỉ đồng, bằng 67,2% kế hoạch vốn giai đoạn 2003-2009. Hai tháng đầu năm 2010, được khoảng 5.000 tỉ đồng, xấp xỉ 9% nhu cầu vốn đầu tư phát triển của năm. Đến hết năm 2009, hoạt động giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ ước khoảng 118,6 nghìn tỉ đồng, bằng 86% kế hoạch vốn giai đoạn 2003-2009.

* Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: Hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn lao động xảy ra trên công trình xây dựng

Tiếp theo phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu QH tập trung vào các nội dung trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn lao động của Bộ Xây dựng tại các khu chung cư, đô thị mới đảm bảo an toàn, sạch đẹp và văn hóa; việc thực hiện pháp luật về quy hoạch và triển khai quy hoạch xây dựng ở các tỉnh, thành phố và đặc biệt là quản lý xây dựng ở các đô thị lớn.

Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ trách nhiệm của mình trước tình trạng số lượng các vụ tai nạn lao động ngày càng tăng trong những năm gần đây và đặt câu hỏi “Các giải pháp của Bộ nêu ra có thể khắc phục triệt để những tồn tại về tình trạng mất an toàn lao động hiện nay hay không?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết Công tác an toàn trong xây dựng luôn được Bộ Xây dựng quan tâm, Bộ đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng bao quát từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng đến nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, bảo trì công trình... giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng kiểm soát chất lượng công trình và an toàn công trình xây dựng. Bộ luôn xác định để hạn chế tới mức thấp nhất t ai nạn lao động xảy ra trên công trình xây dựng, trước hết mỗi công trình phải an toàn. Đây là trách nhiệm của Bộ đã và đang làm. Tuy nhiên, trước thực tế số lượng các công trình xây dựng và quy mô các công trình xây dựng tăng lên; lực lượng lao động trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong xây dựng các công trình cao tầng và các công trình có yêu cầu kỹ thuật phức tạp ngày càng cao nên việc ban hành các quy chuẩn, quy phạm pháp luật chưa đủ là thiếu sót của Bộ, Bộ trưởng Quân thừa nhận.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề đảm bảo an toàn cho khu chung cư, khu đô thị mới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình đều thực hiện theo quy chuẩn, quy định đề ra. Tuy nhiên, trong thực tế, trong quá trình vận hành để xảy ra cháy như cháy ở tòa nhà JSC 34 (Lê Văn Lương, Hà Nội) là do trong quá trình thi công xây dựng đã đưa vật liệu cháy vào làm ống khói (vật liệu nhựa sợi thủy tinh) không đúng với tiêu chuẩn quy chuẩn mà vẫn được nghiệm thu. Khi sự việc xảy ra, kiểm tra lại mới thấy việc này. Tôi cho rằng đây cũng là một kẽ hở bởi khi đi kiểm đến tận gốc rễ thì người bán đã bán được rất nhiều loại vật liệu này. Biện pháp khắc phục trước mắt là tất cả công trình có lắp vật liệu trên phải kiểm tra lại và có biện pháp xử lý...

Cuối giờ chiều 19-3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Chánh án Tòa án nhân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình đã trả lời chất vấn của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và đại biểu QH.

Phần trình bày bằng văn bản của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm Thẩm phán; Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp; Vấn đề xử lý các vụ án có dấu hiệu oan sai và công tác bồi thường oan sai trong hoạt động tư pháp theo Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH ngày 17-3-2003 của UBTVQH; Thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân các cấp và hoạt động hướng dẫn chuyên môn của Tòa án nhân dân tối cao đối với loại vụ việc này.

Theo đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), một trong những nguyên nhân khiến số án bị hủy, bị sửa còn cao là do thiếu thẩm phán. Theo báo cáo năm 2009, trung bình một thẩm phán phải xử lý, thẩm định 150 vụ/năm, tức là trừ ngày nghỉ, ngày lễ, cứ 2 ngày phải giải quyết 1 vụ. Trả lời chất vấn này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho rằng để khắc phục tình trạng tỷ lệ án bị hủy, bị sửa cao, khiếu nại bức xúc kéo dài, trước hết phải đặt vấn đề nâng cao chất lượng thẩm phán. Đây là vấn đề liên quan đến quá trình đào tạo bậc đại học, sau đó là đào tạo về nghiệp vụ xét xử và sự tự rèn luyện và tự học tập của thẩm phán, đào tạo nâng cao trình độ; là trách nhiệm của nhiều cơ quan, nhiều cấp, ngành, trong đó có trách nhiệm của cá nhân thẩm phán.

Một vấn đề nữa cũng được đại biểu Nguyễn Văn Thuận chất vấn là tình trạng thẩm phán ra bản án không thi hành được, theo thống kê là khoảng trên dưới 1000 vụ. Vì sao có tình trạng này? Theo Chánh án Trương Hòa Bình, trong thực tế có nhiều bản án TA tuyên không rõ ràng dẫn đến việc thi hành khó. Do đó cần phân biệt khó thi hành là do nguyên nhân nào, quy định của pháp luật chưa rõ ràng hay do trình độ, năng lực của thẩm phán còn hạn chế, để có cách xử lý cụ thể.

Phát biểu kết luận Cuộc họp chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc tiến hành chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết, cần quan tâm khắc phục những hạn chế, tiếp tục cải tiến hơn hoạt động này.

NHÓM PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết