01/12/2012 - 16:23

Bình Minh- thị xã bên bờ sông Hậu

Chợ Cái Vồn hiện nay.

"Đến nay, tất cả các bước chuẩn bị cho Bình Minh lên thị xã đã cơ bản hoàn tất, chỉ chờ Chính phủ ban hành Quyết định thành lập thị xã Bình Minh là chúng tôi sẽ tiến hành công bố thị xã mới của tỉnh Vĩnh Long" - Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) - Nguyễn Thành Phan vừa cho biết.

Theo ông Nguyễn Thành Phan, các tiêu chí để Bình Minh lên thị xã theo qui định của Bộ Xây dựng đã phấn đấu đạt trong các năm qua. Huyện Bình Minh có tốc độ phát triển kinh tế khá ổn định. Tăng trưởng kinh tế của huyện 3 năm qua đạt hơn 12%/ năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 20 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 9,37%. Hạ tầng đô thị từng bước được đầu tư xây dựng như: Hệ thống giao thông đô thị được chỉnh trang; kè chợ Cái Vồn; cầu Cái Vồn Nhỏ; cầu bắc qua sông Cái Vồn Lớn được xây dựng mới; trung tâm hành chính đầu tư hoàn chỉnh; khu vui chơi giải trí, công viên trung tâm huyện lỵ được đầu tư khá đồng bộ…

Ông Nguyễn Duy Thiện, người ở thị trấn Cái Vồn nhận xét, Bình Minh trong 3 năm qua có nhiều đổi mới, không có huyện nào của tỉnh Vĩnh Long mà trong bán kính 5km lại tập trung đến 7 cây cầu lớn bắc qua các con sông như nội ô Bình Minh hiện nay. Trong đó có 4 cây cầu mới xây dựng, chưa kể là sắp tới dự án cầu Cần Thơ giai đoạn 2 còn triển khai xây dựng thêm 5 cầu mới dọc theo đường dân sinh cầu Cần Thơ, tạo nên hệ thống giao thông cho thị xã ngày một hoàn thiện hơn.

Huyện Bình Minh nằm ở phía Nam tỉnh Vĩnh Long nối liền với TP Cần Thơ bằng chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á. Bình Minh nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh và trên tuyến đường huyết mạch quốc lộ 1A và tuyến sông Hậu. Ngoài ra, Bình Minh còn có quốc lộ 54 đi qua dọc theo sông Hậu. Bình Minh cách trung tâm TP Cần Thơ 3km, cách Vĩnh Long 30km, cách TP Hồ Chí Minh 165km, cách Sân bay Quốc tế Cần Thơ 20km. Thị xã tương lai hội đủ những yếu tố giao thông thủy, bộ, có hệ thống cảng sông thuận lợi cho việc giao lưu hợp tác và phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng đô thị.

Về lịch sử, Bình Minh được thành lập năm 1957 theo Nghị định 308 của Bộ Nội vụ (chế độ Việt Nam Cộng Hòa), đến năm 2007, Bình Minh được chia tách thành 2 huyện Bình Tân và Bình Minh theo Nghị định 125/2007 của Chính phủ. Về xây dựng và phát triển đô thị, Bình Minh được qui hoạch và phát triển theo hướng đô thị loại IV, gồm có các khu chức năng như sau: Trung tâm hành chính; trung tâm thương mại, dịch vụ công nghiệp; trung tâm văn hóa, thể thao và du lịch; trung tâm y tế giáo dục; trung tâm vui chơi giải trí và công viên cây xanh. Được biết, thị xã Bình Minh trong tương lai có diện tích hơn 9.300ha, dân số hơn 95.000 nhân khẩu, có 8 đơn vị hành chính gồm 3 phường và 5 xã. Trung tâm hành chính nằm ở phường Cái Vồn.

Về vốn đầu tư, phát triển, thị xã mới cần tổng nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch là 8.200 tỉ đồng cho gia đoạn từ năm 2011 đến 2015. Trong đó, dự kiến các nguồn như sau: vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư chiếm 24%, nguồn vốn này chủ yếu đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Vốn tín dụng cho đầu tư phát triển chiếm từ 27% đến 28%, nguồn vốn này chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư. Vốn tự có trong dân cư đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại…dự kiến chiếm hơn 30%. Số còn lại là nguồn vốn ODA, FDI…

Ông Nguyễn Văn Bé, Phó Bí thư Huyện ủy Bình Minh, cho biết thêm: "Trên địa bàn huyện trong các năm qua đã có nhiều dự án đang triển khai như: cảng Bình Minh, khu công nghiệp Bình Minh; khu nhà ở công nhân và chuyên gia… Các dự án có quyết định phê duyệt và sẽ triển khai trong thời gian tới như: Trường Đại học Bình Dương, Khu công nghệ cao Đông Kiều, Trung tâm Văn hóa - Thể thao đô thị Bình Minh... Các dự án này có số vốn lên đến cả ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, do chủ trương thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát của Chính phủ, các dự án này đang chuẩn bị và chờ đợi nguồn vốn. Những công trình này khởi động và hoàn thành sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới cho đô thị Bình Minh".

Bên cạnh những thuận lợi, Bình Minh vẫn còn nhiều khó khăn trên đường phát triển. Các dự án Bình Minh kêu gọi đầu tư để phát triển lên đến hơn 40.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, từ dự án hạ tầng đến các dự án phát triển kinh tế công nghiệp, đô thị đều bị ách lại. Ngay cả dự án khu công nghiệp và khu đô thị Bình Minh do Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đầu tư hiện nay vẫn gặp khó trong việc giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng dự án… Còn các dự án mới thì khó triển khai do ngân hàng "khép kín" đầu ra cho vay phát triển dự án mới. Theo nhận xét của một lãnh đạo huyện, khó khăn này có thể kéo dài đến năm 2013-2014, Bình Minh sẽ phát triển khi Chính phủ nới thắt chặt tiền tệ và khi TP Cần Thơ phát triển nhà ở, công nghiệp mạnh, khi đó việc phát triển sẽ có tác động dây chuyền từ TP Cần Thơ đến Bình Minh.

Ông Nguyễn Thành Phan, Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện Bình Minh, cho rằng: "Bình Minh được tỉnh và Trung ương hỗ trợ, lại có vị trí khá đắc địa, các năm qua Đảng bộ và nhân dân Bình Minh không ngừng phấn đấu đưa Bình Minh đạt tiêu chí đô thị loại IV. Việc Bình Minh được nâng cấp thành thị xã là một thực tế khách quan. Chúng tôi tin tưởng rằng thị xã Bình Minh ngày mai sẽ cùng với chuỗi đô thị ĐBSCL phát huy được lợi thế của riêng mình trên chặng đường phát triển mới…"

Bài, ảnh: VĂN KIM KHANH

Chia sẻ bài viết