Trong nỗ lực chung tay phòng chống dịch COVID-19 cũng như chủ động phòng ngừa các thảm họa dịch bệnh trong tương lai, mới đây, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cùng nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn ở Việt Nam và quốc tế đã gửi Thư ngỏ đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày một số vấn đề liên quan đến dịch COVID-19 và khuyến nghị một số biện pháp giúp giảm thiểu các mối đe dọa khiến dịch bệnh dễ bùng phát.
Bức thư có đoạn: “Dịch COVID-19 bùng phát khiến người dân Việt Nam lo lắng về sức khỏe và gây tổn hại đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam và sức khỏe cộng đồng…, chủng virus corona mới này được cho là lây từ động vật hoang dã sang người do tiếp xúc gần ở một chợ hải sản tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi diễn ra tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Các tài liệu khoa học hiện đã chứng minh được virus corona có nguồn gốc từ dơi và được truyền qua một vật chủ trung gian là động vật hoang dã cho con người… Bất luận đó là loài cụ thể nào, vẫn có thể khẳng định rằng hoạt động buôn bán động vật hoang dã là một nguyên nhân gây ra sự lây truyền dịch bệnh thông qua tiếp xúc gần giữa con người và động vật hoang dã”.
Không chỉ dịch COVID-19 có dính dáng và xuất xứ từ động vật hoang dã, trong vòng 2 thập kỷ gần đây, không ít đại dịch trên thế giới đều có liên quan đến các ổ chứa virus trong các quần thể động vật hoang dã. Dịch SARS bùng phát cuối năm 2002 - đầu 2003 ở 37 quốc gia, khiến 774 người tử vong xuất phát từ một chủng virus betacorona mới có nguồn gốc từ dơi thông qua vật chủ trung gian là cầy vòi mốc (Paguma larvata). Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) bùng phát năm 2012 làm thiệt mạng 858 người bắt nguồn từ một chủng virus corona khác truyền qua lạc đà tới con người. Gần đây nhất, dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng phát ở 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, được xác định là bắt nguồn từ một loại heo hoang dã ở châu Phi. Thực tế đó cho thấy, nếu như không có các hành động mạnh mẽ và bền vững từ cấp độ Chính phủ đến các địa phương để ngăn chặn mọi hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp thì khả năng bùng phát đại dịch từ các chủng virus mới sẽ còn tiếp tục do lây truyền từ động vật hoang dã sang người trong quá trình buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.
Ở Việt Nam, nhiều năm qua, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều luật và văn bản dưới luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực này. Những nỗ lực đó đã thiết lập và tăng cường thể chế, tạo ra hành lang pháp lý để ngăn chặn, hạn chế tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học; thu hẹp dần thị trường động vật hoang dã, giảm thiểu rủi ro do lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường, tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Đáng lo ngại là ngày càng có nhiều dòng sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp được chuyển từ thị trường quốc tế đến và qua Việt Nam. Đó là một nguy cơ lớn! Bên cạnh đó, từng lúc, từng nơi, công tác truyền thông về bảo vệ và ngăn cấm mua bán trái pháp động vật hoang dã chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng giết mổ, mua bán các sản phẩm từ động vật hoang dã còn phổ biến ở nhiều nhà hàng; đây đó dọc các tuyến đường vẫn còn những chợ chim, rùa, rắn tự phát; thậm chí những hình ảnh mua bán giết mổ động vật hoang dã vẫn được loan truyền vô tư trên các trang mạng xã hội, các trang thương mại điện tử;…
Đã đến lúc, xuất phát từ đại dịch COVID-19 cùng những đại dịch như SARS, MERS-CoV, dịch tả heo châu Phi, chúng ta cần có một quyết tâm cao và một tầm nhìn xa hơn trong công tác phòng chống săn bắt, mua bán trái phép động vận hoang dã, tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần chú trọng một số vấn đề, theo khuyến nghị của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vệ môi trường, bảo tồn ở Việt Nam và quốc tế như: đẩy mạnh hoạt động truyền thông về rủi ro, nguy cơ của việc tiêu thụ động vật hoang dã đối với an ninh công cộng và sức khỏe cộng đồng; cấm triệt để tình trạng mua bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã ở các nhà hàng, quán ăn; ban hành các quy định đối với các nền tảng thương mại điện tử, phương tiện truyền thông xã hội, báo chí trực tuyến để theo dõi, bắt buộc loại bỏ mọi giao dịch, quảng cáo liên quan đến các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp; quản lý hiệu quả các hoạt động gây nuôi động vật hoang dã với mục đích thương mại; cải cách tư pháp để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa trong xử lý tội phạm về động vật hoang dã;…
Những giải pháp đó không phải chỉ nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học mà thực chất là để bảo vệ chính con người chúng ta. Có lẽ khi nhận ra nguyên nhân bùng phát đại dịch COVID-19 và nhiều đại dịch trước đó có dính dáng đến động vật hoang dã thì chúng ta mới càng thấy rõ của ý nghĩa và tầm quan trọng của việc “bảo vệ để được bảo vệ”.
SONG GIA