16/11/2015 - 08:51

Bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học

Đa dạng sinh học (ĐDSH) có vai trò quan trọng đối với việc duy trì các chu trình tự nhiên và cân bằng sinh thái. Nhưng do tác động của nhiều yếu tố tự nhiên, ô nhiễm môi trường, sinh vật ngoại lai xâm nhập, khai thác quá mức... được coi là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy giảm ÐDSH ngày một gia tăng. Do vậy, cùng với phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ, cần thực hiện nhiều biện pháp và giải pháp để việc quản lý, bảo tồn ÐDSH hiệu quả và bền vững…

*Vấn đề được quan tâm

Theo đánh giá của các chuyên gia, TP Cần Thơ có hệ thống cây trồng và vật nuôi đa dạng. Một số có những đặc tính tốt, sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Thành phố nằm ở lưu vực hạ lưu sông Mê Kông, so với các tỉnh thành khác mức độ đa dạng loài thủy sản khá cao. Về hệ sinh thái, gồm hệ sinh thái trên cạn và dưới nước. Trong đó các hệ sinh thái đất ngập nước (sông, cồn, cù lao…) là các hệ sinh thái tự nhiên, đóng vai trò quan trọng của thành phố. Thời gian qua, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố hướng đến sự phát triển bền vững quan tâm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Chẳng hạn, định hướng phát triển một "đô thị miệt vườn", những chính sách về nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, các chương trình phát triển kinh tế thủy sản… góp phần đảm bảo duy trì, phát huy các giống vật nuôi, giống thủy sản, cây trồng bản địa. Đặc biệt, đối với hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên, như: cồn, cù lao được quy hoạch phát triển theo hướng du lịch sinh thái. Đây là định hướng bảo tồn ĐDSH nổi bật của thành phố, vừa tạo giá trị kinh tế, vừa có thể bảo tồn đặc trưng sinh cảnh của các hệ sinh thái này. Trong đó, nổi bật là cồn Khương, cồn Ấu, cù lao Tân Lộc.

Hoạt động thả cá bảo vệ nguồn lợi thủy sản được ngành nông nghiệp TP Cần Thơ phối hợp cùng các quận, huyện tổ chức hằng năm. Ảnh: M. HUYỀN

Trên địa bàn TP Cần Thơ, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn ĐDSH thủy sinh vật nước ngọt được đặc biệt quan tâm. Ông Phạm Trường Yên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Hằng năm, Chi cục Thủy sản Cần Thơ tổ chức tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, công tác thả cá về nguồn được thực hiện mỗi năm. Các loài thủy sản bản địa được thả về tự nhiên khoảng 200.000 đến 1triệu con/năm. Bên cạnh đó, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp thành phố thực hiện cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đề xuất thành lập khu bảo tồn thủy sinh vật nước ngọt ở huyện Cờ Đỏ, phát triển giống một số loài cá bản địa nước ngọt bằng cách sưu tầm, lưu trữ giống, nghiên cứu công nghệ sản xuất giống nhằm gia tăng quần thể thủy sinh vật có nguy cơ biến mất. Chi cục Thủy sản thành phố phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tỉnh liên quan xây dựng khu bảo tồn vùng nước nội địa sông Hậu. Ngoài ra, xây dựng các mô hình đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ trên địa bàn thành phố, phát huy và nâng cao vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và ĐDSH thủy sinh vật…

*Cần giải pháp mạnh mẽ

TP Cần Thơ được đánh giá là ĐDSH, tuy nhiên do nhiều yếu tố tác động nên đa dạng thành phần loài tiếp tục bị suy giảm. Trong đó, một số nguyên nhân chủ yếu, như: dư lượng thuốc trừ sâu do thâm canh hóa trong sản xuất nông nghiệp; nước thải công nghiệp và sinh hoạt không được xử lý trước khi thải ra sông, kênh, rạch; xây dựng đê bao kiểm soát lũ… Sự gia tăng dân số cũng là nguyên nhân gây sức ép lên nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Việc sử dụng xung điện, xuyệt điện để khai thác thủy sản là một trong những mối đe dọa nguy hiểm làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Mặt khác, sinh vật ngoại lai là nguyên nhân gây biến động thành phần loài thủy sản trong các thủy vực tự nhiên ở TP Cần Thơ… Trước những nguy cơ và thách thức trên, đòi hỏi thành phố cần có những giải pháp và hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông Phạm Trường Yên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho rằng: Vấn đề khai thác thủy sản cần đi đôi với công tác phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Song song đó, nghiên cứu, sản xuất giống các loài thủy sản bản địa, các giống loài thủy sản quý hiếm; đồng thời bảo vệ các giống loài có nguy cơ bị biến mất. Xây dựng kế hoạch bảo tồn, xây dựng các chính sách phù hợp cho công tác bảo tồn đa dạng nguồn gen thủy sinh vật nói riêng và ĐDSH nói chung.

Theo bà Nguyễn Thị Lang, Chủ tịch Hội Sinh học và Công nghệ sinh học TP Cần Thơ, trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển dân số khó kiềm chế, con người có xu hướng đầu tư nhiều hơn cho chương trình phân tích genome (tính đa dạng và phức tạp của hệ gen) thực vật, làm nền tảng cho cuộc cách mạng xanh mới, giải quyết bài toán lương thực cho thế giới. Phân tích genome thực vật hay genome cây trồng, trong đó các cây lương thực được xem xét ưu tiên, sẽ đóng góp những thay đổi quan trọng trong cải tiến giống, làm phong phú thêm kiến thức của loài người về di truyền phân tử. Ngoài ra, hiện tượng mất mát quá lớn về biến dị di truyền, khẩn trương tìm giải pháp bảo vệ nguồn tài nguyên, hạn chế đến mức thấp nhất sự xói mòn quỹ gen. Các trung tâm giống cây trồng được xem là giải pháp hiệu quả, từ đó, hình thành những vùng hiện diện các loại hình nguyên thủy của nó. Bà Nguyễn Thị Lang đề xuất 3 hướng nghiên cứu cho thời gian tới của thành phố. Đó là, nghiên cứu bảo tồn và duy trì nguồn gen cây bắp nếp của Cần Thơ nhằm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất bắp nếp tại TP Cần Thơ. Xây dựng bảo tồn nguồn gen cây thuốc Nam tiến tới xây dựng vườn thuốc Nam cho TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Xây dựng kế hoạch tổng thể cho công việc bảo tồn tài nguyên quý của địa phương về các cây ăn trái đặc sản.

Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho rằng: Bảo tồn ĐDSH là nội dung cơ bản, cần ưu tiên, khuyến khích trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, thành phố nên tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách, chương trình, dự án Bảo tồn tài nguyên ĐDSH gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, hạn chế các tác động của sự thay đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố. Bên cạnh đó, cần có chính sách cụ thể làm cơ sở cho công tác bảo tồn và thu hút nhiều thành phần xã hội cùng tham gia công tác bảo tồn ĐDSH. Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giúp đỡ giữa các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, doanh nghiệp, cộng đồng… nhằm làm cho quá trình phát triển không ảnh hưởng tới các hoạt động bảo tồn. Có như vậy, hoạt động bảo tồn sẽ hiệu quả và hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho quá trình phát triển…

T. TRINH

Chia sẻ bài viết