12/08/2017 - 18:32

Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết Khmer ở ĐBSCL
Bài 2: Hiệu quả từ chính sách và sự năng động 

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, các địa phương vùng ĐBSCL đã có nhiều giải pháp năng động, linh hoạt để triển khai việc dạy chữ Khmer. Tiếng Khmer được đưa vào giảng dạy song song với tiếng Việt trong trường phổ thông; hoạt động xã hội hóa việc dạy chữ Khmer ngày càng lan tỏa rộng rãi… đang góp phần giúp con em đồng bào dân tộc Khmer được học hành thành thạo chữ Khmer.

Dạy song ngữ Việt- Khmer trong trường phổ thông

Với hơn 1 triệu dân, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 30%, Trà Vinh là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc Khmer cao nhất vùng ĐBSCL. Với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ chăm lo cho đồng bào Khmer, công tác giáo dục ở địa phương được thực hiện hiệu quả.

Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ĐT) Trà Vinh, đến nay, việc học của con em đồng bào dân tộc Khmer đã ngang bằng, thậm chí, một số tiêu chí cao hơn so với cộng đồng trong khu vực. Đặc biệt, việc dạy chữ Khmer được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 94 trường tiểu học và 6 trường THCS tổ chức dạy song ngữ Việt- Khmer với gần 15.000 học sinh theo học.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu tặng bộ sách Ngữ văn Khmer do Bộ GD-ĐT phát hành cho Đại đức Dương Lượng, trụ trì Chùa Đìa Chuối. Ảnh: LG

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu tặng bộ sách Ngữ văn Khmer do Bộ GD-ĐT phát hành cho Đại đức Dương Lượng, trụ trì Chùa Đìa Chuối. Ảnh: LG

Ở tỉnh Sóc Trăng- một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL, chính sách hỗ trợ dạy chữ Khmer được thực hiện đầy đủ.

Ông Lý Rotha, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Việc dạy chữ Khmer ở các chùa Phật giáo Nam tông từ trước đến nay đã thành truyền thống. Các nhà sư đứng dạy không thu tiền học sinh. Việc dạy chữ Khmer trong chùa Khmer được các bậc phụ huynh và học sinh ở vùng đồng bào dân tộc đặc biệt quan tâm, ủng hộ".

Năm học vừa qua, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh mua sách giáo khoa tiếng Khmer từ quyển 1 đến quyển 5, tặng các chùa Khmer. Đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để các chùa thực hiện việc giảng dạy thống nhất với chương trình và sách giáo khoa chung của Bộ GD-ĐT.

Tỉnh Kiên Giang có khoảng 50.950 hộ dân tộc Khmer, với trên 216.850 người, chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, Kiên Giang tích cực triển khai, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, việc dạy tiếng Khmer vừa nâng cao trình độ dân trí, vừa góp phần giữ gìn, phát huy giá trị ngôn ngữ, chữ viết, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, năm học qua, toàn tỉnh có 35 trường phổ thông, trường dân tộc nội trú dạy gần 200 lớp tiếng Khmer, với gần 5.000 học sinh theo học. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kinh phí cho giáo viên ngoài biên chế đứng lớp, trang bị sách giáo khoa Khmer ngữ. Cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của học sinh, con em đồng bào dân tộc Khmer.

Ông Võ Thanh Mộng, Phó Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Gần đây, việc triển khai chương trình dạy chữ Khmer ở Hậu Giang càng thuận lợi vì có lực lượng giáo viên là người dân tộc có trình độ chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản. Toàn tỉnh có 1.135 học sinh dân tộc Khmer có tham gia học môn Ngữ văn Khmer ở các trường phổ thông nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống”.

Nhờ có sự chuẩn bị trước về nhân lực nên khi chương trình dạy Ngữ văn Khmer đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, các trường nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống đều tổ chức được chương trình dạy tiếng Khmer.

Thầy Nguyễn Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Thia, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Trước khi chương trình dạy chữ Khmer được đưa vào chính khóa, trường đã thống nhất chọn 3 trong 14 giáo viên người dân tộc Khmer có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt để cử đi tập huấn nghiệp vụ nhằm thực hiện chương trình dạy tiếng Khmer của ngành".

"Ngoài 3 giáo viên này, trường còn có 1 giáo viên tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Văn hóa tại  Trường Đại học Trà Vinh. Hiện nay, trường có 4 giáo viên đảm nhận giảng dạy môn Ngữ văn Khmer theo chương trình của Bộ GD- ĐT. Toàn trường có 381 học sinh đang học chương trình Ngữ văn Khmer với thời lượng 4 tiết/tuần”.

Tăng cường xã hội hóa

Theo ông Lý Rotha, để việc dạy chữ Khmer trong chùa ngày càng hiệu quả hơn, hiện nay, Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng đã xin chủ trương bổ sung một số chính sách đặc thù đối với lĩnh vực giáo dục dân tộc của tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, có chính sách hỗ trợ cho các vị sư đứng dạy chữ Khmer tại điểm chùa Khmer vào dịp hè. Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn làm tốt xã hội hóa để vận động người dân chung tay lo việc học chữ Khmer cho học sinh, nhất là ở các vùng sâu. 

Đại đức Lâm Nhãn, Trụ trì chùa Pệch Pinh Taung, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Chùa đã vận động Phật tử đóng góp để xây dựng phòng học, đóng bàn, ghế… tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học chữ Khmer trong chùa. Trong hè năm nay, có 130 học sinh theo học chữ Khmer và được chùa hỗ trợ tập, viết. Kết thúc khóa học, chùa có tổ chức tổng kết để khen thưởng cho học sinh khá giỏi. Đây được xem là món quà tinh thần, giúp các em đến học chữ Khmer ngày càng nhiều, đồng thời góp phần giữ gìn tiếng nói và chữ viết của dân tộc”.

Một tiết học chữ Khmer trong Trường PTTHND Kiên Giang. Ảnh: TP

Một tiết học chữ Khmer trong Trường PTTHND Kiên Giang. Ảnh: TP

Là một trong những chùa có số lượng học sinh tham gia học chữ Khmer vào dịp hè ngày một tăng nên chùa Kỳ Son, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, thực hiện rất tốt việc xã hội hóa.

Đại Đức Thạch Chanh Nhenh cho biết: “Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chùa đều chuẩn bị tập, đồ dùng học tập để phát cho các em. Phật tử rất nhiệt tâm trong việc hỗ trợ chùa tổ chức dạy chữ Khmer”. Ông Ngô Vĩnh Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, cho biết: “Sau khi học xong chương trình  tiểu học, học sinh tại xã có thể đăng ký tiếp tục học Ngữ văn Khmer ở Trường THCS Tân Mỹ. Xã cũng thường xuyên đến thăm lớp, động viên và hỗ trợ trường khi có yêu cầu để việc dạy Ngữ văn Khmer được tiếp tục, không làm gián đoạn chương trình học của học sinh”.

Theo ông Thạch Tha Lai, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Trà Vinh, tỉnh có số lượng học sinh tham gia học chữ Khmer vào dịp hè rất đông, có 136/142 chùa Khmer mở lớp dạy chữ Khmer từ lớp 1 đến lớp 5, thu hút gần 11.000 học sinh theo học.

Tham gia giảng dạy tại các chùa ở Trà Vinh chủ yếu là các nhà sư và một số Phật tử tình nguyện. Việc dạy học ở chùa còn được xem là việc làm phúc cho bản thân và gia đình nên giảng sư, người dạy không hề nhận bất kỳ một khoản thu nhập nào từ học trò hay nhà chùa.

Ông Tống Lâm Vuông, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Ban Quản trị các chùa thường xuyên vận động Phật tử hỗ trợ đồ dùng dạy học, xe đạp để tặng cho học sinh, giúp các em yên tâm đi học. Với những học sinh ở xa điểm chùa, nhiều Phật tử có nhà thoáng mát, rộng rãi đã tự nguyện tổ chức điểm dạy chữ Khmer và phối hợp với chùa mời giảng sư đến dạy”.

Xã hội hóa dạy và học tiếng Khmer một cách sâu rộng cộng với chính sách đưa tiếng Khmer vào giảng dạy song ngữ trong nhà trường phổ thông đã tạo điều kiện để việc dạy học tiếng Khmer trong đồng bào dân tộc ngày càng thuận lợi và phát huy hiệu quả hơn.

Nhóm phóng viên

Bài cuối: Khởi sắc dạy và học chữ Pali

Chia sẻ bài viết