* Đến 20 giờ ngày 29-9, đã có 26 người chết, 5 người mất tích
* Bão số 9 đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới
* Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khẩn trương ứng phó với lũ đặc biệt lớn
Theo tin của phóng viên TTXVN thường trú tại các địa phương miền Trung và Tây Nguyên: Đến 20 giờ ngày 29-9, bão số 9 đã làm 26 người chết và 5 người mất tích.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tính đến 18 giờ ngày 29-9, đã xác định được một số danh tính những người chết tại các tỉnh, thành phố trong khu vực đựơc xác định như sau: Tại Thừa Thiên - Huế có 3 người chết là ông Nguyễn Quang Vinh (45 tuổi) và bà Kăn Vo (70 tuổi) và 1 người chưa rõ tên; tại Đà Nẵng có 3 người chết là Nguyễn Đăng Sâm (quận Cẩm Lệ), Vũ Hoàng Hà và ông Hùng (quận Sơn Trà) và 1 người mất tích là ông Văn Khánh (huyện Hòa Vang); tại Quảng Nam có 3 người chết là Huỳnh Văn Cơ, Bùi Thị Thủy và Nguyễn Văn Tám; tại Quảng Ngãi có 2 người chết là ông La Kỹ và một bé gái tại huyện Đức Phổ; tại Bình Định có 5 người chết và mất tích là bà Sưa, bà Sen (trú huyện Phù Mỹ bị lật ghe), Cao Sơn Hùng, Nguyễn Thành Linh (trú huyện Phù Cát bị lật ghe) và Dương Văn Bình trú tại thành phố Quy Nhơn; tại Kon Tum có 9 người chết hiện chưa xác định được nguyên nhân và nhân danh tính, con số bị thương đang được thống kê.
Sau khi tâm bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền khu vực Quảng Nam và Quảng Ngãi, hiện tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp. Nhiều con đường, khu dân cư bị chia cắt, cô lập. Tại Quảng Ngãi có 612 hộ dân ở huyện Bình Sơn bị cô lập do lũ sông Trà Bồng lên cao cần được cứu hộ cứu nạn; 80% nhà dân ở đảo Lý Sơn bị tốc mái. Tại Kon Tum, nhiều đoạn quốc lộ 14C, đường Hồ Chí Minh bị chia cắt, cô lập. Thành phố Đà Nẵng có khoảng 200 hộ dân thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang cũng bị cô lập do lũ đang thiếu lương thực, nước uống cần được ứng cứu...
* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Chiều 29-9, vùng tâm bão số 9 đi vào địa phận các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi. Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 30-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc, 107,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16giờ ngày 30-9 vị trí tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc, 106,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.
Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển các tỉnh Bình Thuận - Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.
* Hồi 15h ngày 29-9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã gửi Công điện khẩn số 47/CĐ/PCLBTW tới Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - TKCN các tỉnh, thành phố các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Nội dung Công điện như sau:
Hiện nay bão số 9 đã đổ bộ vào đất liền, tuy nhiên vẫn gây gió mạnh và mưa rất lớn trên địa bàn các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên. Lũ trên nhiều sông ở Trung Trung Bộ đã lên trên báo động III và còn tiếp tục lên, một số khu vực thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng đã bị ngập sâu.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp đối phó với bão, lũ theo nội dung các công điện khẩn số 1794/CĐ-TTg ngày 26/9/2009, số 1802/CĐ-TTg ngày 28-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ và các công điện của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tập trung vào một số công việc cấp bách sau:
Khẩn trương triển khai ngay các biện pháp ứng phó với lũ lớn.
Tiếp tục cứu hộ, cứu nạn nhân dân ở những khu vực đang bị ngập sâu; sơ tán những hộ dân sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối có nguy cơ bị ngập, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông, cắm biển cảnh báo tại những nơi bị ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm qua suối để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngừng mọi hoạt động của các bến đò và nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.
Triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn các hồ chứa.
Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ, nắm vững thông tin và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo PCLBTW và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
- Sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 3,94m, ở mức báo động 2; Sông Bồ tại Phú Ốc: 4,59m, trên báo động 2: 0,69m; Sông Hương tại Kim Long: 4,37 trên báo động 3: 1,37m; Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 9,59m, trên báo động 3: 0,79m; Sông Hàn tại Cẩm Lệ: 1,99m trên báo động 3: 0,29m; Sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 3,69m, trên báo động 3, tại Hội An: 2,13m, trên báo động 3: 0,43m; Sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc: 7,19m, trên báo động 3: 0,81m; Sông Vệ tại cầu Sông Vệ: 4,56m, trên báo động 3: 0,46m; Sông Ba tại Ayunpa: 154,78m, dưới báo động 3: 0,22m, tại Củng Sơn: 31,24m, dưới báo động 2: 0,26m; Sông Pô Kô tại Đăk Mốt: 587,77m, trên báo động 3: 3,77m, trên mức đỉnh lũ lịch sử năm 2006 là 0,47m; Sông Đakbla tại Kom Tum: 521,71m, trên báo động 3: 1,71m.
Dự báo: Lũ các sông từ nam Quảng Bình đến Phú Yên, Gia Lai, Kom Tum tiếp tục lên nhanh.
Sáng 30-9, lũ các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi có khả năng lên trên mức báo động 3 từ 1 đến 3m, tương đương với đỉnh lũ tháng 11-2007, các sông ở Gia Lai và Kom Tum lên trên mức báo động 3 từ 3 đến5 m, thuộc lũ đặc biệt lớn. Mực nước tại Phú Ốc lên mức 4,5m (ở mức báo động 3), tại Kim Long lên mức 4,5m (trên mức báo động 3: 1,5m); tại Ái Nghĩa lên mức 10,2m (trên báo động 3: 1,4m); tại Cẩm Lệ: 3,2m (trên báo động 3: 1,5m); tại Câu Lâu lên mức 5,2m (báo động 3: 1,5m); tại Hội An: 3,2m (trên báo động 3: 1,5m); tại Trà Khúc lên mức 8,0m (trên báo động 3: 2,3m); tại Sông Vệ: 5,6m (trên báo động 3: 1,5m); tại Kon Tum lên mức 524,0mm (trên báo động 3: 4,0m; tại Đăk Mốt lên mức 589,0m (trên báo động 3: 5,0m; các sông ở nam Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định và Phú Yên lên mức báo động 2, báo động 3.
Cần đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu ở đồng bằng, vùng trũng ven sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên và khu vực Gia Lai, Kon Tum.n
THÁI HÙNG (TTXVN)