07/09/2020 - 08:00

Bảo ngọc Tịnh Biên 

Nửa bên là núi, nửa bên điền

Thu côi muôn lối, cỏ sầu miên

Chiều tà chim bay không điểm hẹn

Chợt ngắm hoàng hôn nghẹn tơ lòng

(Thơ: Tịnh Biên trấn trung hữu đề vịnh chi nhị)

Cầu kiều Trà Sư đón du khách ngày đại lễ Quốc Khánh 2-9.

Đã có một Tịnh Biên như thế... và ngày nay Tịnh Biên trở thành một viên ngọc quý khoác lên mình tấm lụa tiềm năng phát triển ngành công nghiệp không khói, với một lực hấp dẫn giới đầu tư to lớn.

Nổi tiếng về tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân địa phương trong cuộc cách mạng giành độc lập tự do dân tộc, huyện Tịnh Biên - một trong hai huyện miền núi của tỉnh An Giang ngày nay là nơi tập trung đông đúc các địa điểm du lịch nổi tiếng khắp Việt Nam, là khu vực tiềm năng thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp và tầm vóc. Ví như Sao Mai Group hiện tại là tập đoàn có rất nhiều dự án, công trình đã và đang đầu tư vào Tịnh Biên (Nhà máy điện mặt trời Sao Mai, Nhà máy nước uống thiên nhiên An Hảo, các khu du lịch, khu đô thị sầm uất…) với tổng số vốn đầu tư trên 8.300 tỉ đồng.

Tiêu biểu cho sự phát triển mạnh mẽ tại huyện Tịnh Biên, Khu du lịch Trà Sư luôn được giới xê dịch thích thú lựa chọn là nơi check-in sống ảo bởi phong cảnh thiên nhiên hữu tình, công trình nghệ thuật đầy ấn tượng, hồn thơ và chất nghệ thuật nơi đây luôn tạo được cảm hứng cho người thưởng lãm… Là một địa danh hội tụ những cái "nhất Việt Nam", nơi đây hiện đang nắm giữ hai kỷ lục là rừng tràm đẹp nhất Việt Nam và cây cầu tre dài nhất Việt Nam. Và mới đây, An Giang Tourimex tiếp tục mang về cho khu du lịch một kỷ lục mới: "cây cầu gỗ trong rừng tràm đẹp nhất Việt Nam". Với thành tựu ba nhất này sẽ một lần nữa chắp cánh cho tên gọi Khu du lịch Trà Sư được bay cao hơn và vươn xa hơn, mời chào khách du lịch thập phương đến chiêm ngưỡng và đánh bóng viên ngọc Tịnh Biên ngày càng rực rỡ trong công cuộc phát triển kinh tế nước nhà.

Cũng tại địa danh nơi có phần lớn là dân cư người dân tộc này, tọa lạc ngay dưới chân núi trước đây là những cánh đồng ruộng với năng suất lúa thấp qua các năm, nay được thay thế bằng thảo nguyên pin năng lượng mặt trời lớn nhất tỉnh An Giang. Trong tương lai, nhà đầu tư Sao Mai Group khai thác và phát triển mô hình du lịch tại đây theo hướng sinh thái và hiện đại với dự kiến vốn đầu tư hơn 150 tỉ đồng. Ðây sẽ tạo nên một loại hình du lịch mới lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới - du lịch sinh thái điện mặt trời.

Khu du lịch sinh thái điện mặt trời sẽ là loại hình du lịch đầu tiên trên thế giới.

Không những tạo được niềm tin trong bà con địa phương và được các cấp chính quyền ủng hộ, trong quá trình thi công xây dựng kinh đô điện mặt trời dưới chân Núi Cấm, nơi đây đã có cơ may được cặp "rắn thần" ghé thăm. Theo văn hóa phương Tây - nơi có nền văn minh khoa học tiến bộ, hình tượng rắn thần tượng trưng cho sự bất tử, sự khôn ngoan, khả năng chữa bệnh… Chính điều này đã phần nào lý giải vì sao đời sống người dân khu vực xung quanh dần trở nên năng động hơn khi chính công trình này đã nâng cao hiệu quả việc sử dụng đất tại địa phương, đóng góp thuế vào ngân sách trên 130 tỉ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho bà con địa phương…

"Theo kế hoạch chúng tôi đề ra, khu du lịch sinh thái điện mặt trời được dự kiến khai trương và đưa vào hoạt động trước ngày Quốc khánh 2-9 vừa qua, nhưng do đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại nên khả năng cao chúng tôi sẽ dời lại thời gian khai trương vào dịp Tết Nguyên đán, nhằm giải quyết nhu cầu du lịch rất lớn trong dịp này" - ông Trần Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch An Giang, chủ đầu tư của dự án du lịch sinh thái điện mặt trời, cho biết.

Bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện Tịnh Biên đang ngày càng thu được ánh nhìn thiện chí từ các cấp lãnh đạo ban, ngành thông qua những nỗ lực góp phần giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ cấp lãnh đạo huyện. Rồi đây, huyện miền núi ngày nào sẽ tiếp tục là nơi tập trung những cái nhất khác, tạo nên làn sóng phục hồi kinh tế mạnh mẽ, biến Tịnh Biên trở thành khu vực chủ lực phát triển ngành du lịch mũi nhọn của tỉnh An Giang.

T.N

Chia sẻ bài viết