29/01/2010 - 08:24

Báo động chất thải y tế! (kỳ 1)

Bài 1: Xử lý chất thải y tế rắn chưa đồng bộ

Chất thải y tế (CTYT) không được xử lý hoặc xử lý không đúng cách đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, ô nhiễm nguồn nước, mất cân bằng sinh thái... Đến nay, ở TP Cần Thơ, một số bệnh viện (BV), trung tâm y tế (TTYT) vẫn còn chưa có hệ thống xử lý CTYT, một số đơn vị có trang bị thì đã lạc hậu, xuống cấp... Đây là vấn đề gây bức xúc không chỉ trong ngành y tế. Thực trạng này đang cần sự phối hợp giải quyết đồng bộ của các cơ quan chức năng.

* Không có lò đốt CTYT rắn

 Hiện trạng lò đốt rác của TTYT huyện Cờ Đỏ đang xuống cấp, rác đã lấp đầy. Ảnh: B.Ng.

Theo thống kê, ở TP Cần Thơ, mỗi ngày các cơ sở y tế thải ra khoảng vài trăm kilôgram CTYT rắn. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố chỉ có các BV: Đa khoa Trung ương Cần Thơ, 121, Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, Đa khoa Tây Đô và 5 BV tuyến quận, huyện có lò đốt CTYT rắn. Các đơn vị còn lại ở tuyến thành phố và quận, huyện đều chưa có lò đốt CTYT rắn.

TTYT huyện Cờ Đỏ, hằng ngày, thải ra khoảng 15 kg CTYT rắn. Bác sĩ Đinh Xuân Hải, Giám đốc TTYT huyện Cờ Đỏ, cho biết: “BV đốt chung chất thải (rác) sinh hoạt và y tế. Đối với chất thải, chất nào cháy được thì đốt, còn không cháy hết (như chai, lọ thủy tinh...) thì chôn”. Những chai, lọ thủy tinh sẽ được ngâm vào dung dịch Cloramin B, Javen. Bác sĩ Hải cho biết thêm: “BV được nâng cấp từ Phòng khám Đa khoa Khu vực thị trấn Cờ Đỏ nên còn nhiều khó khăn, nhất là lò đốt CTYT - đã sử dụng được 10 năm, hiện đã xuống cấp, chúng tôi đang dự định xây dựng lò đốt mới”.

Khi chúng tôi đến gần khu vực lò đốt, mùi hôi nồng nặc, chai lọ thủy tinh nằm ngổn ngang trên mặt lò, ống khói đen ngòm, lò đốt không có mái che... Hằng ngày, CTYT được tập kết xuống lò, khi nào đầy thì châm dầu vào đốt. Với cách đốt như thế nên CTYT không cháy hết hoàn toàn, dĩ nhiên ở nhiệt độ thấp như vậy, không đảm bảo diệt chết được vi khuẩn gây bệnh. Bác sĩ Đinh Xuân Hải nói: “Khi xây dựng một số phòng, khoa mới của BV, chúng tôi đào hố phát hiện hàng trăm chai, lọ thủy tinh đã chôn cách nay hàng chục năm. Thế là, chúng tôi phải đào lên, xử lý hóa chất, rồi tiếp tục tìm chỗ... chôn tiếp”.

TTYT huyện Cờ Đỏ có 10 trạm y tế (TYT) trực thuộc. Hầu hết các TYT đều có lò đốt. TYT xã Đông Hiệp được xây dựng mới năm 2008, công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế vào tháng 1-2009. Mỗi ngày, trạm có từ 30-40 bệnh nhân khám ngoại trú và một vài sản phụ nằm nội trú. Mỗi ngày, TYT có khoảng 20 gram CTYT rắn. Số lượng CTYT rắn ít nên cán bộ TYT thu gom, một vài ngày sau mới chế dầu vào đốt. Bác sĩ Lê Văn Vụ, Trưởng TYT xã Đông Hiệp, cho biết: “Chúng tôi có phân loại CTYT và rác sinh hoạt nhưng đốt chung, trừ kim tiêm, chai lọ thủy tinh. Chất thải khó đốt nhất là thủy tinh, phải đổ thêm dầu, đến khi vón cục thì đem chôn trong khuôn viên của TYT”.

CTYT ở các phòng mạch tư và TYT tuy ít hơn ở các BV, TTYT nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng rất lớn. Tại quận Ninh Kiều có 2 BV nhận đốt là: Đa khoa Trung ương Cần Thơ và 121. Tuy nhiên, thông tin từ hai BV này cho biết, không có hợp đồng xử lý CTYT rắn của TYT và phòng mạch tư. Vậy lượng CTYT này đi đâu? Theo thông tin từ BV 121, cách đây không lâu khi thu gom rác sinh hoạt của BV, nhân viên của Xí nghiệp Môi trường Cần Thơ phát hiện có lẫn CTYT. Qua theo dõi, bảo vệ của BV 121 phát hiện một người chạy xe honda ôm đem CTYT bỏ vào thùng chất thải (rác) sinh hoạt của BV. Sau khi vụ việc bị phát giác, hiện tượng bỏ CTYT rắn vào chất thải sinh hoạt tại BV đã chấm dứt nhưng nay lại xuất hiện. Tình trạng vứt CTYT vào thùng rác công cộng còn diễn ra khá phổ biến. Ông Nguyễn Hữu Kim Sơn, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường, kiêm Phó giám đốc Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ, cho biết: “Công nhân đi thu gom rác sinh hoạt phát hiện nhiều túi CTYT lẫn trong chất thải sinh hoạt, nhiều nhất ở quận Ninh Kiều. Khi phát hiện, công nhân buộc phải thu gom, mặc dù đây không phải là trách nhiệm của công ty. Sau khi thu gom, chúng tôi xử lý CTYT giống như rác sinh hoạt”. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế, khi CTYT rắn lẫn vào chất thải sinh hoạt thì hỗn hợp chất thải đó phải được xử lý như CTYT.

* Chỗ thừa chỗ thiếu

Phần lớn lượng CTYT rắn ở TP Cần Thơ do lò đốt của BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ xử lý. BV này là một trong 25 BV lớn trong toàn quốc được Bộ Y tế trang bị lò đốt CTYT rắn của hãng Hoval (Thụy Sĩ). Lò hoạt động từ tháng 5-2002, công suất xử lý 400-500 kg rác/ ngày, mỗi tháng tiêu tốn khoảng 4.000 lít dầu. Hiện nay, BV nhận hợp đồng đốt CTYT rắn cho 23 TTYT, BV công lập và tư nhân trong TP Cần Thơ. Tổng lượng CTYT rắn thu gom và xử lý tại lò đốt của BV dao động khoảng 15 tấn/ tháng; riêng CTYT của BV từ 8-9 tấn/tháng.

Cuối tháng 12-2009, Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã có công văn gởi các đơn vị y tế thông báo ngưng nhận đốt CTYT rắn là vật sắc nhọn, kim tiêm. Lý giải về điều này, kỹ sư Nguyễn Lan Phương, Khoa Chống nhiễm khuẩn, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: “Khi đốt CTYT rắn, qui định lượng CTYT là vật sắc nhọn, kim tiêm chỉ được chiếm không quá 5% so với tổng lượng chất thải đem đốt. Nhưng gần đây lượng CTYT rắn này tăng quá 5% nên BV ngưng tiếp nhận và sẽ thu gom lại khi đã xử lý xong lượng còn tồn đọng tại BV”.

Tại khu vực lò đốt của BV, không khí khá nóng nực, kỹ sư Lan Phương phân bua: “Lò đốt bị quá tải nên lúc nào lò cũng trong tình trạng nóng hổi”. Lò đốt rác của BV hoạt động 24/24 giờ, suốt 7/7 ngày nên thiết bị hư hỏng thường xuyên. Khi lò mới vận hành, một vài bộ phận từ 1-1,5 năm mới phải thay 1 lần, nhưng hiện nay chỉ vài tháng là lò bị trục trặc phải sửa chữa, thậm chí phải thay thế thiết bị rất tốn kém. Lo nhất là lò đang hoạt động quá tải, nguy cơ hư hỏng cao. Kỹ sư Lan Phương cho biết: “Nếu lò bị hư hỏng nặng, không hoạt động được thì không biết đưa CTYT đi đâu để xử lý”. Bác sĩ Nguyễn Thị E, Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, mong mỏi: “Hy vọng, TP Cần Thơ sớm triển khai xây dựng thêm lò đốt CTYT rắn để chia sẻ bớt cho lò đốt của BV đang quá tải”.

Trong khi đó lò đốt ở một số BV khác lại sử dụng chưa hết công suất. BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, mỗi ngày có khoảng 5kg CTYT rắn. Tháng 12-2009, BV đã lắp đặt lò đốt, trị giá trên 700 triệu đồng; vận hành 8 giờ/ngày, đốt 25 kg/giờ, tiêu thụ 10-12 lít dầu/giờ. Do số lượng CTYT rắn của BV ít nên 2 tuần mới đốt 1 lần. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, cho biết: “BV không có người thu gom và xe chuyên dụng chở CTYT rắn, nên không thể nhận xử lý CTYT rắn cho các đơn vị y tế khác, trước mắt chỉ đốt CTYT của BV”.

CTYT rắn nguy hại là chất thải dạng rắn phát sinh trong các cơ sở y tế, từ các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, phòng bệnh, nghiên cứu, đào tạo có 1 trong các thành phần như máu, dịch cơ thể, chất bài tiết, các bộ phận hoặc cơ quan con người, bơm kim tiêm và các vật sắc nhọn, dược phẩm hóa chất...

Quy chế quản lý chất thải
(Bộ Y tế)

Tương tự, tại BV 121, có lò đốt từ năm 2006, công suất 25 kg/ giờ nhưng mỗi ngày BV chỉ thải ra 50 kg CTYT rắn. Ngoài ra, hằng tháng, lò đốt của BV còn nhận đốt 100 kg CTYT cho BV Đa khoa quận Cái Răng và BV Ung bướu Cần Thơ, lò vẫn hoạt động dư công suất. Ông Đinh Văn Quý, trợ lý doanh trại BV 121, cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị y tế đốt CTYT rắn. BV cũng lắp đặt cả phòng lạnh để chứa CTYT rắn”.

Như vậy, quận Ninh Kiều đã có 4 BV: Đa khoa Trung ương, 121, Lao và Bệnh phổi, Đa khoa Tây Đô có lò đốt hiện đại. Nếu hai lò đốt của BV 121, BV Lao và Bệnh phổi chi viện cho lò đốt của BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ thì lò đốt của BV này sẽ được giảm tải. Hiện nay, việc cần thiết là đầu tư xây dựng kho chứa CTYT rắn, phương tiện thu gom và nhân sự cho lò đốt của BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Vấn đề còn lại là tập huấn, giám sát chặt chẽ qui trình thu gom và vận hành lò đốt CTYT rắn. Theo thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Trạm Quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, lò đốt tốt nhưng nếu vận hành không đúng sẽ có nguy cơ sản sinh ra khí độc. CTYT đốt không hết dễ phát sinh Dioxin. Một số lò đốt, nhà sản xuất khuyến cáo trước khi đốt rác, cho dầu vào đốt để buồng đốt đạt nhiệt độ 1.000oC rồi mới cho CTYT rắn vào đốt, nếu đốt đúng như vậy tốn rất nhiều dầu. Chất Dioxin rất độc, là tạp chất của chất độc màu da cam, có thể gây ung thư, quái thai... Hiện nay, Trạm Quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ chỉ làm một số xét nghiệm khí thải thông thường như SO2, NO2, cacbonit, bụi... Còn xét nghiệm khí Dioxin, tại Việt Nam, chỉ có Trung tâm Quan trắc Tổng cục Môi trường có thiết bị xét nghiệm, thu mẫu và phân tích mẫu Dioxin.

Bức xúc trước thực tế chai, lọ, kim tiêm... đốt chỉ vón cục, không cháy được hoàn toàn, tại BV Đa khoa huyện Thới Lai - một sáng kiến hữu ích đã giải quyết vấn đề nan giải này, đó là “biến rác thủy tinh thành đal lót đường”. Bác sĩ Nguyễn Hiếu Hiệp, Giám đốc BV Đa khoa huyện Thới Lai đã cùng các cộng sự thiết kế máy nghiền rác thủy tinh. Giới thiệu chiếc máy nghiền nát thủy tinh, anh Nhang Văn Tùng, Điều dưỡng của BV, hồ hởi kể: “Trước đây, cái máy này hơi nhỏ, được bác sĩ Hiệp thiết kế to và chuyên dụng hơn để xử lý một lượng lớn CTYT rắn. Sau đó, trộn thứ cát thủy tinh này với xi măng và vôi bột rồi đổ vào khuôn. Sau khi khô, hỗn hợp này tạo thành những tấm vật liệu rắn chắc có độ cứng rất cao và đem làm những miếng đal lót đường đi, lót nền nhà kho của BV”. Theo Ban Giám đốc BV Đa khoa huyện Thới Lai, với chiếc máy nghiền thủy tinh trên, chi phí vận hành sẽ thấp hơn rất nhiều, tận dụng được rác thủy tinh để tạo ra được những tấm đal, giảm ô nhiễm do khí thải từ lò đốt.

Tuy nhiên, trong CTYT, lượng thủy tinh chiếm không lớn nên sáng kiến của bác sĩ Hiệp chỉ giải quyết được vấn đề CTYT thủy tinh. Còn với những CTYT khác, việc xử lý còn gây băn khoăn, lo lắng cho nhiều BV. Lò đốt rác của BV Đa khoa quận Ô Môn được đưa vào sử dụng đã 2 năm. Do chưa sử dụng hết công suất của lò đốt, nên BV cũng nhận đốt rác cho một số bác sĩ ở các phòng mạch tư và các trạm y tế. Lò đốt của BV được đánh giá tương đối tốt. Tuy nhiên, khí thải từ lò đốt cũng là một mối lo. Bác sĩ Mai Thọ Truyền, Phó giám đốc BV Đa khoa Ô Môn, băn khoăn: “BV chỉ chuyên trị bệnh chứ không rành về các chỉ tiêu, quy định về môi trường nên chúng tôi không an tâm về khí thải từ lò đốt. Khí thải chưa được kiểm nghiệm nên không rõ có độc không? Nếu TP Cần Thơ có công ty, xí nghiệp chuyên xử lý CTYT rắn thì BV sẵn sàng chuyển CTYT rắn cho cơ sở này xử lý”.

Qua khảo sát thực tế tại 19 cơ sở y tế của tổ tư vấn thuộc Viện Công nghệ môi trường, CTYT rắn ở các BV, TTYT chưa được thu gom phân loại đúng theo quy chế quản lý CTYT như: thiếu thùng chứa CTYT rắn, các kho trung chuyển không đảm bảo điều kiện vệ sinh, thiếu các trang bị vận chuyển, lò đốt... Trên thực tế, y, bác sĩ của các BV, TTYT đều hiểu được tác hại của CTYT rắn đối với môi trường, sức khỏe nhưng việc xử lý thì “lực bất tòng tâm”. Trong khi, các ngành, các cấp đang “đau đầu” trong việc xử lý CTYT rắn thì việc xử lý CTYT lỏng cũng “đang gặp vấn đề”...

BÍCH HOA

(Còn tiếp)

Quy chế quản lý chất thải (Bộ Y tế)

Chia sẻ bài viết