21/06/2020 - 06:26

Báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng!

Hôm nay, 21-6-2020, những người làm báo Việt Nam hân hoan chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam!

Cách nay 95 năm, ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Bác Hồ đã xuất bản số báo Thanh Niên đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của Báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên có nội dung chính là tuyên truyền chủ nghĩa Mác, kêu gọi lòng yêu nước, căm thù giặc, giáo dục, bồi dưỡng ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho đất nước. Báo Thanh Niên số 2, ngày 28-6-1925, viết: “Cách mạng là sự biến đổi xấu thành tốt, đó là căn nguyên của mọi hoạt động, nhờ đó mà một dân tộc bị áp bức được giải phóng, trở nên giàu mạnh. Lịch sử các nước đã dạy chúng ta rằng chỉ bằng con đường cách mệnh thì mới có thể tiến tới hình thành được một chính thể có nền giáo dục, công nghiệp, tổ chức phục vụ xã hội tốt đẹp hơn”. Báo Thanh Niên số 61 ra ngày 19-7-1926 vạch rõ con đường của cách mạng Việt Nam: “Chỉ có Đảng Cộng sản mới đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”. Rõ ràng, Bác Hồ xuất bản báo Thanh Niên là nhằm chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức cho quá trình thành lập Đảng ngày 3-2-1930, từ đó đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trải qua chặng đường dài lịch sử, từ trong kháng chiến đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, báo chí cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng và đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và của dân tộc ta. Báo chí đã trở thành công cụ sắc bén trong công tác chính trị - tư tưởng, thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, phản ánh mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng phục vụ sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước. Báo chí nước ta là kênh thông tin đấu tranh hiệu quả phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần bảo vệ anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Báo chí còn là kênh phản biện xã hội, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần xây dựng tổ chức đảng, bộ máy chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Thành phố Cần Thơ ở vị trí trung tâm ĐBSCL nên hoạt động báo chí thời gian qua cũng diễn ra hết sức sôi động. Ngoài hai cơ quan báo chí địa phương là Đài Phát thanh - Truyền hình Cần Thơ và Báo Cần Thơ, ở Cần Thơ hiện có hơn 60 văn phòng, cơ quan đại diện của các cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh thành bạn, với đội ngũ nhà báo đông đảo. Đội ngũ những người làm báo ở Cần Thơ thời gian qua luôn xông xáo thâm nhập mọi ngõ ngách cuộc sống để tìm và cung cấp thông tin hữu ích, nóng hổi, hấp dẫn cho bạn đọc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Cần Thơ với nhân dân cả nước và thế giới.

Hôm nay, kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhìn lại thành tựu báo chí thời gian qua chúng ta rất đỗi tự hào, nhưng nhìn về con đường phía trước còn không ít những khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của những người làm báo. Chúng ta đang sống trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều cơ hội và thách thức, trong đó có báo chí. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, đã đặt các cơ quan báo chí và người làm báo vào bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt, không chỉ giữa các cơ quan báo chí với nhau, mà còn với mạng xã hội đang phát triển rộng khắp toàn cầu.

Trong cuộc cạnh tranh gay gắt ấy, đòi hỏi những người làm báo cách mạng càng phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng gồm những hoạt động đa dạng, phong phú. Quan trọng nhất hiện nay, báo chí phục vụ sự nghiệp cách mạng phải đấu tranh vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong thư của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gởi các nhà báo nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đã viết: “Báo chí cách mạng Việt Nam cần bám sát quan điểm chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về đời sống xã hội của đất nước, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được “dòng chảy chính” của xã hội, của đất nước, phải “phò chính, diệt tà”. Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh”.

Muốn vậy, mỗi nhà báo hôm nay phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp để thật sự là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng.

Cần Thơ

Chia sẻ bài viết