16/11/2015 - 10:26

Băn khoăn nguồn nhân lực vùng ĐBSCL

Nguồn nhân lực (NNL) là một trong những yếu tố then chốt quyết định lợi thế cạnh tranh một địa phương hay quốc gia và ĐBSCL không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, việc đào tạo và sử dụng NNL của vùng hiện nay còn nhiều bất cập, đòi hỏi có sự chung tay của cả hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội.

Nỗ lực chung

Vùng ĐBSCL hiện có khoảng 18 triệu dân, trong đó dân số trong độ tuổi lao động chiếm 57%, đây là tỷ lệ dân số "vàng" để phát triển kinh tế. Vùng có 17 trường ĐH (gồm 11 trường ĐH công lập, 6 trường ĐH ngoài công lập, 1 phân hiệu ĐH), 26 trường cao đẳng và 73 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Quy mô sinh viên đại học, cao đẳng chính quy gần 131 ngàn người. Theo ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ văn hóa xã hội, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB), để tăng cường đào tạo NNL, các địa phương trong vùng thực hiện tốt chính sách cử tuyển theo Nghị định 134 của Chính phủ, bình quân hằng năm cử tuyển khoảng 1 ngàn chỉ tiêu, đến nay có gần 2 ngàn sinh viên cử tuyển tốt nghiệp.

Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là một trong những tiêu chí quan trọng mà các trường đang hướng đến, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo NNL. Trong ảnh: Giờ học của sinh viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ.

Năm 2006, Trường ĐHCT có sáng kiến phối hợp với các địa phương thực hiện chương trình Mekong 1000. Đến nay đã đào tạo 552 cán bộ có trình độ sau ĐH (trong đó có 50 tiến sĩ, 502 thạc sĩ) tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, cho biết: "Chương trình Mekong 1000 góp phần quan trọng trong việc đào tạo NNL chất lượng cao cho ĐBSCL. Chương trình đào tạo số lượng khá lớn cán bộ, công chức, viên chức trẻ, có trình độ, chuyên môn cao, phong cách làm việc hiện đại, năng động và hiệu quả,… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương". TP Cần Thơ là một trong các địa phương thụ hưởng nhiều từ chương trình Mekong 1000, có 121 ứng viên theo học; kế đến là tỉnh Cà Mau: 93 ứng viên, tỉnh Trà Vinh: 57 ứng viên, tỉnh Vĩnh Long: 54 ứng viên… Theo ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, thời gian qua, thành phố thực hiện các đề án, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng NNL, tạo sự đột phá chuyển biến mới cho sự phát triển lâu dài và bền vững của thành phố trong tương lai. Đề án Cần Thơ 150 (thuộc chương trình Mekong 1000), đào tạo NNL trình độ sau ĐH, với sự hỗ trợ của Trường ĐHCT mang lại nhiều khởi sắc. Các ứng viên sau khi tốt nghiệp quay về đảm nhận các vị trí và thể hiện năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của cơ sở, cơ quan nhà nước. Ông Lê Văn Tâm nói: "Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức viên chức với hơn 25 ngàn người chưa phát triển đồng bộ và hiệu quả. Trong tương lai, thành phố rất cần nguồn nhân lực trẻ, có năng lực và bản lĩnh chính trị, đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ, phục vụ phát triển thành phố và vùng ĐBSCL".

Đào tạo gắn liền sử dụng

Thời gian qua, mặc dù các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có nhiều nỗ lực nhằm đẩy nhanh tốc độ NNL (nhất là NNL chất lượng cao) nhưng vùng còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức; trong đó hạn chế về NNL so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vùng chưa có chiến lược tổng thể về phát triển NNL phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội; việc đào tạo và sử dụng NNL còn bất cập, còn tình trạng sinh viên thất nghiệp… Tại Hội thảo "NNL cho phát triển ĐBSCL" do Trường ĐHCT phối hợp Trường ĐH RMIT (Úc) tổ chức đầu tháng 11-2015 vừa qua, Tiến sĩ Vũ Anh Pháp, Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng: NNL ở ĐBSCL đang là nút thắt cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế của vùng. NNL khá dồi dào nhưng chất lượng thấp nhất cả nước do hệ thống cơ sở đào tạo chưa phân bổ hợp lý, chương trình ngành nghề đào tạo, giảng viên chưa đáp ứng nhu cầu... Các thành phần kinh tế chưa đầu tư hiệu quả phát triển NNL, chưa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tiến sĩ Vũ Anh Pháp nhận định: "Để tháo gỡ nút thắt này, cần quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, cơ sở đào tạo NNL gắn với quy hoạch phát triển vùng; phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cần dựa trên cơ sở thực trạng đội ngũ giảng viên và nhu cầu các ngành nghề cần đào tạo, có chính sách ưu đãi,…". Thực tế cho thấy, thời gian qua, mạng lưới trường ĐH, cao đẳng, trung cấp phát triển khá mạnh nhưng lực lượng cán bộ, giảng viên có trình độ sau ĐH rất thấp, chiếm 8,9% trong tổng số gần 4 ngàn người (cả nước là 16,8%).

Một điểm nghẽn khác là việc đào tạo, sử dụng NNL của vùng còn nhiều bất cập. Theo các đại biểu, hiện nay, các trường đào tạo những gì đang có, chớ chưa đào tạo NNL xã hội cần. Đồng thời tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo chậm khắc phục, quy mô khối ngành kinh tế trên 30% tổng số sinh viên đào tạo, dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường khó tìm được việc làm,… PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Trường ĐHCT, đặt vấn đề: Hiện nay, tỷ lệ sinh viên/vạn dân của vùng còn thấp so với cả nước, trong khi tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường vẫn còn, do đâu? Phải chăng việc đào tạo và sử dụng NNL còn nhiều bất cập, đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan chủ quản, bộ, ngành Trung ương. PGS.TS Lê Việt Dũng nói: "Quan trọng là việc khai thác và quản lý NNL; đây là một nghệ thuật, bởi đào tạo NNL đã khó, giữ chân NNL càng khó hơn. Do đó, các đơn vị cần tạo môi trường làm việc thông thoáng, bố trí và phát huy tối đa năng lực người lao động để đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng "chảy máu chất xám"". TS Eugene Sebastian, Trường ĐH RMIT (Úc), nói thêm: "Để phát triển bền vững NNL, cần có sự liên minh toàn xã hội (Chính phủ, trường học, doanh nghiệp...) tham gia đào tạo NNL. Thời gian qua, trường liên kết với trường ĐHCT đào tạo NNL. Tới đây, chúng tôi sẽ trình Chính phủ Việt Nam về chiến lược đào tạo NNL vùng ĐBSCL". Để thực hiện tốt công tác phát triển NNL cho vùng, ông Võ Trọng Hữu nhấn mạnh: "Sắp tới, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, nhất là nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư cho giáo dục - đào tạo vùng; tập trung củng cố tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo và tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường, đơn vị liên quan để đào tạo NNL, phục vụ phát triển ĐBSCL".

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết