17/06/2013 - 21:17

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở ĐBSCL

Bài học từ công cuộc khẩn hoang vùng tứ giác Long Xuyên

* Hà Triều

Vùng tứ giác Long Xuyên (TGLX) ở ĐBSCL thuộc địa phận của 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Vùng có diện tích ước khoảng 470.000 ha; trong đó, khoảng 52% thuộc tỉnh An Giang, khoảng 46% thuộc tỉnh Kiên Giang và phần còn lại thuộc vùng Bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Sau hơn 20 năm khẩn hoang, TGLX đã trở thành vùng trọng điểm lương thực của ĐBSCL và cả nước. Thành công và những lượng định về thách thức của vùng sẽ là bài học quý báu không chỉ cho các địa phương vùng ĐBSCL trong nỗ lực  xây dựng nông thôn mới.

BÀI 1:   Giải bài toán “rốn phèn”!

 

Qua hơn 20 năm khai hoang, đời sống người nông dân vùng TGLX ở ĐBSCL ngày càng phát triển, nông thôn đã khoác lên một bộ áo mới khang trang. Trong ảnh: Đường lộ giao thông nông thôn khang trang ở ấp D2 xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: T. LONG

“Ôi trời! Vùng đất này ngày xưa hoang hóa lắm. Không rừng tràm thì là đồng năn, cỏ lác… Nước đỏ quánh như cao khô. Nhiều lúc mặt nước đóng váng phèn cứng tới nỗi con kiến bò qua còn được”… Đó là những câu nói cửa miệng của người dân khi hồi tưởng lại vùng TGLX hơn 20 năm trước - khoảng thời gian những con kinh chưa được xẻ dọc, xẻ ngang… để rửa phèn, rửa mặn cho đồng đất này…

* Thủy lợi – giải pháp quyết định

Lão nông Đoàn Đức Thắng ở ấp C2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, kể: Trước những năm 80 của thế kỷ trước, nông dân vùng này làm lúa phó mặc cho trời! Đến mùa khô thì mướn trâu cày ruộng. Khi mùa mưa đến làm đất sơ sơ rồi sạ để đó, nước lũ lên, lúa lên theo và đến nước lũ rút, nông dân ra đồng… thu hoạch. Điện, đường, trường, trạm có gì đâu… Đường đi trong làng chỉ là con đường mòn… Cả ấp lúc bấy giờ có vài chục nhà. Nhưng, cũng chỉ có vài cái là nhà tường. Còn lại đều là nhà tranh vách đất… Đến giờ, ông Lê Văn Phải (Út Phải) ở ấp Hòa Tiến, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang vẫn không quên cảnh cơ cực ngày xưa. Bởi như ông kể: “Vùng này hồi trước đa phần là rừng tràm xen với những khoảng ruộng lởm chởm. Đất phèn, chua dữ lắm. Mùa kiệt - nước đỏ quánh như cao khô. Nhiều lúc mặt nước đóng váng phèn cứng tới nỗi con kiến bò qua còn được…”. Trận lũ lịch sử năm 1978 gây nhiều thiệt hại cho cơ sở hạ tầng và đời sống người dân vùng ĐBSCL, trong đó có vùng TGLX. Đời sống người dân cơ cực lúc bấy giờ càng cơ cực hơn. Trước tình hình này, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình nhằm khai thác, phát triển ĐBSCL và ứng phó với lũ lụt; trong đó có chương trình khai thác TGLX. Việc khai thác vùng TGLX có thể phân chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 10 năm đầu, từ 1988 – 1998, là thời kỳ khai hoang với nhiều khó khăn gay gắt. Giai đoạn 2, từ năm 1999 đến nay là giai đoạn  tập trung cho việc thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. 10 năm đầu, cùng với Chính phủ, chính quyền các địa phương vùng TGLX đẩy mạnh xây dựng hàng loạt các công trình thủy lợi để tháo chua, rửa phèn cho đồng đất.

Khai phá vùng TGLX, công trình thoát lũ ra biển Tây theo ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình TGLX – An Giang là “bí quyết” rửa “rốn phèn”. Ông nhớ lại: Năm 1988, khi khởi động Chương trình TGLX, vẫn còn nhiều e ngại vì sợ các kinh nối vào kinh Vĩnh Tế thì sẽ mất nước ngọt do mặn xâm nhập… Năm 1991, khi công tác khai hoang từ phía Tây sông Hậu vào cuối phần đất An Giang giáp ranh với Kiên Giang đụng “túi phèn” giữa TGLX. Sau nhiều lần khảo sát thực tế cùng các ngành hữu quan và địa phương tìm cách thoát lũ, rước nước ngọt, rửa “rốn phèn”, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định phóng tuyến kinh T5 – Tuần Thống. Hệ thống công trình thoát lũ, trục chính là kinh T5 (được đổi tên thành kinh Võ Văn Kiệt từ năm 2005 cho đến nay) rước nước bạc – phù sa đầu mùa (khoảng tháng 7,8,9 Dương lịch, từ sau 5-5 Âm lịch hằng năm) qua các trục kinh dọc Quốc lộ 91 (Châu Đốc – Long Xuyên) vào sâu vùng TGLX. Thay vì theo thông lệ, thời điểm này, nước lũ (không mang phù sa - gọi là nước đen) từ Campuchia qua 7 cầu đoạn Châu Đốc – Nhà Bàn vào nội đồng TGLX. Nước lũ lên nhanh, làm dội nước bạc tại các đầu vào kinh trục (Kinh Đào, Vịnh Tre, Cây Dương, Mặc Cần Dương…) không cho phù sa qua các kinh trục vào vùng TGLX quá 5km...

Cùng với các con kinh được đầu tư từ nguồn vốn trung ương, các địa phương vùng TGLX dần đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hệ thống kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3, hệ thống kinh mương nội đồng… nhằm đánh thức vùng TGLX.

* Diện mạo mới

Với chiếc xe gắn máy, thậm chí bây giờ ngay cả với chiếc xe ô tô sẽ không mấy khó khăn khi len lỏi vào đồng sâu của vùng TGLX. Bởi lẽ, những tuyến đường giao thông nông thôn kết hợp với đê bao chống lũ trong vùng TGLX phần lớn đã được bê  tông hóa, xe 2-4 bánh có thể đi lại thuận tiện trong 2 mùa mưa, nắng. Về cuộc sống hiện tại, lão nông tri điền Lê Văn Siêu (70 tuổi) ở ấp Hòa Tiến, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, hồ hởi nói: “Tui không dám nghĩ đời mình có thể có cuộc sống như ngày hôm nay. Từ lúa 1 vụ/năm rồi chuyển sang 2 vụ lúa/năm… Từ chỗ nhà lá, sống tạm bợ, giờ mấy anh em nhà tôi ai cũng cất được nhà tường kiên cố. Giờ bước ra khỏi nhà là chân giày, chân dép, xe cộ chạy bon bon… không như ngày trước, áo quần lúc nào cũng lấm lem bùn đất”. Lão nông Phạm Văn Mạnh ở ấp Phú Hòa, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, khẳng định chắc nịch: “Đời sống khác xưa gần như 90% nên tâm trạng người dân phấn khởi lắm. Còn nhớ, hồi xưa khi mới có chủ trương làm tăng vụ, nhiều nông dân bán tin, bán nghi nói: “Nhà nước chia đất, 1 vụ thì tui mần, còn 2 vụ thì tui giao cho nhà nước”. Vậy mà khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây lúa thành công, nông dân ùn ùn làm theo. Nhờ trồng lúa, nhiều hộ nông dân có cái ăn, cái để, làm giàu chính đáng”.

Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ là xã thuộc vùng TGLX. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, cho biết: Xuất phát điểm Thạnh Thắng là xã thuần nông, sản xuất độc canh cây lúa nên đời sống của người dân rất khó khăn. Nhờ các công trình thủy lợi ngày càng được kiên cố, các vùng sản xuất được khép kín, chủ động tiêu và thoát nước nên việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa, tăng vụ… rất thuận lợi. Thu nhập của người trồng lúa trên địa bàn xã ngày càng tăng. Nhờ vậy, đời sống của người dân trong xã ngày càng khấm khá hơn, bộ mặt nông thôn cũng nhiều thay đổi. Xã hiện đã không còn nhà tre lá, nhà tạm bợ… Cùng với cả nước, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới nên cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng được đẩy mạnh đầu tư, xây dựng. Những công trình giao thông nông thôn kết hợp với đê bao chống lũ, những cụm tuyến dân cư, trạm y tế, trường học, chợ, các công trình văn hóa, thể thao… dần hoàn thiện theo chuẩn nông thôn mới. Tất cả tạo nên một diện mạo mới cho vùng TGLX trù phú.

* Vùng trọng điểm sản xuất lương thực

Với diện tích đất nông nghiệp 41.490 ha (chiếm 88,6% diện tích đất tự nhiên), nhiều năm qua, huyện Thoại Sơn luôn dẫn đầu tỉnh An Giang trong sản xuất lương thực. Bà Lê Kim Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn, cho biết: 2 năm đầu (1988 – 1989) là thời điểm Thoại Sơn tập trung tháo gỡ những khó khăn, đề ra các giải pháp để phát triển, phát huy năng lực sản xuất, huy động mọi nguồn lực để khai hoang phục hóa, mở rộng diện tích canh tác, tích cực chuyển đổi lúa một vụ (lúa mùa) sang lúa ngắn ngày (2 vụ). Đến năm 1990 diện tích lúa 1 vụ đã chuyển lên sản xuất 2 vụ. Năm 1992, Thoại Sơn chính thức xóa bỏ cây lúa mùa nổi. Kết quả này nâng tổng sản lượng lương thực của huyện lên 312.000 tấn, tăng gấp 3 lần so năm 1987. Năm 1992 cũng là năm đầu tiên sản xuất lương thực của Thoại Sơn trở thành sản xuất hàng hóa và huyện không còn hộ đói, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét mà 10 năm trước đó không làm được. Từ năm 2000, Thoại Sơn tiến hành thâm canh tăng vụ, tạo bước đột phá ứng dụng thành công trong khai thác vùng TGLX là chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; “sản xuất và sống chung với lũ an toàn”... Năm 2001, từ sản xuất lúa 2 vụ, huyện tiến hành chuyển sang sản xuất lúa 3 vụ. Năm 2008, huyện có tổng diện tích gieo trồng cả năm 103.009 ha, tổng sản lượng đạt 640.000 tấn, trong đó phục vụ xuất khẩu khoảng 200.000 tấn/năm. Kết quả này đưa Thoại Sơn từng bước vươn lên đứng tốp đầu cả nước về sản lượng và năng suất góp phần ổn định an ninh lương thực và xuất khẩu cho vùng ĐBSCL.

Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang là huyện dẫn đầu các địa phương vùng TGLX về sản xuất lương thực hằng năm. Ông Nguyễn Ngọc Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, cho biết: Trước năm 1992, đời sống của người dân huyện Hòn Đất gặp nhiều khó khăn do hệ thống giao thông chưa được đầu tư xây dựng. Sản xuất nông nghiệp ở huyện nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là sản xuất một vụ lúa trong năm. Các thế mạnh khác của huyện như: khai hoang phục hóa, thâm canh, tăng vụ… chưa được đầu tư khai thác. Từ khi được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống thoát lũ, ngăn mặn, dẫn ngọt, xả phèn phục vụ sản xuất, huyện Hòn Đất đã chuyển đổi một số diện tích rừng sản xuất kém hiệu quả, khai hoang và đưa vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là việc đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất bình quân của huyện từ khoảng 3,8 tấn/ha năm 1995 lên gần 6 tấn/ha năm 2011. Sản lượng lương thực của huyện cũng đạt trên 883.000 tấn, trong đó lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chiếm gần 80%…

Theo thống kê chưa đầy đủ của các ngành hữu quan, đến cuối năm 2011, vùng TGLX đạt sản lượng trên 4,73 triệu tấn lúa, chiếm  chiếm hơn 20% sản lượng lúa của toàn vùng ĐBSCL. TGLX tiếp tục khẳng định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của vùng ĐBSCL. Thành công từ công cuộc khai phá này là bài học kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL và cả nước.

     (Còn tiếp)

BÀI 2: Bài học cho công cuộc xây dựng nông thôn mới

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ĐBSCL