23/04/2023 - 09:49

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công

SONG NGUYÊN

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, đến cuối quý I-2023, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31-3-2023 là 73.192,092 tỉ đồng, đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ đạt 11,88% kế hoạch). Trong đó, vốn trong nước hơn 72.231,2 tỉ đồng (đạt 10,64%), vốn nước ngoài trên 960,8 tỉ đồng (đạt 3,43%). Chỉ có 2 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương giải ngân trên 15% kế hoạch Thủ tướng giao; trong khi đến 48 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam 2023, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam so với các dự báo trước đó, do tác động của sự suy yếu tổng cầu ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Còn theo nhận định của các cơ quan, tổ chức trong nước, sự phục hồi chậm, khó khăn về thị trường xuất khẩu, tác động của các yếu tố địa chính trị… sẽ tạo ra áp lực cho nền kinh tế Việt Nam thời gian tới. Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội đòi hỏi phải đẩy mạnh khơi thông các nguồn lực đầu tư. Trong đó, đầu tư công được xem là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong điều kiện tổng cầu thế giới suy giảm, tiêu dùng trong nước phục hồi chậm.

Tính đến 31-3-2023, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án hơn 617.244 tỉ đồng, đạt 87,3% kế hoạch vốn Thủ tướng giao (vốn giao năm 2023 trên 707.044 tỉ đồng). Hiện các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đang đẩy mạnh phân bổ chi tiết vốn đầu tư công, cùng với các giải pháp nhằm giải ngân đạt kế hoạch đề ra. Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 (Quyết định 235/QÐ-TTg ngày 14-3-2023). Ðồng thời yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân.  

Trên thực tế, giải ngân vốn đầu tư công hiện nay không chỉ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, vướng các thủ tục đầu tư, đất đai… mà còn là nội tại của công tác quản lý, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu… còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năm 2022, với 6 Tổ công tác gỡ vướng về đầu tư công được thành lập theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã gỡ vướng rất lớn cho công tác giải ngân, với kết quả đạt được đến cuối tháng 1-2023, xấp xỉ 93,%%. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư công, từ khâu hình thành dự án đến kết thúc, bàn giao đưa vào sử dụng. Qua đó phát hiện và đề xuất sửa đổi 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các Nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công. Năm 2023, với 5 Tổ công tác, kỳ vọng sẽ giải quyết tốt hơn nữa các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.        

Chia sẻ bài viết