03/05/2021 - 07:51

Ăn nên làm ra nhờ du lịch cộng đồng 

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã quan tâm đầu tư nâng tầm các sản phẩm du lịch để người dân tận dụng lợi thế vươn lên từ du lịch. Nhiều mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ra đời và phát triển mạnh hứa hẹn giúp du lịch vùng đất tận cùng cực Nam của Tổ quốc cất cánh trong tương lai.

Tận dụng lợi thế để vươn lên

Tỉnh Cà Mau có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: HIẾU NGHĨA

Tỉnh Cà Mau có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: HIẾU NGHĨA

Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong những điểm du khách muốn đến tham quan nhất khi về Cà Mau. Vùng đất U Minh Hạ từ xưa đã nổi tiếng là nơi giàu sản vật bậc nhất vùng ĐBSCL. Hiện nay, tuy sản vật không còn trù phú như trước nhưng đất rừng U Minh Hạ vẫn đứng hàng đầu trong hệ sinh thái ngọt của vùng. Nơi đây không chỉ có cá đồng, trăn, rắn, rùa mà những loài động vật quý hiếm như khỉ, tê tê, nai... vẫn còn nhiều dưới tán rừng tràm rậm rạp. Đặc biệt vùng đất này còn có nghề gác kèo ong truyền thống gắn liền với thương hiệu “Mật ong U Minh Hạ” nổi tiếng cả nước.

Từ những lợi thế đó, người dân sống dưới tán rừng tràm U Minh Hạ đã tận dụng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và bước đầu tạo được ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan. Sau khi tham quan Khu du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, du khách TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Lần đầu tiên tôi thấy những cái lọp ngoài đời thật, rồi được đi thăm lọp, đổ lờ nên rất thích thú. Nhưng tôi ấn tượng nhất với nghề “ăn ong”. Những ổ ong tự nhiên to như mặt bàn, rồi các loại cá nước ngọt rất phong phú. Mọi thứ rất tự nhiên, gần gũi, hài hòa. Ở thành phố, không bao giờ chúng tôi thấy được”.

Nghề di sản “ăn ong” đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo tại Cà Mau. Ảnh: HIẾU NGHĨA

Nghề di sản “ăn ong” đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo tại Cà Mau. Ảnh: HIẾU NGHĨA

Khu du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt hình thành từ năm 2015 và là một trong những khu du lịch ra đời sớm nhất ở huyện Trần Văn Thời. Sơ khai, khu du lịch này chỉ đơn thuần là 1 quán ăn để đón khách đến thưởng thức các loại sản vật đặc trưng giữa khung cảnh bình yên. Anh Phạm Duy Khanh, chủ Khu du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt, cho biết: Với diện tích ban đầu vài héc-ta, gia đình anh cũng như bao hộ dân trong khu vực chủ yếu đi gác kèo ong để “lấy ngắn nuôi dài” chờ cây tràm đến thời điểm thu hoạch. Sau đó, gia đình anh mua và ký hợp đồng thuê thêm đất nâng tổng diện tích lên gần 60ha. Trong đó, phần đất khoảng 20ha là lung, tập trung rất nhiều các loài cá đồng nên gia đình anh quyết định trồng thêm cây ăn trái để phát triển du lịch. Khi du khách các tỉnh tìm về, anh Khanh mới nhận ra điều du khách ấn tượng nhất khi đến thăm U Minh Hạ là gác kèo ong và thứ khách muốn mang về nhất cũng chính là mật ong U Minh Hạ. Đặc biệt, từ khi “nghề gác kèo ong” trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lại càng có thêm sức hút. Từ đó, gia đình anh đã chọn “ăn ong” là sản phẩm du lịch chính. “Ăn ong” đã giúp gia đình anh Khanh có nguồn thu để đầu tư thêm các công trình mới phục vụ du khách.

Đủ “thiên thời”, nhưng còn thiếu “địa lợi”

Người dân đất rừng U Minh Hạ đã tận dụng lợi thế của thiên thiên, của giá trị văn hóa để vươn lên bằng cách làm du lịch sinh thái cộng đồng. Vùng đệm đất rừng U Minh Hạ hiện đã hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái như Mười Sử, HTX Trang Trại Xanh (ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), Vườn cò Tư Sự (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình)... Còn đối với người dân huyện Ngọc Hiển - nơi có điểm mốc cuối cùng Tổ quốc cũng vui mừng khi đường Hồ Chí Minh thông tuyến về tới mốc tọa độ GPS-0001 vào năm 2016. Tuyến đường không chỉ thỏa ước mơ bao đời nay của người dân địa phương mà còn là “cú hích” để bà con phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.

Nói đến tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, huyện Ngọc Hiển có lợi thế gần như tuyệt đối so với các địa phương khác ở Cà Mau bởi không chỉ có điểm mốc tận cùng Tổ quốc mà nơi đây còn có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau với bạt ngàn rừng ngập mặn. Dưới tán rừng đước, rừng mắm, sản vật không thua kém miệt rừng U Minh Hạ. Đây chính là nơi tạo nên thương hiệu “Tôm khô Rạch Gốc” và góp phần đưa “Cua Cà Mau” nổi tiếng gần xa. Đặc biệt, nghề di sản cấp quốc gia “muối ba khía” cũng thuộc vùng đất mà “cây mắm đi trước, cây đước theo sau lấn dần ra biển”.

Người dân vùng đất tận cùng Tổ quốc đã khéo léo tận dụng những lợi thế đó để phục vụ du khách. Ai ghé điểm dừng chân Tư Tỵ (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) cũng muốn cầm cần câu câu loài cá leo được trên cây, cùng người dân địa phương đi đặt lú bắt tôm, câu cua để 1 lần biết về nghề truyền thống bao đời nay của cư dân địa phương. Về với Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), du khách có thể đứng ở chóp mũi buổi sáng ngắm bình minh, buổi chiều ngắm hoàng hôn cũng là điều rất đặc biệt. Đến Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn (xã Đất Mũi), nhiều người sẽ muốn 1 lần trải nghiệm chuyến đi xuyên rừng để tận hưởng cảnh mênh mông sông nước…

Du khách trải nghiệm bắt lươn đồng tại du lịch cộng đồng Mười Ngọt. Ảnh: KIỀU MAI

Du khách trải nghiệm bắt lươn đồng tại du lịch cộng đồng Mười Ngọt. Ảnh: KIỀU MAI

Đó là những lợi thế của Cà Mau để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng mà không phải nơi nào cũng có. Người dân Cà Mau hiểu hơn ai hết những lợi thế mình đang có, tuy nhiên để đầu tư phát triển như mong muốn vẫn còn khó khăn. Và một trong những khó khăn đó là đất, bởi khoảng 80% diện tích đất của huyện Ngọc Hiển nằm trong lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển. Trong đó, phần diện tích thuận lợi nhất để phát triển du lịch nói chung, du lịch sinh thái cộng đồng nói riêng hầu hết nằm trong vườn quốc gia nên không thể chuyển đổi để xây dựng. Hiện nay, toàn bộ các khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở đây đều phải xây dựng công trình bán kiên cố và bị giới hạn diện tích xây dựng. Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn cũng vì vướng khó khăn này mà những ngày lễ, Tết đón hàng trăm khách thì thiếu cả chỗ ăn, chỗ nghỉ.

Ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc Khu du lịch Hoàng Hôn, trăn trở: “Muốn mở rộng diện tích nhưng không được phép do vướng đất rừng. Tuy nhiên, nhiều tỉnh thành khác cũng có vườn quốc gia, có rừng phòng hộ, họ có thể khai thác được, tại sao Cà Mau lại chưa? Đây là khó khăn rất cơ bản, không tháo gỡ được vấn đề này thì rất khó để người dân phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng”.

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tỉnh Cà Mau có 2 vườn quốc gia là U Minh Hạ và Mũi Cà Mau. Đây cũng là 2 nơi thuận lợi nhất để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Tuy nhiên, đất trong vườn quốc gia không thuộc thẩm quyền chuyển đổi của địa phương. UBND tỉnh Cà Mau đã nhiều lần có văn bản kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét cho chuyển đổi một số khu vực để bố trí dân cư và phát triển du lịch, tuy nhiên vẫn chưa được chấp thuận”.

HIẾU NGHĨA

Chia sẻ bài viết