10/02/2020 - 15:00

Ăn mắm thấm về lâu 

Ngày hội Mắm An Giang- Nam bộ năm 2020 gợi nhớ hình ảnh ngày xưa tháng nước rọt, bùn kẹo quánh, ở Lung Ngọc Hoàng (tỉnh Hậu Giang), thọc rọ xuống lung là múc đầy cá, ăn không hết làm khô, làm mắm. Ở vùng châu thổ, mắm sống là món có cá tính, mắm phải ra mắm. Mắm lóc, mắm sặc, mắm cá lưỡi trâu, mắm cá trắng, mắm tôm chà Gò Công, mắm còng, mắm tôm, mắm tép chua... mỗi vùng miền, gia tộc có bí quyết riêng, tinh hoa gia truyền rất độc đáo.

Mùa khô ở những khu rừng ngập nước, “đặc quánh” hơn cả Lung Ngọc Hoàng. Làm khô là cách đơn giản nhất, làm mắm mới thấy nhiều tuyệt kỹ. Ai cũng biết cách làm, nhưng ngon hay dở thuộc về tinh túy gia truyền.

Bí quyết của những người làm mắm nhà nghề là phải biết chọn muối. Muối để trong tu lâu năm, đóng khối, cứng tới mức phải dùng búa đập vỡ, ủ chượp cá với muối lâu năm bao giờ cũng cho hương vị đã thèm hơn muối mới. Món cá rô tiêu xương ở Hồng Dân, Bạc Liêu còn giữ được bí quyết này. Ở đó, mắm chao cơm rượu, chiên với mỡ hành, ăn cơm nguội cũng đã đời. Ngày nay, đồng muối thu hẹp, thu nhập bọt bèo nên không ai trữ muối trong tu làm logistics cho nghề làm mắm.

Ở xứ Gò Công, có món mắm tôm chà, cũng chỉ vài lò nổi tiếng, mắm cá trắng, loại cá này huyền bí lắm vì đào ao giữa đồng khô chó ngáp, nhưng mưa xuống là cá  trắng lượn thành đàn. Vó một lát là đủ cá ủ chua thành mắm, ăn với khế chua, chuối chát, rau thơm, chấm nước mắm thấm, cắn một miếng ớt hiểm nữa thì thịt thà bị bỏ mứa trên bàn ăn. Hiện nay chỉ còn vài gia đình còn lưu giữ món ngon này, lớp già quy tiên thì mắm cá trắng chắc thất truyền.

Muối mặn, thính thơm, nếu chao cơm rượu làm cho mắm sống có hương vị riêng biệt, chưa kể những loại mắm chua nhận lá chùm ruột ăn với thịt luộc, bún...

Cá mắm thời nay đâu còn nhiều, nguồn cá nuôi không thể sánh với cá săn mồi tự nhiên khi sông Mekong bị cắt khúc, “thượng điền tích thủy, hạ điền khan”. Ở Thới Lai, TP Cần Thơ có lò mắm “Ẩn”, gọi là vậy nhưng cơ sở hiện diện từ năm 2012 tới nay, chuyên sản xuất và phân phối các loại: mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm cá sặt, mắm cá chốt và mắm ruột.

Mắm cá chốt xắt nhỏ, thêm tí ớt lộn kiếp, nhai ngấu nhai nghiến bắp nếp, bóc một miếng mắm, khúc biến tấu “biền ngẫu”, “ứng vạn biến” không có trong sách vở lại nhớ cả đời, cậu chủ nhỏ ở lò mắm Ẩn nói.

Anh tôi xa xứ lâu lắm, thèm mắm từ trong ký ức, nhưng từ tháng 9-2019, Hải quan Hoa Kỳ không cho mang cá qua hàng rào nên muốn gởi cũng không xong. Ngày về, chỉ nhớ món mắm sống với chuối chát. Chị tôi đã ngán cảnh bấn lên đo huyết áp, tiểu đường nên nghe tới mắm là bàn ra. Vắt óc tìm cách hóa giải, tôi đưa mọi người tới quán Ven Sông, khi dĩa mắm sống, khoai lang nấu chín cắt từng miếng, cơm dừa rám nạo thành sợi, thịt luộc, bún, rau húng quế, tía tô, chuối chát, bánh tráng bày ra… Một dĩa nước mắm hòn dầm tỏi, ớt hiểm lộn kiếp đỏ quạch, thêm một chút dấm làm nước mắm thấm, chẳng nói chẳng rằng anh tôi tự tay cuốn mắm, khoai, cơm dừa thịt luộc, bún vào một cuốn. Cuốn thứ nhất nhún vô nước mắm thấm, ớt hiểm cay, mùi mắm sặc thơm trong húng quế. Chị tôi bắt đầu cuốn thứ hai nói “Ăn như vầy dễ chịu, giải mặn, thêm vị ngọt, beo béo… chắc không đến nổi”.

Ai nấy lại nói: Vậy phải “dzô” một ngụm cho vị mặn từ mắm, bùi bùi từ khoai,  beo béo từ sợi dừa rám, hương thơm hún quế… và “nước mắt quê hương” lưu dẫn vô huyết quản (nhớ gọi taxi chở về nhà).

Anh Bửu Việt, chủ quán Ven Sông ở Cần Thơ, “phù thủy” chế món lạ, khi làm món mắm sống khoai lang, có thêm rau dừa, lá lụa, chòi mòi để có vị chua, vị chát. Những biến đổi liền liền khi nhai mắm, thịt, rau, khoai, nước mắm thấm sẽ được “phòng Lab” sau hàm răng ghi nhận.

Món mắm sống khoai lang có “chỉ dẫn địa lý” ở Vĩnh Long. Họ nói nhờ chú Sáu Dân mà mắm sống khoai lang vô tới nhà khách, đãi tới cấp bộ. Mấy năm lũ lớn chú Sáu Dân vô vùng ngập sâu cả ngày về chỉ nhắc “có mắm sống khoai lang?”.

Những bữa ăn thường ngày thôi, nhìn thấy dĩa mắm sống khoai lang là người trồng khoai ở Bình Tân nhắc tới một người đã khuất: Món này chú Sáu Dân thích lắm. Làm Thủ tướng mà ổng cứ nhớ món nhà quê này.

Châu thổ có lối sinh hoạt “dân chủ” khi ăn mắm. Ai thích mắm kho, mắm chiên, mắm chưng, mắm chua, ba khía, cá trắng, mắm nục, mắm tép, mắm ruốc xào thịt ba rọi… cứ gọi, thích ăn rau gì cứ ăn.

“Kinh đô ánh sáng” của mắm hiện diện ở đây, có đủ món từ mắm chưng, mắm chiên, mắm kho… nhờ khéo léo hòa hợp với cá linh, thịt ba rọi, cá bông lau, bông súng, lục bình cù nèo, rau mác, bông điền thanh… Chẳng giàu có nhưng giá trị không hề thua kém “danh mắm” của cộng đồng Đông Nam Á như pa-dek  (Lào), mắm cá pla-raa, nước mắm nam-pla hay nậm-pia của Thái, mắm bò-ót, mắm pra-hok của Campuchia, món nga-pi (cá ép, cá mắm...) của Myanmar, trasi và nước mắm kecap ikan của Indonesia... còn phải chạy tiếp sức mới đuổi kịp mắm ngon ở vùng châu thổ này.

Tại Châu Đốc có tới 25 loại mắm được chế biến bằng các phương pháp cổ truyền từ hàng trăm năm rồi. Tới nay, cơ sở Bà Hai Sắc, Bà Giáo Khỏe 55555 làm mắm sấy khô, mịn như bột để Việt kiều thưởng thức. Chỉ cần đổ ra tô, thêm tí nước, cho trứng vào đánh lên, chưng với thịt băm, gừng, ớt là có một chén mắm chưng. Ông Nguyễn Phụng Hoàng, cháu nội bà Giáo Khỏe, nói: “3-4 năm nay, người Nhật nhập mắm ở chỗ tui về khai thác giá trị từ con mắm để bổ sung dinh dưỡng vào món ngon của Nhật”. Công bằng mà nói, người Nhật đã chia sẻ công nghệ để ông Hoàng và Viện Nghiên cứu thủy sản II làm được món này.

Không có lưu vực sông nào trên thế giới có các kiểu mắm đa dạng hơn lưu vực sông Mekong. Tới Châu Đốc xứng danh vương quốc mắm vì không đâu có nhiều loại mắm được chế biến hơn nơi này. Ở vương quốc mắm này có câu:

“Mắm nào ngon hơn mắm Châu Đốc?

Dốc nào dài hơn dốc Nam Vang?”

Trên thế giới có nhiều bảo tàng ẩm thực nổi tiếng độc đáo: Bảo tàng mù tạc Colman ở Norwich (Anh), Bảo tàng khoai tây chiên Frietmuseum ở Bruges (Bỉ), Bảo tàng mì Ramen ở Yokohama (Nhật Bản), Bảo tàng phô mai Allmaar (Hà Lan), Bảo tàng chocolate ở York (Anh), Bảo tàng Kim Chi ở Seoul (Hàn Quốc), Bảo tàng xúc xích ở Berlin (Đức), Bảo tàng dầu ô liu ở Hy Lạp… PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu,  Trường Đại học Cần Thơ, nói: “Qua Campuchia sẽ thấy mắm Tà Keo, Phnom Penh, các tỉnh quanh vùng Biển Hồ… Ở Thái, các tỉnh vùng Đông Bắc đều có nghề làm mắm với món gỏi trộn đu đủ, ớt cay xé lưỡi… Đến Lào, các nơi làm mắm nổi tiếng có vùng Thác Khone, Paksé có mắm nhái, mắm ngoé, mắm cá sông Mekong… Xây dựng “bảo tàng Mắm Mekong” tại Châu Đốc là cách định vị ở đỉnh cao của mắm Châu Đốc, mắm ĐBSCL, mắm Việt”.

Bài, ảnh: KHÁNH AN

Chia sẻ bài viết