28/01/2008 - 22:59

Ấm áp trong vòng tay cộng đồng

Trái với không khí yên ắng thường nhật, những ngày cuối năm ở Nhà nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa (gọi tắt là Nhà nuôi dưỡng) ở số 153 Trần Quang Diệu, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ của Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ thật vui. Toàn thể nhân viên Nhà nuôi dưỡng đang bước vào những ngày tất bật nhất trong năm: chuẩn bị Tết để các cụ neo đơn có được một mùa xuân đầm ấm. Tạm quên đi số phận hẩm hiu, các cụ hớn hở khoe nhau manh áo mới, khoe tiền lì xì và quà mà các nhà hảo tâm đã tặng cho mình.

Chung lo Tết cho các cụ

Nhà nuôi dưỡng hiện có 70 cụ và 2 trẻ mồ côi đang được chăm sóc. Nhiều cụ trên 90 tuổi đã lẫn, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào nhân viên của Nhà nuôi dưỡng. Có cụ chuyển qua trạng thái bệnh tâm thần, nhưng mọi người không nỡ chuyển tới bệnh viện vì thương quá. Bà Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Nhà nuôi dưỡng, cho biết: “Tết là thời khắc thiêng liêng, ai cũng muốn về sum họp với gia đình. Nhưng các cụ ở đây đều neo đơn, có người không biết quê quán ở đâu. Từ lâu, các cụ đã xem Nhà nuôi dưỡng là mái ấm của mình nên chúng tôi cố gắng chăm sóc các cụ trong khả năng tốt nhất. Toàn thể nhân viên sẽ đón Tết cùng các cụ, như những người thân yêu với nhau, để các cụ không tủi thân”.

Giám đốc Nhà nuôi dưỡng Nguyễn Thị Nhung (đứng) luôn quan tâm, chăm sóc các cụ trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng Chạp âm lịch, Ban Giám đốc Nhà nuôi dưỡng liên hệ với nhiều nơi, xin tài trợ và lên kế hoạch chuẩn bị Tết cho các cụ. Phòng ốc được quét tước, sửa sang, trang bị thêm một số đồ dùng, rèm cửa, mùng mền thay mới hết. Nhiều cụ còn khỏe phụ với nhân viên Nhà nuôi dưỡng dọn dẹp, lặt lá mai, chăm sóc những chậu hoa đã chớm nụ... Một nhóm khác lo chuyện chợ búa, mua nguyên liệu để chuẩn bị làm dưa, củ kiệu, bánh, chè, sữa đậu nành, rau câu... để phục vụ các cụ trong mấy ngày Tết. Dẫn chúng tôi thăm khu nhà bếp sạch sẽ, ngăn nắp, bà Nhung cho biết: “Ở đây, chúng tôi rất coi trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nấu ăn cho các cụ lớn tuổi càng phải kỹ lưỡng. Dù kinh phí hạn chế nhưng Tết này chúng tôi đảm bảo bữa ăn các cụ thật ngon từ nguồn thực phẩm chất lượng”.

Theo thông lệ, đến 24 tháng Chạp âm lịch là Nhà nuôi dưỡng tổ chức gói bánh tét, mỗi cụ được 2 đòn bánh tét. Những năm qua, nhiều tấm lòng nhân ái đã đồng hành với Nhà nuôi dưỡng, cùng nơi đây duy trì hoạt động ý nghĩa này, như Hội Chữ thập đỏ xã Tân Thới, huyện Phong Điền hỗ trợ dừa, lá, dây cột; một số tiểu thương ở các chợ và các nhà hảo tâm khác trong TP Cần Thơ cho thịt, nếp và phụ công gói. Các năm qua, phật tử chùa Hội Linh ở quận Bình Thủy tháng nào cũng mua thực phẩm chở đến Nhà nuôi dưỡng rồi tự tay nấu cho các cụ những bữa cơm chay thật ngon vào các ngày 15 và 30 âm lịch hàng tháng. Sau này, chùa Phật Học cũng tham gia hoạt động nhân ái này. Dịp Tết, các phật tử còn đến thăm và phụ mua đồ Tết với Nhà nuôi dưỡng để chăm lo cho các cụ. Thông thường, khoảng rằm tháng Chạp đến mùng 6 Tết là thời điểm khách đến thăm nhiều, đóng góp tiền cho quỹ của Nhà nuôi dưỡng và tặng quà, lì xì riêng cho các cụ.

“Ở đây vui lắm!”

Theo bà Nhung, Tết đến tất cả các cụ đều ở lại, rất hiếm cụ về quê. Có người không ai rước nhưng cũng có trường hợp con cháu đánh tiếng nhưng các cụ chẳng chịu về. Dù quyết định ăn Tết ở Nhà nuôi dưỡng, nhưng khi nghe hỏi đến chuyện nhà, kỷ niệm trước đây, cụ nào cũng khóc. Những ngày cuối năm, các cụ hay tụ nhau lại rồi kể chuyện xưa, cười đó rồi khóc đó. Có cụ trời chớm lạnh, biết sắp hết năm, cứ lôi mấy cái áo lạnh cũ con cháu mua cả chục năm về trước ra ngắm nghía rồi cất vô, cả đêm lục đục soạn đồ, thở dài thậm thượt, làm cả phòng cũng mất ngủ theo.

Hai người nhỏ tuổi nhất ở Nhà nuôi dưỡng là Lê Thị Lé, 17 tuổi, quê ở Vĩnh Long. Cha chết, mẹ bị tàn tật, Lé đi bán bánh mì không đủ sống nên được gởi vào đây đã 2 năm nay. Lé được các cô cho đi học chữ để học nghề lo cho tương lai sau này. “Năm rồi em về thăm nhà, đem về tặng mẹ đường, mì gói, bánh và tiền. Mẹ vui lắm, năm nay không biết có được về không, em định ở lại phụ chăm sóc các cụ. Nhưng dù ở hay về thì cũng vui” - Lé rơm rớm nước mắt kể. Không được may mắn như Lé, em Lềnh Thanh Bình, 14 tuổi, cha mẹ mất sớm, không biết quê ở đâu. Bình đã có 10 năm ăn Tết ở Nhà nuôi dưỡng, em cười hồn nhiên nói: “Em thích ăn Tết ở đây lắm, khách đến thăm hoài hà, còn cho quà. Em vừa mới được mấy cô dẫn đi mua đồ mặc Tết nè cô: áo, quần, dép mới, những thứ mà ngày xưa em chỉ thấy trong mơ. Ai cũng thương em hết, em sẽ xin các cô cho ở đây luôn”.

Dì Nguyễn Minh Phương, ở Nhà nuôi dưỡng được 9 năm, vui vẻ khoe: “Tết ở đây vui lắm, được ăn ngon, mặc đẹp, năm nào tui cũng thức đón giao thừa với các cụ. Thời gian đầu, tui cũng buồn nhưng sau quen dần. Các cụ ở đây ai cũng thế”. Cụ Nguyễn Thị Tùng, 68 tuổi, quê ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, vào Nhà nuôi dưỡng được 2 năm. Năm rồi, cụ về nhà ăn Tết có một ngày, nhớ bạn già quá, bữa sau tự đi xe ôm trở lại Nhà nuôi dưỡng. “Lúc tui bệnh, nhân viên, chị em ở đây lo cho tui như ruột thịt. Về quê chỉ mình mình vui, còn các chị em ở đây không có nhà về, buồn lắm. Nên tui ở lại cho có chị, có em”. Còn cụ Trần Thị Lựu, 78 tuổi, chồng chết, nhà cửa tiêu tan, không nơi nương tựa nên xin vào Nhà nuôi dưỡng tá túc. Hỏi Tết này có về quê không thì cụ khóc mướt, bảo đừng hỏi nhưng sau đó lại tự kể chuyện. Những cái Tết hiện ra trong ký ức cụ đủ đầy với người thân, bao kỷ niệm khó quên. Còn bây giờ, dù một mình nhưng cụ cũng được an ủi từ tình thân của những người đồng cảnh ngộ.

Ở Nhà nuôi dưỡng, ai cũng gọi Giám đốc Nguyễn Thị Nhung là “cô Chín” một cách thân thương. Chuẩn bị Tết, bà Nhung đi phát quần áo mới, hỏi thăm sức khỏe từng cụ, hớt tóc, bắt chí, cắt móng tay cho các cụ lớn tuổi, an ủi những cụ nhớ nhà, hỏi các cụ muốn ăn gì để các chị nuôi nấu. Từ lâu, bà Nhung là điểm tựa tinh thần, là người mà các cụ tin tưởng gởi gắm những thứ quý nhất của mình. Bà Nhung tâm sự: “Làm công tác từ thiện phải có tấm lòng, biết thương những người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi luôn đặt mình vào hoàn cảnh các cụ để dễ cảm thông, chia sẻ. Qua năm mới, tôi mong Nhà nuôi dưỡng được nhà nước và xã hội quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa, để chúng tôi lo cho các cụ được chu đáo hơn. Khát khao lớn nhất của chúng tôi là có điều kiện xây lại Nhà nuôi dưỡng rộng lớn hơn để tiếp nhận thêm nhiều người. Hiện tại tôi đang giữ rất nhiều hồ sơ xin vào Nhà nuôi dưỡng nhưng đã hết chỗ”.

Gần 15 năm trôi qua, kể từ khi làm Giám đốc Nhà nuôi dưỡng cho đến nay, bà Nhung đã chứng kiến biết bao số phận con người. Cũng ngần ấy năm, bà đã cùng nhân viên hợp sức với nhà nước và xã hội đồng lòng vực dậy bao hoàn cảnh thương tâm, làm điểm tựa tinh thần và vận động chăm lo vật chất để những người già có chỗ được sống yên vui trong hết quãng đời còn lại.

Ở Nhà nuôi dưỡng, không phải đợi hết năm mùa xuân mới theo về mà Tết luôn hiện hữu trong mỗi cử chỉ săn sóc, trong mỗi bát cơm, chén nước các cụ được nhận hàng ngày. Bởi tất cả xuất phát từ mùa xuân của lòng người, của tình thương bắt nguồn từ những trái tim nhân ái.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết