27/11/2023 - 20:36

20 năm, dấu ấn văn hóa Cần Thơ 

Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, bên cạnh những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa Cần Thơ cũng ghi đậm dấu ấn. TP Cần Thơ đã và đang tập trung phát triển văn hóa trên cơ sở đầu tư hạ tầng văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cũng như chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa. Văn hóa trở thành động lực, nguồn lực để phát triển thành phố.

Lãnh đạo thành phố và các đại biểu dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 tại Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ. 

Dấu ấn văn hóa cơ sở

20 năm qua, TP Cần Thơ phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực, có tính chất đầu mối và chi phối về thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, y tế, đào tạo, giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. TP Cần Thơ giữ vững là địa bàn giữ vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng và cả nước; từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ÐBSCL. Trong đó, sự phát triển trong lĩnh vực văn hóa rất đáng kể.

20 năm trước, đường về xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, còn khó khăn, nhất là vào các ấp. Ðời sống tinh thần của bà con Ðịnh Môn cũng thiếu thốn, việc triển khai xây dựng “Xã Văn hóa” gặp khó do vướng nhiều tiêu chí. Nhưng bây giờ, xã Ðịnh Môn đã trở thành “Xã Nông thôn mới kiểu mẫu” của TP Cần Thơ, đời sống bà con nâng tầm thấy rõ. Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Ðịnh Môn được xây dựng khang trang, phát huy hết công năng. Nhiều mô hình trong chỉnh trang diện mạo nông thôn mới, nâng chất đời sống nhân dân như tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, trồng hoa kiểng, hay “Ấp thông minh”, mô hình nông thôn mới kiểu mẫu “Cảnh quan môi trường gắn với tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”... được sự hưởng ứng của người dân.

Ông Phạm Dũng Lâm, ấp Ðịnh Hòa A, xã Ðịnh Môn, cho biết: “Mô hình “Ấp thông minh” đã giúp cập nhật kiến thức về nền tảng số và công nghệ số đến với người dân”.

Còn với phong trào xây dựng “Phường Văn minh đô thị”, các phường đã được công nhận đều cho thấy sự thay đổi rõ nét từ diện mạo đô thị đến cách nghĩ, cách làm của người dân, với nếp sống văn hóa rõ nét. Ðơn cử như ở quận Bình Thủy, việc nâng chất các “Phường Văn minh đô thị” được thực hiện thường xuyên, liên tục, với sự đồng hành của người dân. Nhờ đó, việc đầu tư, khai thác các thiết chế văn hóa, chỉnh trang đô thị phát huy hiệu quả.

Bà Ðỗ Thị Nụ, Phó Chủ tịch UBND phường Trà An, cho biết: “Xã hội hóa nâng cấp hẻm, đường, làm bảng hẻm, chỉnh trang đô thị... là công tác thường xuyên của địa phương. Bà con rất phấn khởi và chung sức, chung lòng. Ðó là thuận lợi cơ bản của địa phương”.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 20 năm qua, lĩnh vực văn hóa của thành phố có nhiều tiến bộ, công tác đầu tư các công trình công cộng phúc lợi phục vụ sinh hoạt và đời sống người dân được quan tâm. Hệ thống thiết chế văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tính đến nay, toàn thành phố có 691 trung tâm văn hóa - thể thao các cấp (gồm: 9 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận, huyện; 83 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn; 599 Nhà Văn hóa ấp, khu vực). TP Cần Thơ có 1 bảo tàng, 1 nhà hát, 1 thư viện thành phố và 9 thư viện quận, huyện, 83 thư viện/phòng đọc sách cấp xã. Ngoài ra, thành phố còn có 136 cơ sở hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ngoài công lập.

Thành phố cũng có trên 96% hộ gia đình văn hóa; 599 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 599 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; tất cả 599 ấp, khu vực văn hóa (đạt 100%); tất cả 83 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Nhiều công trình văn hóa - thể thao và thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Có thể nói, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển sâu rộng, gắn kết được với nhiều phong trào, cuộc vận động, đặc biệt là Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Theo thống kế, toàn thành phố hiện có 38 di tích được xếp hạng, trong đó có 14 di tích quốc gia và 24 di tích cấp thành phố; di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có: Văn hóa Chợ nổi Cái Răng (2016), Lễ hội Kỳ yên Ðình Bình Thủy (năm 2018), Hò Cần Thơ (năm 2019), Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát ru của người Việt ở Cần Thơ (năm 2020) và Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (năm 2023). Cùng với 20 tỉnh, thành Nam Bộ khác, TP Cần Thơ đang gìn giữ và thực hành nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Định Môn, huyện Thới Lai được đầu tư khang trang. Trong ảnh: Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức chương trình “Tự hào người Cần Thơ” tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Định Môn.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Định Môn, huyện Thới Lai được đầu tư khang trang. Trong ảnh: Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức chương trình “Tự hào người Cần Thơ” tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Định Môn. 

Công tác quản lý và bảo tồn các di tích từng bước được củng cố. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa đã được nghiên cứu, sưu tầm và từng bước được hệ thống hóa.

Ông Trương Công Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Ða số di tích thực hiện tốt công tác quản lý, tu bổ, bảo quản đúng thủ tục theo quy định và vận động được nhiều nguồn lực tham gia. Nhiều công trình di tích được nhà nước và nhân dân quan tâm gìn giữ, tu bổ, đáp ứng được nhu cầu thăm viếng, tham quan của du khách”.

20 năm qua, nhiều công trình văn hóa, tín ngưỡng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân được chú trọng khôi phục, tu bổ, tôn tạo. Trong đó, thành phố đã đầu tư nguồn lực cho việc xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng kết hợp phục vụ phát triển du lịch như: Di tích lịch sử - văn hóa Chiến thắng Ông Hào, Ðền thờ Châu Văn Liêm, Khu tưởng niệm cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, Khu di tích lịch sử Ðịa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng Cờ Ðỏ… Ðặc biệt, công trình Ðền Thờ Vua Hùng tại Cần Thơ được khánh thành trở thành điểm nhấn văn hóa ở khu vực ÐBSCL.

Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng nghi lễ, hình thức phù hợp, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống. Các hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức thường xuyên như: Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Chương trình Sắc Xuân miệt vườn, Ðường hoa Xuân, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, Lễ hội Hoa đăng Ninh Kiều... Năm 2022, thành phố đã tổ chức thành công Liên hoan Ðờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022, với chủ đề “Ðờn ca tài tử Nam bộ - Bảo tồn và phát triển”.

Với quan điểm phát triển ngành Văn hóa gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội và giá trị truyền thống của địa phương, phù hợp với sự phát triển chung của cả nước, văn hóa Cần Thơ đã và đang có những bước tiến vững chắc. Ðặc biệt, tài nguyên văn hóa đã được thành phố khai thác tốt trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch.

Nghệ nhân Hà Thị Sáu, quận Thốt Nốt, cho biết: “Từ khi Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, du khách và khách hàng biết đến bánh tráng Thuận Hưng nhiều hơn, địa phương cũng quan tâm hỗ trợ vốn, quảng bá nên chuyện làm ăn của bà con làng nghề gặp nhiều thuận lợi”. Hay với di sản Văn hóa chợ nổi Cái Răng, nhờ được quảng bá tốt nên chợ nổi trở thành điểm đến quen thuộc của du khách gần xa.

*

* *

20 năm một chặng đường ghi dấu những bước đi trưởng thành và ấn tượng của văn hóa Cần Thơ. Ðó cũng là nền tảng để thành phố tuổi 20 tự tin khẳng định vị thế. TP Cần Thơ định hướng trong thời gian tới, then chốt là gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Tập trung nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân, xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, gắn với phát triển du lịch. Triển khai xây dựng và hoàn thành Dự án Khu hành chính cấp tỉnh, Trung tâm văn hóa Tây Ðô của thành phố.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết