30/07/2013 - 09:57

Khu công nghiệp Sông Đốc, tỉnh Cà Mau

“Tắc” đường lên hàng

Không có đường bốc dỡ hàng hóa lên nhà xưởng, nhiều doanh nghiệp phải xây cầu tàu làm bến lên hàng, mặc dù họ biết rõ làm vậy là sai quy định. Chuyện tồn tại gần 4 năm qua tại Cụm công nghiệp số 1 thuộc Khu công nghiệp Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau...

* Bị dồn vào thế kẹt

Cụm công nghiệp Sông Đốc (cụm số 1) có quy mô trên 45ha, nằm sát khu neo trú bão Sông Đốc, thị trấn miền biển lớn nhất của Cà Mau. Nơi đây có 8 doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy và đang hoạt động, ngành nghề chủ yếu chế biến bột cá, chả cá, sơ chế các mặt hàng tôm, cá biển... Mặt tiền của các nhà máy đối diện con đường huyết mạch duy nhất từ trung tâm huyện Trần Văn Thời về Sông Đốc, mặt hậu là khu bờ kè neo trú bão Sông Đốc. Lộ hẹp, tải trọng nhỏ, xe vận tải không vận chuyển được lượng hàng lớn từ tàu khai thác đến nhà xưởng buộc những doanh nghiệp tại đây phải “xé rào” mở cầu tàu ngang khu kè neo trú bão để có nơi bốc dỡ hàng. Năm 2009 chỉ có vài cầu bến do doanh nghiệp tự ý xây dựng ngang khu kè trú bão, hiện nay có khoảng 11 cầu tàu, trong đó 9 cầu tàu đã hoàn thành.

Biết sai quy định nhưng doanh nghiệp ở Sông Đốc buộc phải xây cầu bến ngang khu neo trú bão để có nơi lên hàng hóa.

Anh Quang Bình, Chủ doanh nghiệp sản xuất nước đá, thu mua hàng thủy sản biển tại Cụm công nghiệp số 1, thừa nhận: “Chúng tôi biết xây cầu tàu lấn kè neo trú bão là sai quy định, nhưng không làm thì không có đường nào để đưa hàng từ tàu cá lên xưởng và ngược lại”. Chị Tuyết Sương, Chủ một doanh nghiệp thủy sản gần đó cho biết: “Mời gọi chúng tôi vào Cụm công nghiệp nhưng hạ tầng không có gì hết, doanh nghiệp toàn “tự bơi”. Ngay cả đường lên hàng cũng vướng phải khu kè”. Chị Bích Khải, Chủ một nhà máy thủy sản chuẩn bị đưa vào hoạt động, nói: “Đầu tư cả chục tỉ đồng để xây nhà xưởng, mua thiết bị chế biến thủy sản, nếu có đường khác đưa hàng lên thuận tiện thì không ai bỏ bạc trăm triệu ra xây cầu tàu, mở bến để tốn kém”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Ái, Trưởng Ban Quản lý các khu kinh tế Cà Mau, thừa nhận, các doanh nghiệp ở cụm 1 được cấp phép hoạt động từ năm 2009. Cho đến nay, hạ tầng cụm này chưa được đầu tư do hạn chế về nguồn vốn, đáng lẽ phải hoàn thiện hạ tầng rồi mới cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động. Đây cũng là cái khó mà Ban Quản lý đang phối hợp các ngành liên quan tháo gỡ để làm sao vừa đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, vừa không làm phương hại hoặc thay đổi chức năng của kè tránh trú bão Sông Đốc.

Có nên thay đổi công năng khu neo trú bão?

Ông Dịp Hoàng Ân, Phó Ban quản lý Dự án III-Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cà Mau, cho biết: “Không nhớ rõ khu neo trú bão Sông Đốc và Cụm công nghiệp số 1, dự án nào được quy hoạch trước, chỉ biết cả hai hoạt động vào năm 2009 và có hai đơn vị quản lý. Sau khi hoàn thành, khu neo đậu, tránh trú bão Sông Đốc được giao cho Thanh tra Sở NN&PTNT Cà Mau tạm quản và đơn vị này đang bàn giao trách nhiệm lại cho Ban quản lý cảng cá Cà Mau. Song, từ ngày đưa vào vận hành tới nay, hiếm có tàu khai thác vào neo đậu. Theo thời gian, công trình xuống cấp, mặt đường khu neo đậu bị sụp, lún và nứt một số đoạn; đèn chiếu sáng hư hỏng, dây điện nên không hoạt động; hệ thống phao báo hiệu bị mục, chìm xuống sông Ông Đốc…”. 

Anh Út Đen, thuyền trưởng một tàu cá ở Sông Đốc, cho biết: “Bên ngoài khu neo trú bão không có phao giằng (loại phao làm trụ neo sau lái tàu khai thác), từ mặt nước chân kè khu neo đậu ra ngoài chừng 2m, đá rất nhiều. Thiết kế kiểu vậy nếu có bão xảy ra cũng không có chủ ghe nào dám mang tàu vô đó neo đậu vì dễ va phải đá bể tàu”.

Theo ông Từ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, doanh nghiệp vào cụm công nghiệp số 1 hoạt động tập trung là cần thiết để khai thác thế mạnh của địa phương. Song, các doanh nghiệp đang gặp khó. “Họ không sợ tốn kém làm cầu bến lên hàng, tránh tàu ghe va đập trực tiếp làm hư hỏng khu kè trú bão; sẵn sàng duy tu, sửa chữa nếu kè hư hỏng miễn sao có được bến lên hàng, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, ngành chức năng nên xem xét lại nguyện vọng chính đáng của các doanh nghiệp” – ông Hiền đề đạt.  Ông Phan Thế Tài, Chánh Thanh Tra Sở NN&PTNT Cà Mau, thừa nhận, tồn tại cụm công nghiệp nằm sau khu neo trú bão chứng tỏ việc quy hoạch chưa đồng bộ, phát sinh chuyện mở cầu bến sai quy định. Đơn vị đã lập 12 biên bản, doanh nghiệp biết mình vi phạm, cam kết sẽ tháo dỡ khi Nhà nước, chính quyền có yêu cầu.

Khu neo trú bão Sông Đốc do Bộ NN&PTNT đầu tư từ nguồn vốn biển Đông - hải đảo khoảng 37 tỉ đồng. Toàn khu có 3 cầu dẫn, dài hơn 2,2km, thuộc khóm 11, 12 (thị trấn Sông Đốc) và một phần thuộc ấp Trùm Thuật A (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời), quy mô phục vụ neo đậu trú bão cho trên 1.000 tàu khai thác công suất từ 50CV-600CV. Song, do xây dựng không có phao giằng phía sau nên khi có bão, tàu rất khó vào trú. Hơn nữa, mặt kè khá thấp, về lâu dài cũng không phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Khai thác khu neo trú bão này như thế nào để tránh lãng phí và đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hóa là vấn đề cần cân nhắc.

Bài, ảnh: Hữu Tùng

Khu công nghiệp Sông Đốc quy mô 250 ha gồm cụm 1, 2, 3 và 4. Cụm 1, 2, 4 nằm ở bờ Bắc Sông Đốc, cụm 3 nằm ở bờ Nam Sông Đốc (đối diện khu neo trú bão Sông Đốc). Đến nay, mới có 8 doanh nghiệp ở cụm 1 hoạt động nhưng vướng phải đường lên hàng. Đơn vị đang làm tờ trình xin điều chỉnh quy hoạch lại cho hợp lý. Theo đó, sẽ điều chỉnh khu công nghiệp sang bờ Nam Sông Đốc, ngoại trừ 8 doanh nghiệp đã xây nhà xưởng và đang hoạt động ở cụm 1.

 

Chia sẻ bài viết