Ở những năm 60-80 của thế kỷ trước, mỗi khi nhắc tới nghề trồng hoa kiểng ở Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp nhiều người thường nhớ ngay đến Vườn hồng Tư Tôn của nghệ nhân Dương Hữu Tài (tức ông Tư Tôn). Vườn hồng này không chỉ nổi tiếng là nơi quy tụ của nhiều giống hoa hồng ngoại hiếm có lúc bấy giờ mà nơi đây còn hấp dẫn du khách gần xa với phong cách làm du lịch rất ư miệt vườn của lão nông Nam bộ này. Mới đây, ông Dương Văn Quế (con trai thứ 7 của ông Tư Tôn) đã đầu tư trên 40 tỉ đồng để tái hiện lại vườn hồng nổi tiếng một thời của cha ông. Vườn hồng Tư Tôn hiện nay không chỉ đơn thuần là một điểm nhấn của Làng hoa Sa Ðéc mà còn có nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần với người dân làng hoa và người yêu hoa khắp nơi.
Vườn hồng Tư Tôn đượm nét truyền thống nhưng vẫn hiện đại, mới lạ.
Làng hoa Sa Ðéc với thế mạnh của làng nghề trồng hoa kiểng trăm tuổi. Bên cạnh những vườn hoa kiểng bạc tỉ nổi tiếng, Làng hoa Sa Ðéc hôm nay còn hấp dẫn du khách xa gần với nhiều khu điểm du lịch mới lạ hấp dẫn. Trong bức tranh “trăm hoa đua nở” về phát triển du lịch của Làng hoa Sa Ðéc hôm nay có một cái tên vừa lạ nhưng lại rất quen và chứa đầy kỷ niệm với nhiều người yêu hoa, đó là Khu du lịch Vườn hồng Tư Tôn.
Nằm trên tuyến đường tỉnh 848 Khu du lịch Vườn hồng Tư Tôn thật sự là một điểm nhấn đặc biệt không thể bỏ qua khi du khách đến thăm Làng hoa Sa Ðéc. Như chính câu “slogan” mà gia chủ đặt cho khu du lịch của mình “Vườn hồng Tư Tôn trái tim của làng hoa”, điểm du lịch này không chỉ đặc biệt bởi vẻ đẹp hiện đại mà trong sâu thẳm nó còn ẩn chứa một giá trị văn hóa tinh thần mang dấu ấn rất riêng của vùng đất nằm ven con sông Sa Ðéc hiền hòa này.
Khác với Vườn hồng trước đây của ông Tư Tôn, Vườn hồng Tư Tôn bây giờ của ông Dương Văn Quế không nằm ven con sông Sa Ðéc mà nó được chuyển đến gần trung tâm làng hoa hiện nay để tạo thuận tiện hơn cho du khách đếm tham quan. Khu du lịch Vườn hồng Tư Tôn mới có quy mô rộng hơn phiên bản cũ, song với phương châm tái hiện lại một cách chân thực, sống động vườn hồng của ba mình ngày trước nên ông Quế đã bỏ ra nhiều tâm sức để lên ý tưởng, thiết kế lại vườn hồng mới mang dáng dấp và hơi thở của vườn hồng xưa.
Với quy mô điểm du lịch lên tới gần 4ha Vườn hồng Tư Tôn được thiết kế nhiều hạng mục và điểm “check-in” mới lạ. Bên cạnh những tiểu cảnh hiện đại, du khách còn bị cuốn hút với vườn hoa hồng với rất nhiều chủng loại từ hoa hồng truyền thống của Sa Ðéc cho đến những giống hoa hồng cổ, hồng ngoại nhập. Thảm hồng ri tím phớt một góc vườn cũng là một điểm nhấn thú vị giúp cho nhiều du khách là cặp đôi có những khung hình lãng mạn khi đến thăm Vườn hồng Tư Tôn.
Tìm về Khu du lịch Vườn hồng Tư Tôn để ôn lại những kỷ niệm của những năm tháng thanh xuân, ông Trần Văn Sơn (sinh năm 1963), ngụ xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh, kể: “Vào khoảng những năm 1984 lúc tôi vẫn còn là một sinh viên thì vườn hồng của bác Tư Tôn đã nổi tiếng từ trước đó rất lâu. Tôi còn nhớ những thầy cô hướng dẫn của tôi ở Ðại học Huế vào nghe danh vườn hồng nên muốn đến thăm một lần cho biết. Sau khi thăm một vòng vườn hoa, các thầy cô thấy ao cá tra và cá tai tượng của bác Tư nuôi thích quá ngỏ ý muốn mua nhưng bác Tư từ chối bán. Không chịu bán cá nhưng ai dè bác Tư lại bắt cá dưới ao lên làm bữa cơm đãi tôi và thầy cô trong đoàn. Chính cái tình, sự hiếu khách của bác Tư là động lực để tôi tìm đến thăm Vườn hồng Tư Tôn thời hiện đại này. Tôi mong sao thế hệ kế thừa của bác Tư vẫn giữ được cái tình, sự hồn hậu đã làm nên danh tiếng của Vườn hồng Tư Tôn một thời và được kế thừa đến mãi về sau”.
Ông Dương Văn Quế tâm sự: “Tôi không biết có làm được như ba mình hay không nhưng tôi sẽ cố gắng hết mình để viết tiếp “câu chuyện vườn hồng” của ba tôi. Từ khi chuyển sang làm du lịch cuộc sống của tôi nhiều xáo trộn và áp lực, nhưng bù lại mỗi lần được tiếp những người khách cũ của ba trước đây, được họ kể về những kỷ niệm và những lời khen tặng dành cho ba tôi, mình thấy rất ấm lòng. Qua cuộc đời của ba, tôi cũng hiểu rằng để làm du lịch thành công không có gì bằng cái tình, sự chân chất thiệt tình của gia chủ dành cho khách. Sau bao nhiều năm người ta đi và vẫn còn quay lại thì lúc đó mới gọi là làm du lịch thành công”.
Bài, ảnh: VÂN KHÁNH