28/11/2022 - 10:59

“Lương duyên” với nấm bào ngư

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Trong gian nhà rộng rãi, thoáng mát, chị Huỳnh Thị Mỹ Nhung, ở khu vực Phụng Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, đang bơm tưới phun sương giữ ẩm toàn bộ kệ phôi nấm bào ngư đang phát triển nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn VietGAP.

Nấm bào ngư giúp chị Nhung có niềm vui trong lao động, phát triển kinh tế gia đình.

Nấm bào ngư giúp chị Nhung có niềm vui trong lao động, phát triển kinh tế gia đình.

Buổi sáng, chị Nhung vừa giao mối hàng 30kg nấm bào ngư (với giá 45.000 đồng/kg), chiều lại tiếp tục hái và giao đợt khác. Thị trường nấm bào ngư đang hút hàng, dễ tiêu thụ nhưng chị Nhung không chạy theo lợi nhuận mà tuyệt đối đảm bảo quy trình sản phẩm sạch, an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. 

Năm 2020, chị Nhung nghỉ hưu, được bạn thân gợi ý nên chị quyết định thử sức trồng loại nấm này để sử dụng hiệu quả thời gian rảnh rỗi, đồng thời tăng thu nhập. Chị Nhung chuẩn bị kỹ từ khâu vệ sinh, khử trùng nhà kho sẵn có (trước là kho chứa gạo), đến việc đóng kệ đỡ theo quy cách và trồng thử nghiệm 6.000 phôi nấm bào ngư (giá 5.100 đồng/phôi). Phôi nấm được xếp lên kệ đỡ theo khoảng cách phù hợp trong môi trường không gian thoáng mát, hạn chế tối đa ánh sáng trực tiếp làm ảnh hưởng quá trình sinh trưởng và chất lượng nấm. Chị Nhung nói: “Sau 2 tháng chất phôi, tôi thực hiện các bước kỹ thuật cần thiết, như kiểm tra tơ nấm, bỏ nút bông gòn và đóng nắp miệng phôi. Tôi tưới phun sương các dãy kệ phôi nấm từ 4-6 lần trong ngày để giữ độ ẩm không gian xung quanh”.

Chị Nhung thu hoạch nấm trên một kệ theo thứ tự trước sau, xoay vòng có nấm bán liên tục, đảm bảo đúng thời điểm để giữ độ tươi giòn; so sánh sản lượng mỗi kệ phôi để rút kinh nghiệm chăm sóc. Sau khi hoàn thành khâu làm vệ sinh cổ nắp phôi để lấy sạch chân nấm còn sót, chị Nhung tưới nước khoảng 10 ngày để nấm mọc và thu hoạch tiếp. Bình quân mỗi phôi nấm thu hoạch khoảng 10 đợt, sản lượng giảm dần. Chị Nhung cho biết: “Quá trình trồng phải kiểm tra thường xuyên để kịp thời loại bỏ các phôi nấm bệnh, hạn chế mầm bệnh phát tán, lây lan trong không khí, ảnh hưởng chung các kệ phôi”. Chị Nhung phấn khởi khi thu hoạch đợt nấm đầu tiên, với giá 35.000 đồng/kg, nên mạnh dạn đầu tư lắp 20 dãy kệ đỡ, chất 20.000 phôi nấm lần lượt chờ thu hoạch. Trong đó, chị Nhung được Trung tâm Khuyến nông quận Thốt Nốt hỗ trợ 3.000 phôi nấm với 50% chi phí cũng như trang bị kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm bào ngư đạt năng suất cao. 

Mỗi ngày, chị Nhung thu hoạch và giao 2 đợt nấm cho mối hàng, chủ yếu tại 2 quận Thốt Nốt và Ninh Kiều. Chị Nhung thuê người vệ sinh cổ phôi nấm sau mỗi đợt thu hoạch, huy động 4 người thân trong gia đình phụ chăm sóc, thu hoạch, đóng gói nấm và giao hàng. Chị Nhung bộc bạch: “Tôi vui khi chọn được nghề phù hợp, tạo ra sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng. Tôi mạnh dạn mở rộng mô hình và sẵn sàng truyền kỹ thuật, kinh nghiệm cho người muốn trồng nấm bào ngư tại nhà”. Tháng 8-2022, sản phẩm nấm bào ngư chị Nhung trồng được cơ quan chức năng đánh giá và cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, thuận lợi phát triển thị trường tiêu thụ, nhất là tại các siêu thị. 

Anh Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch Hội Nông dân phường Trung Kiên, nói: “Tổ hội nghề nghiệp trồng nấm bào ngư thành lập giữa năm 2022, với 3 thành viên, do chị Mỹ Nhung làm tổ trưởng; anh Lê Văn Hiếu trồng 7.000 phôi nấm và anh Lê Văn Tấn trồng 3.000 phôi nấm. Tổ đang hoạt động tốt, sản phẩm tiêu thụ giá ổn định, đạt lợi nhuận đáng kể, thu hút thêm một số lao động tại chỗ. Hội Nông dân phường đang phối hợp nắm bắt nhu cầu để giúp các thành viên trong tổ vay vốn ưu đãi, mở rộng quy mô trồng và tăng sản lượng nấm. Đồng thời, nhân rộng mô hình này, thu hút nhiều hộ dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư trồng nấm bào ngư tại nhà, góp phần phát triển kinh tế gia đình”.

 

Chia sẻ bài viết