ÐẶNG NGỌC
Trong nhiều năm qua, công tác tuyển sinh của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ (CTEC) luôn ổn định và hoàn thành chỉ tiêu. Nhà trường luôn chủ động xây dựng các phương án tuyển sinh, cũng như đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuyển sinh năm 2023, CTEC có một số điểm mới về ngành nghề, hình thức đào tạo, thí sinh cần quan tâm.
Giờ thực hành, thực tập của HSSV CTEC. Ảnh: CTV
Về chỉ tiêu, năm 2023, CTEC sẽ tuyển hơn 2.100 học sinh, sinh viên cho 20 ngành cao đẳng và 14 ngành trung cấp. Ở bậc cao đẳng, trường dự kiến mở ngành Khoa học cây trồng. Song song đó, trường tuyển sinh 4 ngành (25 chỉ tiêu/ngành) cho chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ cao đẳng, gồm: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Công nghệ thực phẩm. Ngoài ra, trường còn có 5 ngành nghề được đầu tư trọng điểm cấp quốc gia, gồm: Kế toán, Công nghệ thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Dịch vụ thú y, Chăn nuôi - Thú y. Theo Hội đồng tuyển sinh CTEC, thời gian đào tạo của cả 2 chương trình này là 3 năm. Sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên (HSSV) có nhiều cơ hội tìm được việc làm đúng chuyên môn hoặc tiếp tục học liên thông bậc học cao hơn.
Cũng như những năm trước, trường xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 hoặc xét điểm trung bình của học bạ năm lớp 12 (bậc cao đẳng); xét điểm trung bình của học bạ năm lớp 9 (bậc trung cấp). Thí sinh ở tất cả các địa phương trên cả nước đều có thể tham gia dự tuyển. Ths Phạm Thanh Phong, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo CTEC, cho biết với các ngành đào tạo chất lượng cao, trường xét tuyển điểm đầu vào cao hơn so với các ngành trình độ cao đẳng. Thí sinh đăng ký học các ngành này có học lực đạt loại Khá trở lên; thi đầu vào tiếng Anh và Tin học (thí sinh được xét tuyển thẳng hoặc miễn thi khi có 2 chứng chỉ tiếng Anh từ A1 trở lên và Giấy chứng nhận Ứng dụng công nghệ thông tin). “SV học các ngành này sẽ được đào tạo trong một môi trường học tập, thực hành và nghiên cứu với những điều kiện tốt nhất (15-25 sinh viên/lớp học); được giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên trình độ cao và có nhiều kinh nghiệm… đáp ứng nhu cầu thị trường lao động”, Ths Phạm Thanh Phong nói.
Theo Ths Phạm Thanh Phong, CTEC là trường công lập trực thuộc UBND TP Cần Thơ, có mức học phí theo quy định của HÐND TP Cần Thơ, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân TP Cần Thơ và ÐBSCL. Tùy mỗi ngành, mức học phí dao động từ 4-4,8 triệu đồng/học kỳ. Với các ngành đào tạo chất lượng cao, tùy ngành, mức học phí từ 5,5-6 triệu đồng/học kỳ. HSSV theo học tại trường được thụ hưởng các chế độ chính sách: xét miễn giảm học phí, khen thưởng, cấp học bổng, vay vốn học tập, trang bị kỹ năng mềm và cam kết giải quyết việc làm sau tốt nghiệp. HS trúng tuyển các ngành đào tạo trình độ trung cấp dành cho hệ tốt nghiệp THCS được miễn hoàn toàn học phí phần chuyên môn của khóa học.
Ðiểm đặc biệt trong công tác tuyển sinh năm nay của CTEC là tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các bước thực hiện thủ tục. Thí sinh không phải nộp hồ sơ trực tiếp vào trường, mà trực tuyến qua điện thoại thông minh hoặc máy tính. Thí sinh đăng ký xét tuyển (ÐKXT) trực tuyến theo nội dung trên Phiếu ÐKXT trực tuyến tại website của trường: www.ctec.edu.vn/ctects. Ths Phạm Thanh Phong lưu ý: Khi thí sinh ÐKXT phải kiểm tra e-mail của trường để biết cụ thể thông tin trúng tuyển, hồ sơ, thời gian nhập học… Trường xét tuyển không điểm sàn, điểm chuẩn, nên thí sinh đạt đủ điều kiện đầu vào theo từng trình độ xét tuyển của trường, đều có khả năng trúng tuyển. Thí sinh cần chọn ngành nghề phù hợp năng lực, điều kiện kinh tế gia đình khi nộp hồ sơ ÐKXT”.
CTEC có bề dày hơn 66 năm hình thành và phát triển, đảm bảo đủ nguồn lực phục vụ tốt công tác đào tạo chuyên môn. Trường có 358 nhà giáo, 134 giảng viên cơ hữu (trong đó có 14 tiến sĩ, 9 nghiên cứu sinh, 99 thạc sĩ); đặc biệt có 111 giảng viên dạy giỏi các cấp (36 cấp thành phố, 16 cấp toàn quốc và 2 Nhà giáo Ưu tú) là nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Ths Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng CTEC, cho biết: “Nhiều năm qua, trường còn phối hợp, ký kết hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm HSSV sau khi tốt nghiệp. Ðồng thời tổ chức các hội đồng kiểm tra (gồm giảng viên, các tổ chức, doanh nghiệp…) thẩm định lại các chương trình đào tạo nhằm xây dựng, cải tiến, cập nhật vào chương trình những kiến thức mới nhất. Ứng dụng hiệu quả mô hình KOSEN, cải tiến môi trường làm việc theo quy chuẩn 5S của mô hình này vào hoạt động quản lý đào tạo...”. Với cách làm này, tỷ lệ HSSV tốt nghiệp có việc làm của trường hằng năm trung bình đạt trên 92%.