Tưởng nhớ ngày mất của Thầy Võ Trường Toản
(mồng 9 tháng 6 năm Nhâm Tý - 27-7-1792)
 |
|
Gia Định ba trăm năm đã có bước phát triển rực rỡ về nhiều mặt. Nhìn lại quá trình này, thế hệ sau phải thầm ghi nhận công lao to lớn của các bậc tiền hiền trong việc khai hoang, mở đất; gieo mầm tri thức cho người dân “chân lấm tay bùn” của xứ sở này. Trong lớp người được ghi công đầu có thầy Võ Trường Toản, mà người đời xưng tụng “Vạn thế sư biểu”. Ngoài sự nghiệp trồng người, thầy Võ Trường Toản đã có công đào tạo 3 nhà thơ lớn cho đất Gia Định (Gia Định tam gia thi) và nhiều kẻ sĩ khác...; đồng thời, ông còn là một nhà thơ. Rất tiếc, trước tác của nhà thơ đã thất lạc gần như toàn bộ. May trong tàng thư còn lưu giữ một bài phú “Hoài cổ” với 24 “đôi câu”, qua tìm hiểu, hy vọng chúng ta có thể thấy được nhân cách và tài năng của “Gia Định sùng đức xử sĩ” mà toàn thể nhân dân Nam bộ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, dù ở thời điểm nào cũng luôn tôn kính ông. Theo lưu truyền, Nguyễn Ánh cũng rất mến mộ thầy Võ Trường Toản, nên mỗi lần ghé Gia Định, chúa thường triệu ông đến giảng sách, đàm đạo. Nguyễn Ánh muốn trọng dụng ông, nhưng ông khéo léo từ chối, chỉ tiến chúa 10 điều về phương lược cứu quốc và kiến quốc. Khi ông mất, mồng 9 tháng 6 năm Nhâm Tý (27-7-1792), nhà Nguyễn tặng ông danh hiệu “Gia Định sùng đức xử sĩ Võ tiên sinh” (bậc xử sĩ họ Võ, người Gia Định, sùng về đức độ) để khắc vào bia mộ, và đôi liễn truy điệu: “Triều hữu huân danh, bán thuộc Hà phần cựu học; Trời Nam phong giáo, đề khâm Nhạc Lộc dư uy”. (Tạm dịch: Những người có danh ở triều đình, một nửa thuộc về đất học cũ Hà phần (đất Bắc); Giáo dục văn hóa đất phương Nam, ai cũng phục cái uy lớn của Nhạc Lộc (Võ Trường Toản). Bài phú của thầy Võ Trường Toản như sau:
“1. Rỡ rỡ cúc ba thu, ba thu lụn cúc đà tàn héo; hây hây sen chín hạ, chín hạ qua sen cũng rã rời.
2. Cho hay vực thẳm nên cồn; khá biết gò cao hóa bể.
3. Quán âm dương rước khách xưa nay, đã mấy mươi năm; đò tạo hóa đưa người qua lại, biết bao nhiêu chuyến.
4. Nhấp nháy ngọn đèn trong kiếng, lênh đênh bóng nguyệt dòng sông.
5. Đường Ngu ấp tổn (1) rượu ba chung, đường say đường tỉnh; Thang Võ chinh tru (2) cờ một cuộc, thoạt đặng thoạt thua.
6. Của có không nào khác đóm mây; người tan hiệp dường như bọt nước.
7. Lánh non Thú (3) cam bề ngạ tử (4) hai con Cô Trúc đã về đâu? luyện linh đan lo chước trường sinh, bốn lão Thương san đà bặt dấu!
8. Mộng tà nửa gối, bướm Trang Chu giấc hởi mơ màng; xuân lụn mấy canh, quyên Thục Đế tiếng còn khấp khởi.
9. Tha thiết bấy một gò hoàng nhưỡng (5), ngọc lấp hương chôn; áo não thay! mấy cụm bạch vân (6), mưa sầu gió thảm.
10. Ngựa trấn ải một may một rủi (7); hươu dưới Tần bên có bên không.
11. Hán Võ ngọc đường người ngọc nọ xưa đà theo gió; Thạch Sùng kim ốc (8) của tiền xưa nay đã lấp sương.
12. Lao xao cõi trần ai, trường hoan lạc gẫm không mấy lúc; thắm thiết cơn mộng ảo, đoạn biệt li há dễ bao lâu.
13. Nghìn năm hồn phách Hán anh hùng, hồn phách mất người kia cũng mất, muôn dặm nước non Đường thế võ, nước non còn đời ấy đâu còn.
14. Thương hỡi thương! huyền quản cung Tần, chim làm tổ biếng kêu văng vẳng, tiếc ỷ tiếc! y quan đời Tấn, biến nên cồn cỏ mọc xanh xanh.
15. Cung Tùy xưa chim nói líu lo, mấy độ xuân về hoa sái lụy, đài Ngô trước hươu nằm ngả ngớn, đổi ngàn sương ngọn cỏ đeo sầu.
16. Ô Giang đêm thẳm há trăng mành, quạnh quẽ vó chùng họ Hạng; Cai Hạ ngày chiều hiu gió mát, phất phơ ngọn cỏ nàng Ngu.
17. Đài vắng Nghiêm Lăng, mấy khúc quanh co sông chảy tuyết; thuyền không Phạm Lãi, năm hồ lai láng nước ken mù.
18. Cho hay dời đổi ấy lẽ thường, mới biết thảo ngay là nghĩa cả.
19. Lụy rơi non Lịch, Đại Thuấn từng dời tính hai thân; sương lọt áo bô, Tử Khiên lại trọn niềm một thảo.
20. Tôn khóc măng, Tường nằm giá, nằn nằn lo giữ đạo con; Tích dấu quít, Cự chôn con, nắm nắm đua đền nghĩa mẹ.
21. Trước đèn Trụ mổ gan một tấm, muôn kiếp còn danh để tạc bia; dưới thành Ngô treo mắt đôi tròng, nghìn năm hãy người đều nhởm gáy.
22. Tám trăm dặm xông pha ải Bắc, thương họ Hàn (9) chói lói lòng dân; mười chín năm giữ một niềm Tây, cảm ông Võ (10) phơ phơ đầu bạc.
23. Cật Võ Mục nhuộm thanh bốn chữ, tấm trung thành đã thấu trời xanh; áo Thiên Tường ghi đượm hai câu, phương tựu nghĩa chi phai lòng đỏ.
24. Trời món đất già danh hỡi rạng, lụy non Ngưu nghĩ cũng sụt sùi; biển khô đá rả tiết nào phai, sử họ Tư Mã chép còn tỏ rõ”.
Thường một bài phú, bố cục có các phần: Lung: nêu chủ đề; Biện nguyên: giải thích ý nghĩa của chủ đề; Thích thực: phân tích ý nghĩa toàn bài; Phu diễn: dẫn chứng minh họa; Nghị luận: bàn bạc ý của toàn bài; Kết: tóm tắt. Tuy nhiên, xét tính chất của các phần trong một bài phú, ta có thể căn cứ cách bố cục chung ba phần (phần một: lung, biện nguyên, thích thực; phần hai: phu diễn, nghị luận; phần ba: kết), để tìm hiểu nội dung và phong cách nghệ thuật bài “Hoài cổ phú” của thầy Võ Trường Toản.
Phần một gồm có: lung, biện nguyên, thích thực, với 6 câu tính từ câu 1 đến hết câu 6:
Lung của bài phú này có 2 vế đối: “Rỡ rỡ cúc ba thu, ba thu lụn cúc đà tàn héo; hây hây sen chín hạ, chín hạ qua sen cũng rã rời”. Cuộc đời trong mắt nhìn của thầy Võ Trường Toản, cũng như bao người khác, vốn là “bóng câu qua cửa sổ” thoáng chốc thì đã hết, không còn để lại gì ngoài hư vô. Vạn vật dẫu có lúc rực rỡ, cường thịnh, và thời gian tưởng như dài, nhưng đó cũng chỉ là khoảnh khắc “huy hoàng” trong chuỗi dài “suy kiệt”. Ý tưởng có phần bi quan, nhưng đó là thực tế cuộc đời, nó có tác dụng định hướng, nhắc nhớ con người nên biết điều chỉnh hành vi sống của mình theo hướng tích cực hơn.
Biện nguyên của bài phú được mở rộng trong cái nhìn có tính chất hệ thống nhằm làm rõ ý tưởng của câu lung. Đó là: “thương hải biến vi tang điền; tang điền biến vi thương hải”, nhưng được diễn đạt một cách gần gũi với người bình dân hơn: “Cho hay vực thẳm nên cồn; khá biết gò cao hóa bể”. Đó còn là: sự “luân chuyển của con tạo” với bánh xe thời gian mà con người nào biết được ra sao: “Quán âm dương rước khách xưa nay, đã mấy mươi năm; đò tạo hóa đưa người qua lại, biết bao nhiêu chuyến”. Đó là cõi mộng “phù du” - “đường say đường tỉnh”, mà con người đang ngụp lặn để tranh phần được mất: “thoạt đặng thoạt thua”.
Thích thực chính là phần khái quát chủ đề của toàn bài sau biện nguyên, nên cũng mang ý tưởng khái quát như một lần nhắc lại lung: “Của có không nào khác đóm mây; người tan hiệp dường như bọt nước”. Toàn phần “mở đầu” này như nhấn mạnh một chân lý cuộc đời mà thầy Võ Trường Toản muốn nhắn nhủ mọi người, nói một cách ngắn gọn: “đời phù du”. Để diễn đạt ý tưởng này, thầy Võ Trường Toản đã dùng khá nhiều hình ảnh, điển cố để làm cho điều mình diễn đạt có được sức mạnh thông tin nhờ nào hình tượng, hình ảnh và giá trị biểu cảm theo đó mà cũng được nâng lên rất nhiều.
Phần hai gồm có: phu diễn, nghị luận, với chức năng là chứng minh, bình luận. Đây là phần chính của một bài phú. Tất nhiên, hai phần việc của nội dung, tuy có khác, nhưng đều có tác dụng hỗ trợ nhau, được nhà thơ vận dụng một cách linh hoạt, không cứng nhắc trước sau. Phần này có tất cả 17 câu tính từ câu 7 tới hết câu 23, được chia thành hai tiểu đoạn: tiểu đoạn 1 gồm các câu từ câu 7 tới hết câu 13; tiểu đoạn 2 gồm các câu từ câu 14 đến hết câu 23. Trong đoạn này, nhà thơ đưa ra nhiều dẫn chứng thực tế cuộc sống xác thực và những bàn bạc thỏa đáng giúp người đọc nhận thức được sâu sắc ý nghĩa của cuộc sống.
Phu diễn gồm 7 câu, thầy Võ Trường Toản đã khéo chọn một số thực tiễn cuộc sống sinh động để chứng minh cho chân lý cuộc đời, rốt cuộc cũng chỉ là mộng ảo: từ cảnh chết đói ở núi Thú, đến việc tìm trường sinh ở non Thương, trẻ, già cũng không còn lưu dấu; từ chuyện “mộng ác” của “cánh bướm” Trang Chu đến việc “tiếc xót” của “chim quyên” Thục Đế, rồi cũng tàn lụn theo thời gian; từ những nắm đất vàng “hoàng nhưỡng” nơi nghĩa địa đến các đám mây trắng “bạch vân” nơi thiên đế, đâu cũng là tiệt diệt; từ chuyện được mất đến chuyện thị phi âu cũng trôi theo năm tháng; từ chuyện thỏa mãn hạnh phúc, khát vọng của Hán Võ, Thạch Sùng, bị khỏa lấp, tan biến trong sương gió; từ những hoạt động chốn dương gian: những cuộc truy hoan, những lần mộng tưởng, những phút biệt ly..., nào giữ được lâu; từ khí phách anh hùng của nhà Hán đến sự bá chủ giang sơn của nhà Đường, rốt cuộc rồi cũng diệt vong, tan biến theo quy luật thịnh suy của trời đất. Sự chứng minh từ nhiều biến cố lịch sử, qua các thời kỳ, ở nhiều triều đại, với nhiều đối tượng như vậy là quá thuyết phục cho nhận định của nhà thơ rồi. Đoạn phu diễn có chất giọng gãy gọn, dẫn liệu chính xác, đủ cho ta thấy sự học uyên bác, tầm hiểu biết rộng rãi, cao siêu của một kẻ sĩ nổi danh không chỉ một thời mà qua nhiều đời này ở đất Gia Định.
Nghị luận gồm 10 câu, cho thấy khả năng hùng biện của nhà thơ Võ Trường Toản trên phương diện một người thầy của “Gia Định tam gia”. Sự lập luận của ông xuất phát từ nhiều góc độ: thương lâu đài, thành quách của Tấn, Tần, theo thời gian biến thành hoang phế; tiếc “cung Tùy, đài Ngô” một thời hoang lạc, sung túc, bây giờ có còn đâu? Tất cả chỉ còn phảng phất một mối sầu thiên cổ; “đêm Ô Giang”, “ngày Cai Hạ” chỉ còn gợi nhớ một thời của “Hạng Võ”, “Ngu Cơ”; “đời vắng Nghiêm Lăng”, “thuyền không Phạm Lãi” thiên nhiên như chỉ còn mịt mờ một màu sương tuyết. Từ những nghị luận riêng lẻ ấy cho thấy sự trải đời ở ông. Để rồi từ những chiêm nghiệm ấy, thầy Võ Trường Toản lại đưa ra một kết luận hết sức sắc bén; đồng thời, ông cũng khẳng định cho điều trường tồn bất diệt của cuộc đời, ấy là “nhân nghĩa”: “Cho hay dời đổi ấy lẽ thường; Mới biết thảo ngay là nghĩa cả”.
Nghị luận cơ bản ấy được thầy Võ Trường Toản tiếp tục chứng minh, biện luận bằng những gương sáng về đạo “nhân nghĩa” đã được lưu danh trong hậu thế như: “Đại Thuấn”, “Tử Khiên” quên thân mình quyết giữ tròn đạo hiếu nghĩa; “Tôn khóc măng”, “Tường nằm giá” quyết giữ đạo con, “Tích dấu quít”, “Cự chôn con” mong đền nghĩa mẹ; gương trung liệt “trước đèn Trụ”, “dưới thành Ngô” như vẫn còn mãi cùng năm tháng; những bậc tôi hiền như Hàn Dũ, Tô Vũ vẫn đọng trong lòng dân một niềm thương cảm; “cật Võ Mục”, “áo Thiên Tường” biểu thị tấm lòng trung nghĩa được người đời sau nhắc mãi.
Trong cả hai tiểu đoạn nghị luận, thầy Võ Trường Toản đã lựa chọn cẩn thận đến từng điển tích, điển cố, kết hợp với những lời bình ngắn gọn, súc tích, vừa nêu được nét khái quát, vừa khắc họa đến từng chi tiết những gương xưa để nhằm luận bàn đến “lẽ còn mất” trong cuộc đời dưới cái nhìn nhân nghĩa của nhà thơ.
Kết của bài phú được cô đọng ở câu 24: “Trời món đất già danh hỡi rạng, lụy non Ngưu nghĩ cũng sụt sùi; biển khô đá rả tiết nào phai, sử họ Tư Mã chép còn tỏ rõ”. Với câu kết này, nhà thơ “sùng đức” muốn khẳng định một điều: “vạn vật dẫu có thế nào thì “danh tiết” vẫn là cái để lưu danh muôn thở”.
Bài phú có tựa đề “Hoài cổ” của thầy Võ Trường Toản không có nghĩa là nuối tiếc cái xưa; sống ở hiện tại mà nhớ về quá khứ đâu đâu. Ở đây, nhà thơ muốn từ “ôn chuyện cũ” để giáo huấn người đời về “lòng nhân nghĩa”. Trong sự thăng trầm, biến đổi của xã hội, chỉ có lòng nhân nghĩa mới là cái trường tồn đích thực. Bởi vậy, con người phải quyết tâm gìn giữ. Từ tư cách, đức độ ấy, người cùng thời tặng cho thầy Võ Trường Toản danh hiệu “Gia Định sùng đức xử sĩ” quả là không ngoa chút nào.
* * *
Có những nhà thơ chỉ cần một bài thơ mà làm nên tên tuổi, như Thôi Hiệu với “Hoàng hạc lâu”, Vũ Đình Liên với “Ông đồ”, Hữu Loan với “Màu tím hoa sim”... Xưa cũng thế mà nay cũng vậy. Tuy chỉ còn lưu giữ một bài phú “Hoài cổ”, thầy Võ Trường Toản cũng đã làm nên tên tuổi; nhưng hơn hết, ông được lưu danh không ở sự nghiệp làm thơ, mà ở tài năng và đức độ. Tài năng và đức độ một người thầy của bao lớp thầy. Thầy của nhóm “Gia Định tam gia thi”, thầy của bao thế hệ người thầy. “Vạn thế sư biểu”, “Kẻ sĩ Gia Định”, “Sùng đức xử sĩ”... là những danh hiệu mà người dân Nam bộ dành tặng cho ông đủ để nói lên hết lòng ngưỡng mộ, niềm tự hào về một người thầy đã làm rạng danh cho xứ sở này.
HUỲNH CÔNG TÍN
Chú thích :
(1) ấp tổn: nhún nhường, có lễ phép. Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, thiên hạ xưng tụng là đời “ấp tổn”.
(2) chinh tru: đánh giết.
(3) Thú Dương
(4) ngạ tử: chết đói.
(5) hoàng nhưỡng: nắm đất vàng nơi nghĩa địa.
(6) Trang Tử “Thừa bỉ bạch vân chí vu đé hương”: cưỡi đám mây trắng kia mà đến nơi thiên đế ngự. Ý nói người chết.
(7) Hoài Nam Tử: “Tái ông thất mã”.
(8) Thạch Sùng đời Tấn xây vườn Kim ốc để vui chơi.
(9) Hàn Dũ viết biểu can vua bị Đường Hiến Tông đày đi biên ải.
(10) Tô Vũ đi sứ chịu khổ ở Hồ nhiều năm.