29/03/2019 - 11:16

“Giữ chân” thương hồ chợ nổi Cái Răng 

Chợ nổi Cái Răng không chỉ là điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế, mà còn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cần Thơ cũng đã có Ðề án “Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng” đã được phê duyệt và triển khai từ năm 2016. Qua hơn 2 năm thực hiện, đề án đã thực hiện một số phần việc, nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến đột phá như mong đợi. Thực tế lại phát sinh nhiều vấn đề nan giải khiến quận Cái Răng và các ngành chức năng phải tiếp tục tìm kiếm những giải pháp mới.

Ông Trương Quang Hoài Nam (đứng, trái), Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tìm hiểu đánh giá của du khách quốc tế khi tham quan chợ nổi Cái Răng.

Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Văn hóa chợ nổi Cái Răng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; UBND TP Cần Thơ cũng phê duyệt Đề án “Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng”. Đó là những tiền đề quan trọng để gìn giữ và khơi dậy tiềm năng chợ nổi gắn với phát triển du lịch, bảo tồn nét văn hóa đặc thù miền sông nước. Tại chợ nổi, trung bình mức trao đổi hàng hóa là 1.500 tấn/ngày, thu hút khoảng 1 triệu du khách mỗi năm, ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng 2.500-3.000 lượt khách. Lượng khách đến chợ nổi Cái Răng mỗi năm tăng ít nhất 20%.

Hơn 2 năm kể từ khi Văn hóa chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản, Đề án “Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng” được triển khai, chợ nổi dần có những thay đổi. Giai đoạn 1 của đề án (2016-2018) đã được hoàn thành với những phần việc cụ thể. Giai đoạn 2 của đề án (2019-2020) cũng đã được triển khai. Đến nay, có 9/13 hạng mục công trình đã thực hiện. Tiêu biểu như UBND quận Cái Răng đã đầu tư hệ thống phao tiêu phân luồng giao thông; duy trì các hoạt động mua bán trên sông qua việc triển khai hỗ trợ vốn vay (tổng kinh phí hỗ trợ vay là 6.685 triệu đồng cho 122 hộ gia đình, doanh nghiệp vay vốn làm du lịch, mua bán trên chợ nổi); xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản, trái cây sạch cung cấp cho chợ nổi; tổ chức thu gom rác; quầy hàng nổi trên sông; nhà vệ sinh công cộng trên sông; duy trì mô hình trình diễn đờn ca tài tử định kỳ vào cuối tuần trên chợ nổi… Hiện còn 4 hạng mục đang triển khai là: trạm dừng chân, cầu tàu chợ nổi, du thuyền, nhà hàng nổi ven sông.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án phát sinh nhiều vấn đề, khiến việc triển khai chậm và chưa tạo đột phá. Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UNBD quận Cái Răng, nói: “Một số công trình trong đề án cho đến nay vẫn khó thực hiện vì vướng nhiều vấn đề phát sinh. Cụ thể, dự án kè sông Hậu sẽ có một đoạn đi qua chợ nổi và địa phương cũng đã tìm giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này, nhưng vướng mắc trên làm chậm quá trình triển khai một số hạng mục công trình như cầu tàu, trạm dừng chân”. Mặt khác, việc hỗ trợ di dời 38 bè nổi và hỗ trợ cho bà con tiểu thương vay vốn cũng vấp phải nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý; việc bảo vệ môi trường cảnh quan, quản lý chợ nổi cũng nan giải không kém. Ông Vương Công Khanh thông tin rằng, khi xây dựng đề án có đề cập đến nội dung an sinh xã hội cho người dân chợ nổi, nhưng lại bỏ quên những giải pháp cụ thể cho vấn đề này, đó là làm sao nuôi dưỡng thương hồ. Chợ nổi chỉ tồn tại khi còn thương hồ và cho đến nay phần lớn các đơn vị kinh doanh du lịch chỉ khai thác chợ nổi, vẫn chưa có hỗ trợ, đóng góp cho vấn đề này. Do đó, phía UNBD quận Cái Răng đề xuất cần phải có quỹ bảo tồn, được đóng góp từ các đơn vị lữ hành và các doanh nghiệp hoạt động du lịch; đồng thời đề xuất thành lập Ban quản lý chợ để việc hoạt động trên chợ nổi hiệu quả.

Anh Huỳnh Thanh Xuân, tiểu thương chợ nổi Cái Răng, nói: “Thời gian qua, chúng tôi có nhận được những chính sách, điều kiện hỗ trợ khá tốt. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là khâu tổ chức, quản lý hoạt động du lịch và mua bán còn hạn chế, nhất là vấn đề giá cả của các dịch vụ, chất lượng các sản phẩm. Tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đáng lo ngại. Là một người dân gắn bó với chợ nổi, tôi cũng như bà con tiểu thương đều mong muốn chợ có thể được giữ gìn tốt và phát triển bền vững lâu dài”. Chú Trương Văn Thống, chủ ghe du lịch, cũng chia sẻ: “Tôi mong chợ còn giữ được nét tự nhiên, có vậy mới thu hút được du khách, đừng can thiệp quá nhiều”. Chợ nổi Cái Răng đang tồn tại rất nhiều vấn đề về môi trường, sản phẩm du lịch, dịch vụ, nhân lực…và làm sao để chợ nổi thu hút thương hồ bám chợ, níu chân du khách, vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm và phải lựa chọn những giải pháp phù hợp.

Trước những vấn đề nêu trên, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng cần phải hết sức cẩn trọng khi đánh giá và thực hiện đề án, để có những giải pháp kịp thời phù hợp; xem xét đến tính khả thi hiệu quả mà đề án mang lại. Việc cần làm bây giờ là phải tham chiếu kết quả trước và sau khi thực hiện đề án, nhất là về số lượng tàu ghe, thương hồ, lưu lượng hàng hóa, những đánh giá về tác động môi trường. Ông Trương Quang Hoài Nam cũng chỉ đạo UBND quận Cái Răng sơ kết đánh giá về quá trình thực hiện đề án vào tháng 7-2019, trong đó cần có những đánh giá sát thực về số lượng thương hồ, các dịch vụ phục vụ du khách, dịch vụ lữ hành đưa khách đến chợ nổi. Từ cơ sở này, các đơn vị hữu quan sẽ đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi và UBND sẽ tiếp tục báo cáo, trình HĐND thành phố để có những kế hoạch mới sau đề án, những quyết sách đột phá để tiếp tục duy trì bảo tồn và phát huy được tiềm năng chợ nổi.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết