02/11/2020 - 21:00

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Ðề nghị Chính phủ cần đưa ra các kịch bản tăng trưởng khác nhau

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, sáng 2-11, Quốc hội bước vào ngày làm việc đầu tiên của đợt thứ 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Ðầu giờ sáng, làm việc tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã dành phút mặc niệm những cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân tử nạn trong đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua.

Trong chương trình làm việc buổi sáng, đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.

Các đại biểu nhận định, bước vào năm 2020, nước ta gặp nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Ðảng, với quyết tâm điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự đồng hành, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, đồng tình ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước vượt qua những thách thức.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), trong 9 tháng năm 2020, nước ta đạt mức tăng trưởng GDP 2,12%, lạm phát kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được đảm bảo. Ðại dịch COVID-19 xảy ra, tổng cầu giảm, thương mại thế giới giảm 20-30%, nhưng quý III-2020, kim ngạch xuất khẩu của nước ta vẫn tăng 11% và được xem là quốc gia tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới. Chỉ có 4 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới có mức tăng trưởng xuất khẩu dương là Việt Nam, Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (TPHCM), từ nay cuối năm, nếu tình hình diễn biến tiếp tục tốt, đầu tư công có thể đạt tỷ lệ khá cao, nguồn lực xã hội được huy động thêm và tốc độ tăng vốn đầu tư của toàn xã hội tăng; không có tác động bởi những làn sóng mới của dịch COVID-19 sẽ kéo tăng trưởng chung của nền kinh tế lên khoảng 3%.

Về kế hoạch năm 2021, có ý kiến cho rằng, với bối cảnh thế giới và trong nước chưa rõ nét về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, còn nhiều yếu tố bất định trong tương lai, Chính phủ cần đưa ra các kịch bản tăng trưởng khác nhau chứ không chỉ có một kịch bản trình Quốc hội thảo luận là tăng trưởng GDP 6%. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, có thể đưa ra 2 kịch bản, nếu thuận lợi, Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, nếu không thuận lợi, có thể tăng trưởng 4,5%.

Các đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Trần Hoàng Ngân… đề nghị Chính phủ nên sử dụng nguồn quỹ dự phòng của năm 2020 để hỗ trợ nhiều hơn cho đồng bào miền Trung khắc phục thiên tai, có giải pháp giúp người dân khôi phục kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Chia sẻ bài viết