13/05/2023 - 09:23

Ðể Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ tiếp tục phát triển 

LAM - HUỲNH

Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (Lễ hội BDGNB) năm 2023 vừa diễn ra từ ngày 28-4 đến 2-5, đã đánh dấu lần thứ 10 sự kiện này được tổ chức thành công, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ðồng thời tiếp tục phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực truyền thống trong phát triển du lịch và tạo sinh kế lâu dài cho đông đảo nghệ nhân bánh dân gian. Tuy nhiên sau 10 năm, sự kiện này cũng đang đứng trước những yêu cầu tiếp tục thay đổi và đổi mới để phát triển mạnh và bền vững hơn.

 Không gian trình diễn bánh ở Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ 2017. Trong ảnh: Du khách được nghệ nhân hướng dẫn trải nghiệm làm bánh. Ảnh: KIỀU MAI

Thành công từ kết nối văn hóa ẩm thực với phát triển du lịch, kinh tế

Lễ hội BDGNB là sự kiện điểm nhấn tạo sức hút đông đảo du khách của du lịch Cần Thơ, với quy mô ngày càng lớn, như năm 2023 thu hút đến 300 gian hàng với hàng trăm loại bánh. Đồng thời đây là lễ hội có ý nghĩa văn hóa, kinh tế khi có đông đảo nghệ nhân bánh dân gian ĐBSCL và cả nước tham gia lễ hội mỗi năm. Qua đó đã góp phần gìn giữ và phát huy nhiều loại bánh truyền thống; lan tỏa tình yêu và tạo sự nối tiếp trong thế hệ trẻ gắn bó với nghề bánh. Qua các kỳ lễ hội, nhiều loại bánh có nguy cơ thất truyền đã được phát hiện, gìn giữ, như bánh mãng cầu, bánh bầu, bánh nghệ Gò Công, bánh hỏi mặt võng… Nhiều nghệ nhân đã được phát hiện, vinh danh và không ngừng phát triển nghề truyền thống sau lễ hội như cô Phan Kim Ngân (TP Cần Thơ), cô Hà Thị Sáu (TP Cần Thơ), cô Huỳnh Ngọc Lan (Sóc Trăng), chú Lê Văn Kỷ (Tiền Giang)… Đồng thời, những loại bánh truyền thống được cải tiến phù hợp với khẩu vị và nhịp sống đương đại qua sự sáng tạo của các nghệ nhân.

Nhờ sức lan tỏa từ lễ hội, bánh dân gian và ẩm thực truyền thống dần trở thành một phần trong các yếu tố thu hút du khách đến Cần Thơ, với các sản phẩm du lịch gắn liền bánh dân gian. Điển hình như chia sẻ của bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, TP Cần Thơ: “Tại lễ hội năm 2022, chúng tôi có tham gia gian hàng quảng bá, từ đó nhiều khách kết nối đến khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge. Khi tham gia lễ hội năm nay, chúng tôi giới thiệu một số loại bánh độc đáo như bánh bạc đầu ngũ sắc, bánh ít trần măng cụt… Văn hóa ẩm thực, đặc biệt là bánh dân gian, là một trong các yếu tố chính thu hút khách du lịch. Vì thế, Mekong Silt Ecolodge thường có trải nghiệm làm bánh dân gian, được du khách nhất là khách quốc tế, yêu thích”.

Nhờ lễ hội mà nghề làm bánh dân gian hòa nhịp với sự phát triển kinh tế, du lịch; đồng thời bánh dân gian tạo điểm nhấn riêng cho du lịch Cần Thơ. Một ví dụ điển hình là sự phát triển của thương hiệu ẩm thực như AZ Bánh - Bánh dân gian xưa và nay của Cần Thơ. Trong các sản phẩm du lịch cộng đồng Cồn Sơn có điểm học làm và thưởng thức bánh dân gian; tại điểm đến Canthofarm - Nông trại sạch Cần Thơ có phục vụ bánh dân gian; làng du lịch Mỹ Khánh cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện ẩm thực dân gian vào dịp Lễ Quốc khánh hay Tết…

Những điểm chưa đáp ứng nhu cầu của du khách và nghệ nhân

Đến Cần Thơ dự hội bánh năm 2023, chị Đặng Thị Huỳnh Thi, du khách từ TP Hồ Chí Minh, góp ý: “Tôi không được nhìn thấy nghệ nhân trình diễn cách làm bánh và không được trải nghiệm không khí đúng chất lễ hội bánh dân gian. Thay vào đó chỉ có những gian hàng nối tiếp gian hàng, ngập tràn bánh”. Thực tế, trong các kỳ lễ hội từ năm 2019 về trước, mỗi ngày có không gian và khung giờ các buổi sáng - chiều để các nghệ nhân trình diễn, giới thiệu cách làm bánh với du khách. Ở các kỳ hội bánh năm 2022 và 2023 đã không có hoạt động này.

Tại hội bánh năm nay, giữa dòng người chen lấn qua lại, có một người phụ nữ lớn tuổi ngồi nép mình bên một gian hàng nhỏ, nướng vội những chiếc bánh để bán. Nếu không quen biết trước, không ai biết đó là cô Hà Thị Sáu, nghệ nhân đã gắn liền với lễ hội bánh qua nhiều năm, cũng là nghệ nhân của làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt) vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong những kỳ lễ hội trước, du khách sẽ được thấy cô Sáu mang nguyên dàn lò xuống lễ hội để tráng bánh tại chỗ, thu hút đông đảo du khách đến thưởng thức và trải nghiệm làm bánh cùng cô. Cũng trong kỳ lễ hội năm 2019, du khách cũng sẽ thấy được những công cụ ép bánh gia truyền do anh Trần Thiện Cảnh mang đến lễ hội để trình diễn, giới thiệu món bánh nổi tiếng Phong Điền: bánh hỏi mặt võng Út Dzách.

Nhiều người cho rằng, việc đưa bánh dân gian vào các gian hàng theo tiêu chuẩn (3mx3mx2,5m) như kỳ lễ hội năm nay đã hạn chế không gian làm bánh tại chỗ. Chị B.T, chủ một gian hàng ở khu bánh dân gian, nói: “Gian hàng nhỏ hẹp, khách chỉ đến mua rồi đi, không có không gian thưởng thức. Gian hàng cứ nối tiếp gian hàng nhìn như hội chợ, toàn thấy người mua và người bán”. Cũng bởi không có không gian, nên chất lượng bánh cũng là vấn đề do không thể làm bánh tại chỗ. Trong khi đó, lễ hội thường diễn ra vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - cũng là những ngày nắng nóng; mà bánh dân gian thường sử dụng nguyên liệu tươi, cần được làm ngay ăn ngay hoặc bảo quản thích hợp... 

Nhiều du khách đến hội bánh năm nay với kỳ vọng kỷ niệm 10 năm Lễ hội BDGNB sẽ có những hoạt động mang tính lan tỏa, tôn vinh nghệ nhân và khắc họa đậm nét văn hóa ẩm thực truyền thống. Cả du khách và nghệ nhân đều mong muốn lễ hội sẽ tạo nên nét văn hóa và trải nghiệm trong không gian mở, thoáng và rộng rãi, chứ không phải là đưa vào khuôn những gian hàng nhỏ hẹp. Du khách cũng tiếc vì hình ảnh người đi hội bánh mặc áo dài, áo bà ba... xuất hiện thường xuyên, nhưng đến nay vẫn chưa có một hoạt động kết hợp giữa những trang phục truyền thống với bánh quê. Đơn giản như du khách mặc áo bà ba đến lễ hội check-in đăng lên mạng xã hội sẽ được tặng một phần bánh dân gian, là một cách xây dựng hình ảnh lễ hội đồng thời góp phần lan tỏa vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. 

Xây dựng lễ hội văn hóa thực sự

“Thương hiệu văn hóa” là cụm từ mà nhiều người thường nói khi nhắc đến Lễ hội BDGNB sau 10 năm tổ chức. Dù vậy, trước nhiều thách thức hiện nay, “thương hiệu văn hóa” này cần được trau chuốt thêm.

Không gian trình diễn bánh ở Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ 2018. Trong ảnh: Các nghệ nhân trình diễn giã cốm dẹp. Ảnh: KIỀU MAI

Lễ hội BDGNB là lễ hội văn hóa hiện đại dựa trên tài nguyên văn hóa truyền thống bản địa là ẩm thực dân gian. Do vậy, 10 năm vẫn chưa là thời gian đủ để đảm bảo yếu tố bền vững và cố kết. Một thách thức không nhỏ là lễ hội được tổ chức định kỳ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, thời điểm mà nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL và cả nước cũng tổ chức rất nhiều sự kiện. Trong đó, nhiều sự kiện có sự góp mặt của bánh dân gian, ví dụ tại TP Cà Mau năm nay có Ngày hội BDGNB. Việc tổ chức lễ hội như cũ là đã làm du khách thất vọng, chứ đừng nói đến giảm chất lượng so với trước.

Nhiều ý kiến cho rằng, TP Cần Thơ cần xây dựng Lễ hội BDGNB là một lễ hội văn hóa đúng nghĩa, để từ đó làm tài nguyên cho du lịch; chứ lễ hội không là sản phẩm du lịch. Trong đó, hoạt động bảo tồn văn hóa được xác định là gốc và có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân tham gia lễ hội. Những nghệ nhân thâm niên, tâm huyết với nghề, gìn giữ những tri thức, bí truyền làm bánh dân gian Nam Bộ nên được mời đến lễ hội để trình diễn và giao lưu. Trước đây, đã từng có đề xuất về việc đề nghị công nhận (tạm gọi tên) Văn hóa BDGNB, Tri thức làm BDGNB... là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia để Lễ hội BDGNB được nâng tầm, nâng tính văn hóa, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia văn hóa cho rằng bánh dân gian phải là chủ đạo tại lễ hội, mở rộng không gian cho nghệ nhân trình diễn; giới thiệu tri thức làm bánh, triển lãm các dụng cụ làm bánh; xây dựng không gian lễ hội theo chuyên đề: bánh gói từ lá, bánh từ bột gạo, bánh từ nếp… Lễ hội cần có không gian trình diễn cho các nghệ nhân, đặc biệt là các nghệ nhân ở các nghề, làng nghề truyền thống hoặc là di sản. Đơn cử, nếu như lễ hội có không gian giới thiệu bánh dân gian Cần Thơ với các làng nghề nổi tiếng như bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt), bánh đa Vĩnh Thạnh, bánh kẹo Ba Rích (Ô Môn)... thì sẽ hay và đặc trưng biết mấy.

Chia sẻ bài viết