10/12/2007 - 11:17

“Duyên nợ” với ba ba

Ở Cồn Cò, cặp sông Ba Lai, thuộc ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Bình Đại (Bến Tre) hầu như ai cũng biết ông Lê Văn Năm (57 tuổi) - người nuôi ba ba mỗi năm đạt lợi nhuận hơn trăm triệu đồng. Cơ nghiệp hôm nay của ông được gầy dựng từ hai bàn tay trắng.

BUÔNG NGHỀ NÀY, BẮT NGHỀ KIA

 

Trước giải phóng, ông Năm từng tham gia cách mạng, là du kích địa phương. Hòa bình lập lại, ông trở về gia đình sống bằng nghề nông. Cha mẹ nghèo, sau khi cưới vợ ra ở riêng, không có “cục đất chọi chim”, vợ chồng ông Năm phải làm mướn quanh năm mới có tiền nuôi các con.

Sau giải phóng ở vùng đất Long Hòa, người dân chủ yếu trồng một vụ lúa, thời gian còn lại bỏ đất trống. Thấy vậy, ông Năm thuê đất để trồng lúa trong lúc nhiều người không sản xuất. Liên tục ba năm liền, ông đều trúng mùa. Khi trả đất cho chủ cũng là lúc ông Năm tích lũy tiền mua được 5 công đất. Từ đất này, ông tiếp tục trồng lúa, lấy tiền mua ghe để chở mía mướn cho các lò đường. Khi có được số vốn kha khá, ông làm nhà máy đường, xây lò kết đường cát. Năm 1996, khi nghề làm đường không còn lợi nhuận khá, ông chuyển sang xây dựng các lò sấy nhãn, thu mua nhãn về sấy bán lại... Năm 1997, ông Năm lần lượt chuyển hơn 2 ha đất sang trồng nhãn quế, lại trúng giá nhãn liên tục 4 năm với mức thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Trên 20 năm làm nhiều nghề và nhờ chuyển hướng làm ăn hợp lý, ông Năm trở thành người giàu có nức tiếng ở Cồn Cò. Từ chỗ không có đất, đến nay , ông có trong tay 4 ha đất và một số tài sản để dành làm “của hồi môn” cho các con sau khi họ lập gia đình. Trong số nhiều nghề mà ông Năm đã từng trải qua để làm giàu, bà con ở Cồn Cò ấn tượng nhất nơi ông là nghề nuôi ba ba.

ĐEO ĐUỔI BA BA ĐỂ LÀM GIÀU

Đó là năm 1991, ông Năm đem con ba ba về Cồn Cò nuôi trong cái nhìn lạ lẫm của người dân quanh vùng. Qua thông tin trên đài truyền hình, ông biết được ở Đồng Nai có người làm giàu nhờ nuôi ba ba. “Máu làm giàu” trong ông Năm nổi lên. Ông khăn gói đi Đồng Nai tìm đến chỗ nuôi ba ba thành công tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ thế, ông cũng không tiếc công tìm đến các mô hình nuôi ba ba ở TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu để tìm hiểu thêm cách nuôi.

Vậy mà khi chính thức nuôi ba ba, ông Năm lại gặp thất bại ê chề. Năm đầu thả nuôi, ông đầu tư 100 triệu đồng mua 10.000 con ba ba con về thả trong 3 ao, có diện tích mặt nước khoảng 900mét vuông. Sau gần 2 năm nuôi, đến lúc thu hoạch chỉ còn chừng 200 kg ba ba thịt với đủ cỡ, không đều nhau. Bán tất cả số ba ba này, ông chỉ thu được trên 20 triệu đồng. Tính ra, không chỉ mất vốn, ông Năm còn bị lỗ thêm cả chục triệu đồng tiền thức ăn.

Tại sao ba ba “bốc hơi” là câu hỏi làm ông Năm đau đầu lúc đó. “Nếu không tìm ra nguyên nhân thì khó mà thành công”. Ông Năm tự nhủ và suy đoán: “Chắc do mình mua ba ba con còn nhỏ quá nên tỷ lệ sống thấp”. Rút kinh nghiệm, năm 1993, ông Năm chỉ mua 4.000 con ba ba cỡ 400 - 500 gam/con thả nuôi. Lần này, ông hy vọng là không bị hao hụt. Nhưng một lần nữa ông lại chới với khi sau 12 tháng nuôi, thu hoạch chỉ còn trên 300 kg ba ba thịt, bán được 40 triệu đồng. Sau thất bại này, ông Năm cho rằng mình thả nuôi dày nên thất bại. Vì thế, đợt nuôi thứ ba ông chỉ mua 2.000 con ba ba lứa thả nuôi. Ông lại tiếp tục chịu thua vì thu hoạch cũng chỉ được khoảng 350 kg ba ba thịt.

Ông Năm kể: “Thấy nuôi ba ba bị thua lỗ liên tục, vợ tôi khóc lóc khuyên tôi nghỉ, đừng nuôi nữa, không khéo phá sản vì con ba ba. Tôi thì ấm ức không hiểu sao ba ba tôi mua cũng lựa giống, cho ăn đầy đủ mà lần nào cũng hao hụt số lượng lớn. Tôi nói với vợ chắc là vụ sau sẽ thành công, phải nuôi tiếp, nuôi giữa chừng lỗ vốn bỏ ngang người ta cười. Vậy là tôi chịu đựng thất bại hoặc may mắn lắm cũng phá huề liên tục 4, 5 vụ tiếp theo. Lúc đó, tôi không hiểu sao nuôi vài ngàn con nhưng khi thu hoạch chỉ còn vài trăm. Hỏi những người cùng nuôi, họ nói nuôi ba ba là phải chịu hao hụt. Nhưng hao hụt như vậy hoài thì sao chịu nổi?”.

Vụ nuôi năm 2004, trong một lần cho ba ba ăn, ông Năm tình cờ thấy nhiều con ba ba lứa cứ đeo dính chùm với nhau. Mấy con ba ba đực đeo lấy một ba ba cái nên con này bị trầy trụa sau đó kiệt sức chết. Ông liền nghĩ: “Không lẽ lâu nay ba ba hao hụt nhiều là do chuyện này!”. Vậy là ông gọi các con nhào xuống ao bắt ngay ba ba lên lựa ra tách bầy nuôi con đực riêng, con cái riêng từng ao. Gần một năm sau, ông Năm thu hoạch ba ba. Vụ này sau khi trừ chi phí, ông lời 50 triệu đồng. Năm 2005, ông Năm thả 1.000 con ba ba con, đợi đến 9 tháng ông tách ba ba đực, cái nuôi riêng. Năng suất thu hoạch cũng tương đương năm trước, nhưng giá ba ba tăng lên 240.000 đồng/kg, ông lời được 80 triệu đồng. Cũng thả nuôi 1.000 con ba ba, ở vụ nuôi năm 2006 - 2007 thu hoạch vào cuối tháng 8 vừa qua, số lượng trên 600 kg. Giá ba ba tăng đến mức 290.000 đồng/kg, ông Năm đạt lợi nhuận 120 triệu đồng.

Sau nhiều năm đeo đuổi con ba ba, ông Lê Văn Năm đã thành công. Với ba ao nuôi hiện có, một ao ông để nuôi ba ba con, hai ao còn lại ông để tách bầy nuôi riêng khi phân biệt được đực, cái. Ông Năm thường mua con giống ba ba ở trại giống Lái Thiêu. Theo kinh nghiệm của ông Năm, mua ba ba giống con nhỏ nên chọn mua vào đầu mùa mưa là phù hợp nhất, vì lúc này con giống mạnh, môi trường đầu mùa mưa giúp ba ba phát triển tốt. Ba ba thường cắn lộn, có khi cùng là ba ba đực lại giao phối với nhau nên nuôi loại này phải chịu hao hụt. Vì vậy, nên nuôi thưa (khoảng 1 mét khối nước 1 con) để hạn chế hao hụt. Ba ba cần được cho ăn mỗi ngày một lần, không nên cho ăn cá ương vì thiếu độ đạm, ba ba sẽ chậm phát triển.

Ông Năm cũng cho biết, hiện nay có khoảng 10 thương lái ở TP Hồ Chí Minh thường xuyên liên hệ với ông để mua ba ba thịt. Ông Năm phấn khởi nói: “Bây giờ, mấy ao nuôi ba ba chưa đầy một công đất của tôi thu nhập mỗi năm cao hơn hai hec- ta nhãn hiện có. Đã biết được cách nuôi ba ba chắc ăn, tới đây tôi sẽ đốn một hec- ta nhãn để đào ao lập trang trại nuôi ba ba”.

CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết