27/03/2014 - 21:57

“Điệp khúc” thiếu nguồn nhân lực y tế vùng ĐBSCL

Thiếu hụt nguồn nhân lực y tế vùng ĐBSCL không còn là vấn đề mới nhưng luôn "nóng". Mới đây, tại Hội nghị đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL, do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) và Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Cần Thơ tổ chức, vấn đề được các đại biểu tiếp tục "mổ xẻ"...

* Thiếu trầm trọng chuyên khoa hiếm

Theo Vụ Văn hóa - Xã hội, BCĐ TNB, ĐBSCL hiện nằm trong "vùng trũng" về nhân lực y tế. Bởi lẽ đến đầu tháng 1-2014, tỷ lệ bình quân bác sĩ/vạn dân chỉ đạt 4,8 (thấp nhất là tỉnh Hậu Giang 3,6 và tỉnh Bến Tre 3,8), trong khi tỷ lệ bình quân cả nước là 7,5; dược sĩ/vạn dân là 0,41 (thấp nhất là các tỉnh: Cà Mau, Long An và Hậu Giang chiếm chưa tới 0,4), trong khi bình quân cả nước là 1,92. Số giường bệnh/vạn dân của vùng cũng rất thấp, chỉ đạt 8,6 giường bệnh/vạn dân, trong khi cả nước là 22,5 giường bệnh/ vạn dân. Không chỉ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế mà hiện nay tình trạng vừa thừa - vừa thiếu đã xảy ra ở các tỉnh thành ĐBSCL. Ông Vũ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội, BCĐ TNB, cho biết: "So với các Quyết định của Chính phủ về đào tạo nhân lực cho vùng, ĐBSCL vẫn chưa đạt yêu cầu. Nhất là hiện nay, vùng thiếu đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực ở 5 chuyên ngành: lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh lý". Qua khảo sát tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL, giai đoạn 2014-2015, cần đào tạo 961 bác sĩ 5 chuyên ngành trên (trong đó, năm 2014 cần 451 bác sĩ; năm 2015 cần 510 bác sĩ), chưa kể nhu cầu đào tạo sau đại học của tỉnh Đồng Tháp.

Sinh viên Trường ĐHYD Cần Thơ trong giờ học thực hành.

Thực tế cho thấy, những năm qua, lãnh đạo các địa phương, ngành y tế nỗ lực chiêu sinh người đi học 5 chuyên ngành trên nhưng có rất ít, thậm chí không có người đi học vì thiếu cơ chế, chính sách. Có những ngành học và làm vừa độc hại lại khó làm thêm và thu nhập thấp. Ông Văn Công Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết: "Qua thống kê, tỷ lệ người bệnh chết do lao cao hơn so với bị tai nạn giao thông. Song, 20 năm nay, tỉnh chỉ có 2 bác sĩ lao phục vụ vì không tuyển được người, còn đưa đi học thì không có nguồn". Tương tự, các tỉnh khác cũng gặp tình cảnh khó tuyển nhân lực chuyên ngành hiếm trên như: Kiên Giang cần 94 bác sĩ, An Giang cần 57 bác sĩ, Sóc Trăng cần 48 bác sĩ... Hay TP Cần Thơ, có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng nhiều năm qua, tuyến y tế cơ sở vẫn thiếu bác sĩ. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Cao Minh Chu nói: "TP Cần Thơ có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân không thấp (10,55 bác sĩ/vạn dân), do có nhiều bệnh viện, trường ĐHYD trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn. Tuy nhiên, số bác sĩ phân bổ không đồng đều, chỉ tập trung tuyến thành phố. Đặc biệt, thành phố đang thiếu các chuyên khoa hiếm như: lao, tâm thần, pháp y... Sắp tới, thành phố sẽ đưa vào sử dụng một số công trình bệnh viện từ 200 đến 500 giường, nên nguồn lực y tế càng cấp bách hơn.

* Cần chính sách ưu đãi từ Trung ương

Nhiều năm qua, Trung ương và các địa phương rất quan tâm thực hiện nhiều giải pháp để nâng số lượng cán bộ y tế nhưng khoảng cách hụt hẫng nhân lực y tế giữa ĐBSCL và vùng miền khác trên cả nước còn khá xa. Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban BCĐ TNB, nhìn nhận: "ĐBSCL được đánh giá là vùng giàu tiềm năng, có thế mạnh về nông - thủy sản và trái cây lớn nhất cả nước nhưng lại là vùng "trũng" nhiều mặt, trong đó có giáo dục- đào tạo, nhất là nguồn nhân lực y tế. Việc đẩy nhanh tốc độ nguồn nhân lực y tế cho các địa phương trong vùng hết sức cấp bách".

Theo lãnh đạo địa phương và sở y tế các tỉnh, nếu như không có giải pháp căn cơ sẽ khó giải quyết bài toán về nhân lực y tế. Bởi lẽ, y tế là ngành đặc thù, đòi hỏi người học phải có trình độ và nỗ lực vượt bậc. Học rất cực khổ, tốn kém, trong khi mức lương sau khi ra trường thì cào bằng so với ngành khác. Vì thế, cần có cơ chế chính sách cho cán bộ y tế, nhất là những người học chuyên ngành hiếm. Ông Văn Công Minh kiến nghị: "Tỉnh Vĩnh Long chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ người đi học theo địa chỉ sử dụng (ĐCSD), do nguồn kinh phí hạn hẹp nên người học phải tự túc. Tôi nghĩ BCĐ TNB có thể đề xuất với Chính phủ cần có cơ chế chính sách cho các tỉnh trong vùng để có thể đẩy nhanh tốc độ nguồn nhân lực y tế, nhất là các chuyên khoa hiếm (lao, tâm thần...)". Ông Võ Anh Hổ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: "Trung ương có thể tập trung đầu tư nguồn lực cho Trường ĐHYD Cần Thơ, tăng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy để "đủ sức" đào tạo nhân lực y tế toàn vùng. Mặt khác, cần có chế độ đãi ngộ những sinh viên ưu tú sau khi ra trường".

Tuy nhiên, một điểm nghẽn khác mà các tỉnh vướng phải là tuyển người đã khó, giữ chân cán bộ công tác lâu dài tại đơn vị càng khó hơn. Ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, nói: "3 năm qua, dù trường có đăng ký chỉ tiêu và đưa người đi đào tạo ĐCSD nhưng không có bác sĩ về Hậu Giang. Nếu có về thì chỉ một thời gian, khó thể giữ chân cán bộ do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn khó khăn, thiếu thốn". Theo quy định ở tỉnh Bạc Liêu, tiến sĩ về địa phương công tác sẽ được "thưởng nóng" 500 triệu đồng và hỗ trợ nhà công vụ; sinh viên học bác sĩ đa khoa đạt loại giỏi sẽ được hỗ trợ 100% học phí. Thế nhưng, mỗi năm, tỉnh có 50-60 sinh viên chính quy ra trường nhưng không ai "về quê" công tác bởi các bệnh viện thành phố (Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh) đã thu hút hết cán bộ giỏi. Để giải quyết tình trạng này, đại diện các tỉnh đề xuất nên tăng chỉ tiêu đào tạo ĐCSD, đào tạo liên thông. Bởi vì phần lớn cán bộ đi học là những cán bộ y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vừa khuyến khích, vừa giữ chân người làm việc. Song song đó, phải tạo môi trường làm việc thuận lợi cũng như chính sách thu hút nguồn nhân lực của địa phương thật hấp dẫn mới có thể tuyển và giữ chân cán bộ y tế phục vụ lâu dài. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài nỗ lực từng địa phương, cần sự vào cuộc của Trung ương với chính sách ưu đãi cán bộ y tế. Tất nhiên, kèm theo là chế tài ràng buộc đối với cán bộ sau khi học phải về phục vụ địa phương.

Vẫn còn nhiều quan ngại về chuyện thiếu và khó tuyển nguồn nhân lực y tế vùng nhưng rõ ràng với những đề xuất của cán bộ quản lý, đội ngũ y, bác sĩ từ cơ sở là điều các bộ, ngành Trung ương phải "ngồi lại" để có những giải pháp vực dậy nguồn nhân lực y tế vùng châu thổ ĐBSCL.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết