18/09/2016 - 15:53

“Chuyện nhà, đóng cửa bảo nhau!”

Gần đây, để tạo chỗ đứng ban đầu, nhiều nghệ sĩ mới nổi đã không ngại mang cả "lý lịch gia đình" với những "góc khuất", "chuyện chưa kể" để thu hút dư luận. Họ kể đầy kịch tính kèm theo khóc nức nở, nhưng khán giả khó thông cảm mà chỉ thấy thật phản cảm, bởi khi không lại "vạch áo cho người xem lưng"!

6 thí sinh tham gia chương trình "Sao nối ngôi". Ảnh: SGGP.org.vn

Chương trình "Sao nối ngôi" do Đài Truyền hình Vĩnh Long và JetStudio phối hợp sản xuất đã kết thúc nhưng dư luận và cả các thí sinh vẫn chưa hết bàn tán về chuyện đời tư nghệ sĩ. Người tham gia "Sao nối ngôi" là những nghệ sĩ nối nghiệp nghệ thuật của cha mẹ nên đều có bối cảnh gia đình cũng là người của công chúng. Cũng vì vậy mà đời tư càng được khai thác sâu. L.L- một nữ nghệ sĩ hài trẻ, có cha mẹ và anh trai đều là diễn viên hài, hầu như tập nào cũng kể chuyện cha mẹ ly hôn, khóc nức nở kể về kỷ niệm xưa và rồi mong muốn cha mẹ cùng diễn, chụp ảnh với mình trên sân khấu. Giọt nước mắt của L. lúc đầu còn khiến người xem xúc động nhưng khóc mãi thành… hết chịu nổi! Cha và mẹ L. đều đã có gia đình riêng. Khán giả thông cảm với sự thiếu vắng tình thân của L. nhưng liệu có cần bán rao những chuyện riêng tư tế nhị đó một cách "hào phóng" trên sóng truyền hình? Vợ hoặc chồng (sau) của cha mẹ L. sẽ nghĩ gì khi mà L. khiến khán giả có cảm giác như họ đã cướp mất cuộc đời của cô?

Cũng trong "Sao nối ngôi", thí sinh T. nức nở kể chuyện cha và anh trai chết, mẹ vào chùa; mẹ của thí sinh L.T sướt mướt kể chuyện bà đã ly hôn, có chồng khác, chuyện con trai bỏ nhà đi… Nhìn lại một số chương trình thực tế gần đây, chuyện thí sinh kể chuyện đời tư kiểu "không đánh mà khai" ngày càng phổ biến. Họ cố gắng bi kịch hóa đời mình để lấy sự thương cảm của khán giả- và tất nhiên đằng sau đó là tăng tỷ lệ người xem cho chương trình.

Có một số trang báo mạng và chương trình truyền hình thực tế xem đời tư nghệ sĩ như miếng mồi để câu khách. Nhưng để truyền thông làm được điều đó, các nghệ sĩ, nhất là người trẻ mới vào nghề, đã tình nguyện bán đời tư cho công chúng mà không cần biết hậu quả. Mỗi câu chuyện họ phanh phui trên truyền thông, biết đâu khiến vết thương lòng của người có liên quan lại tái phát, hoặc gây nên những sóng gió cho cuộc sống hiện tại. Kiểu tạo bi kịch, khơi gợi lòng thương hại của công chúng này phải chăng đang góp phần làm tha hóa các nghệ sĩ trẻ, tạo cho họ nhận thức sai lệch rằng mức độ nổi tiếng tỷ lệ thuận với những chuyện giật gân.

"Em ước được chụp tấm hình chung với cha mẹ"- ước mơ ấy đáng trân trọng và đáng suy nghĩ. Nhưng lẽ ra, nghệ sĩ trẻ L. nên giãi bày ở nhà để người lớn hiểu chứ không phải lu loa, nức nở trước ống kính, bởi ông bà xưa vẫn thường dạy: "Chuyện nhà, đóng cửa bảo nhau"!

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết