11/07/2020 - 06:24

“Cánh đồng chó ngáp” chuyển mình 

“Cánh đồng chó ngáp” là vùng đất rộng lớn bao gồm các xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long của tỉnh Bạc Liêu, giáp với xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau và xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang. Ở địa phận Kiên Giang, nơi giáp với các tỉnh bạn ngày nay là ấp Thị Mỹ, xã Vĩnh Phong.

Nông dân xã Vĩnh Phong thả nuôi vụ tôm mới.

Nhắc đến “cánh đồng chó ngáp”, nhiều người mường tượng ngay đến một chốn xa xôi, hẻo lánh, heo hút. Ở đó chỉ có đồng trống hoang vu, mùa mưa thì cỏ dại mọc lút đầu người, tháng nắng đồng khô, cỏ cháy. Vùng đất này trước kia đa số nghèo khổ, sống dựa vào nghề cắm câu, giăng lưới, đến mùa mưa thì mọi người quay sang “hành nghề” giữ trâu mướn. “Điển tích thì tôi không rõ lắm, nhưng nghe mấy ông già xưa kể, từ huyện Hồng Dân, Phước Long chạy dài qua ấp Cạnh Đến 3 (nay chia tách thành ấp Thị Mỹ) tới huyện Thới Bình toàn là cánh đồng năn, đất nhiễm phèn. Chó muốn từ bên nhà hộ này chạy qua bên nhà hộ khác mệt nhọc và thở hổn hển. Có lẽ, tên gọi “cánh đồng chó ngáp” xuất phát từ đây, dần về sau gọi riết nên chết danh”, ông Phan Văn Nam, 60 tuổi, ngụ tổ 2, ấp Thị Mỹ, cho biết thêm.

“Cánh đồng chó ngáp” thật sự chuyển mình từ khoảng hơn chục năm nay khi mà Nhà nước, chính quyền địa phương đầu tư nạo vét sông, kênh rạch, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thủy sản. Người dân thuận lợi trong tưới tiêu, chủ động dẫn nước ngọt, nước lợ vào đồng ruộng nuôi tôm, xen cua và trồng 1 vụ lúa. Theo ông Nguyễn Hoàng Lựu, 63 tuổi, ngụ ấp Thị Mỹ, từ khi các con kênh Dân Quân, kênh xáng Phó Sinh - Cạnh Đền, kênh Bạch Ngưu, thuộc khu vực giáp ranh 3 tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau… được khơi thông, đời sống nhân dân phát triển rõ rệt. Đó là những vuông tôm, cánh đồng lúa bạt ngàn cho năng suất rất cao. Vào mùa thu hoạch, tôm được tính bằng đơn vị tấn. 

Ông Lựu cho biết, bên cạnh chủ trương đầu tư của Nhà nước thì nghị lực và sự cần cù, ham học hỏi, cầu tiến của người dân trên “cánh đồng chó ngáp” đã làm thay đổi “vận mệnh” của người dân nơi đây. Dẫn chứng cụ thể trường hợp gia đình mình, ông Lựu kể, năm 1991, ông đưa vợ con về ấp Thị Mỹ lập nghiệp và được cấp gần 20 công đất canh tác. 6 năm liên tiếp cật lực sau đó đều “trúng đậm” tôm, cua. Có tiền, ông mua đất. Đến năm 1997, ông đã có 200 công đất, cũng trong năm này, ông “trúng” trên 500 triệu đồng từ tôm, cua. Năm này, vợ chồng ông cũng quyết định cất căn nhà trị giá 100 cây vàng.

Đi dọc hai bờ sông kênh Phó Sinh - Cạnh Đền và kênh Bạch Ngưu qua địa bàn ấp Thị Mỹ, hàng trăm căn “biệt thự mi ni” mới toanh mọc lên. Nếu trước đây, khu vực giáp ranh 3 tỉnh, thuộc ấp Thị Mỹ phần lớn là những hộ nghèo, chỉ có 10 căn nhà, thì nay, người dân hội tụ về đây sinh sống với 288 hộ, với 1.296 khẩu; hộ dân khá, giàu chiếm hơn 60%, số hộ nghèo chưa tới 10 hộ. Thống kê sơ bộ, toàn ấp Thị Mỹ có khoảng 30 hộ giàu, thu nhập từ vài trăm triệu đồng, tới cả tỉ đồng/năm, rất nhiều hộ có mức thu nhập 400-600 triệu đồng/năm. Cụ thể ở ấp Thị Mỹ giờ đã có hàng loạt tỉ phú là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, huyện, kể cả cấp Trung ương từ các mô hình nuôi tôm, cua, ba ba, cá sấu, rắn… như ông Phan Văn Nam, Nguyễn Hoàng Lựu, Nguyễn Văn Gìn, Hồ Văn Sang, Võ Văn Hòa…

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết