Khu vực cầu cạn (cầu Xuân Tô, thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên) còn có tên gọi khác là “Biển đồng”, “Hà Tiên 2”. Đơn giản thôi, vào mùa nước cạn, dưới chân cầu là ruộng lúa bạt ngàn, kéo dài tít tắp. Nước nổi tràn về, khu vực ấy trở thành đồng nước mênh mông, trĩu nặng phù sa và thủy sản. Chẳng phải điểm du lịch, cầu cạn vẫn được nhắc đến, quyến luyến lòng người bằng sự bình yên rất riêng của mình.
Sáng sớm, cầu cạn tấp nập người và xe. Ai nấy vội vã di chuyển qua lại cửa khẩu quốc tế, mở đầu một ngày mua, bán quen thuộc. Hầu như xe nào cũng máng 2 giỏ xách to đùng phía sau, chất lỉnh kỉnh hàng hóa, nông sản.
Bình minh ló dạng, sáng rực một góc biên giới. Ánh nắng gắt, rực rỡ dần sau mấy ngọn núi, soi bóng vào cánh đồng nước. Cảnh sắc tuyệt đẹp, nhưng ít người chú ý đến, bởi công việc mưu sinh quấn lấy họ mải miết. Vả lại, ngày ngày họ qua lại cây cầu biết bao nhiêu lần, cảnh đẹp quen mắt người, in sâu vào trí nhớ, nhắm mắt lại cũng có thể hình dung ra.
Sau “giờ cao điểm”, người qua lại vẫn nhiều, không tập trung như trước. Khu vực cầu cạn trở nên yên ắng. Hai chiếc cầu bê-tông nằm song song nhau, nổi bật giữa trời xanh và mây núi. Phía dưới, dòng nước đục ngầu, lặng lẽ chảy từ bên kia biên giới Campuchia về, mang theo lộc của trời và mang đến thú vui bất tận cho con người: câu cá. Hầu như lúc nào trên cầu cũng có vài người đàn ông đứng tựa vào thành cầu, chờ đợi cảm giác cá cắn câu.
Nắng gay gắt ban trưa chiếu thẳng xuống không làm ông Nguyễn Văn Nam (40 tuổi, ngụ thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên) cảm thấy khó chịu, bứt rứt. Ông đang chăm chú nhìn động tĩnh trên mặt nước. Cả tuần nay, kể từ lúc bầy cá lăng ở Campuchia đổ về khu vực này, ông bỏ hết công việc mua, bán, gọi điện thoại rủ bạn bè cùng xách “đồ nghề” ra đây.
Từ 8 giờ sáng đến 2-3 giờ chiều, mỗi người câu được vài kg cá, có khi chẳng bõ công, nhưng lại thỏa đam mê. “Chiến lợi phẩm” câu được, họ đem ra chợ bán tươi, làm mồi nhậu, hoặc giữ lại làm khô.
Một góc cầu Xuân Tô
“Cá lăng chỉ thích ăn mồi thuốc, gồm: cá linh ủ, bông gòn, thuốc, mỡ bò... trộn lẫn với nhau thành chất sền sệt. Loại mồi này mua ở chợ giá 70.000 đồng/kg, câu mấy ngày mới hết. Tới khi nước giựt, cá dạt về kênh Vĩnh Tế, tôi chuyển qua đó câu tiếp.
Thật ra, có ăn, uống gì đâu, chủ yếu tôi đi câu cho vui, thấy cá cắn câu là sướng rơn hà! Còn mấy chiếc xuồng ngoài kia mới thật sự giăng lưới bắt cá để sinh sống mùa nước nổi. Họ bắt được nhiều lắm, lúc nào cũng thấy cặm cụi quăng lưới, gỡ lưới”- ông Nam chia sẻ, nhìn mấy con cá to bằng 2 ngón tay quẫy đuôi trong xô nước.
Không phải là dân địa phương, nhưng đối với ông Nam, cầu cạn đẹp lắm, nhất là vào sáng sớm của những ngày nước nổi tràn đồng, mà ông chẳng biết cách diễn đạt. Chỉ biết, khung cảnh thiên nhiên và bầy cá lăng đủ sức níu chân nhóm “bạn câu” bám trụ ở cầu cạn này ngày ngày!
Mưu sinh trên “Biển đồng”
Giữa trưa, nắng hanh hao phủ xuống đầu người. Mọi người trốn nắng trong mấy quán nước tạm bợ ở 2 bên đầu cầu, ăn vội miếng cơm, nghỉ ngơi hoặc trò chuyện rổn rảng cho buổi chiều mau tới.
Trong bóng mát của cây dù và chiếc xe đẩy tự chế, đứa con nhỏ của chị Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi) nằm võng ngủ ngon lành, mặc kệ nắng gió lẫn tiếng ồn xung quanh, nào hiểu được giọt mồ hôi mặn chát của người lớn.
Tính ra, chị Hạnh gắn bó với cái quán cóc này 20 năm nay, từ thời còn nhỏ, đến lúc lập gia đình. Chồng chị chở hàng thuê cho khách, đi nhiều hơn ở nhà. Có con nhỏ hết đứa này đến đứa khác, chẳng ai chăm nom, chị vừa giữ con, vừa nhặt nhạnh ít đồng bạc lẻ bằng việc bán nước giải khát ở cầu cạn. Mấy đứa con của chị lớn lên bằng nhịp võng và ngọn gió của khu vực này.
“Thi thoảng có khách vãng lai đến đây chơi, ngắm cảnh, chụp hình. Phần lớn, khách của tôi là người dân mua, bán qua lại biên giới. Tuy bán không được nhiều, nhưng có còn hơn không. Bỏ quán này, biết làm gì bây giờ?” - chị Hạnh trăn trở.
Mặt trời dần ngả về tây, câu chuyện giữa tôi và những người dân ở khu vực cầu cạn dần trầm lắng hơn. Nhìn chiếc xe bán “gà bó xôi”, bà Trần Thị Na (50 tuổi) tâm sự: “Tôi theo chồng về xứ này mấy chục năm. Hồi xưa, cầu chỉ là cầu ván xập xệ. Mỗi lần tới mùa nước, người dân ở đây và ở chỗ khác xúm nhau ra đây tắm, tụ tập vui chơi, y chang như đi tắm biển Hà Tiên. Mấy năm trước, làm ăn khó khăn, tôi theo chồng đi Bình Dương làm hồ. Tuổi tới hàng năm rồi, sao mà đủ sức làm việc nặng mỗi ngày? Vợ, chồng tôi ráng làm một thời gian, chẳng dư giả gì, còn mang thêm bệnh. Thấy vậy, cả 2 trở về quê sống. Chiếc xe này tôi mới mua lại tuần trước, giá 5 triệu đồng, là toàn bộ tiền tích cóp được lúc đi làm xa. Có xe, tôi mừng lắm, chọn bán món “gà bó xôi”.
Lạ miệng, cũng có thể ăn no, nên khách mua nhiều. Mỗi ngày, tôi bán được hơn 100.000 đồng, coi như thêm chút tiền chợ. Lúc quay về đây, thấy cầu, đường xây dựng đẹp quá, bạn hàng qua lại đông, tôi mong mình làm ăn được ở quê nhà, không muốn bôn ba xứ người nữa”.
Hoàng hôn, mọi người vội vã trở về mái ấm của mình. Cầu cạn yên tĩnh chìm vào bóng tối. Để rồi ngày mới sẽ lại đến, mang theo bao nhiêu ước mơ, hy vọng cho con người. Và cầu cạn sẽ là một điểm nhấn đặc biệt ở thị trấn biên giới này, là điểm tựa để người ta khắc khoải muốn tìm về.
Theo Báo An Giang