12/12/2022 - 08:12

Viện Lúa ÐBSCL

Ðẩy mạnh nghiên cứu, thương mại hóa các giống lúa chất lượng cao, đặc sản 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Từ khi thành lập vào năm 1977 đến nay, Viện Lúa ÐBSCL đã phóng thích 180 giống lúa, nghiên cứu chuyển giao 25 kỹ thuật canh tác về lúa và cây trồng trên nền đất lúa, ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp và sản xuất lúa vùng ÐBSCL. Không ngừng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, Viện Lúa đang chuyển hướng từ các giống lúa cao sản, ngắn ngày sang các giống lúa thơm, đặc sản…

Hiện diện tích gieo trồng của giống OM18 ở ÐBSCL trên 500.000 ha/năm​.

Ưu thế từ các giống lúa chất lượng cao

Với những ưu thế riêng có trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa, Viện Lúa ÐBSCL đã đóng góp đáng kể làm thay đổi cơ cấu giống lúa của vùng ÐBSCL. Trong đó có các giống lúa chủ lực ở vùng ÐBSCL như OM5451, OM18, OM4900... Diện tích gieo trồng của giống lúa OM5451 ở những năm 2018-2019 đạt trên 1 triệu héc-ta/năm. Với thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày, OM5451 có năng suất từ 6-9 tấn/ha, hạt gạo đẹp, mềm, dẻo và ngon. OM5451 phản ứng với đạo ôn (cấp 4), rầy nâu (cấp 3) trong điều kiện thanh lọc nhân tạo, canh tác được các vụ trong năm, thích nghi vùng sinh thái phèn ở ÐBSCL.

Hiện nay diện tích giống OM5451 giảm xuống còn khoảng 500.000-600.000ha/năm. Trong khi giống lúa OM18 là giống lúa mới được đưa vào sản xuất từ năm 2019 nhưng diện tích tăng rất nhanh. Hiện diện tích gieo trồng của giống OM18 ở ÐBSCL trên 500.000ha/năm. Giống lúa này có năng suất 5-8 tấn/ha, hạt gạo đẹp, thon dài, cơm mềm ngọt và thơm nhẹ, phản ứng với đạo ôn (cấp 2), rầy nâu (cấp 5) trong điều kiện thanh lọc nhân tạo, chịu mặn ở nồng độ từ 2-3%0 trong điều kiện ngoài đồng. OM18 canh tác được các vụ trong năm, thích nghi vùng ÐBSCL và vùng nhiễm mặn.

Hai giống lúa OM5451 và OM18 cùng là các giống chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh các giống lúa chủ lực có chất lượng cao phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu, Viện Lúa cũng tiếp tục nghiên cứu chọn tạo và giới thiệu nhiều giống lúa triển vọng nhằm đáp ứng các phân khúc của thị trường gạo nhóm giống lúa thơm chất lượng cao cấp, nhóm giống lúa chất lượng cao, nhóm giống lúa cao sản, nhóm giống lúa nếp, Japonica và những giống lúa giàu vi chất dinh dưỡng.

Người tiêu dùng trong nước lẫn khách hàng nước ngoài đều dành sự quan tâm nhiều hơn đến các loại gạo ngon, chất lượng cao. Nắm bắt xu thế này, Viện Lúa đang thực hiện thương mại hóa sản phẩm gạo OM được xay xát từ giống lúa OM8. Ðây là giống lúa từ tổ hợp lai của các giống lúa: OM18, Bát Tiên, IR64, Jasmine85, OM5451 với thời gian sinh trưởng 95-100 ngày, tiềm năng năng suất 6-8 tấn/ha. Chiều dài hạt gạo 8,1mm, hạt gạo đẹp, thon dài, cơm dẻo và thơm nhẹ. Giống có khả năng phản ứng với đạo ôn (cấp 7), với rầy nâu (cấp 5) trong điều kiện thanh lọc nhân tạo, chống chịu mặn khá. Giống lúa này canh tác được các vụ trong năm, thích nghi vùng sinh thái phèn, mặn ở ÐBSCL. Giống OM8 đã đạt giải 3 cuộc thi gạo ngon Việt Nam năm 2020.

Chuyển từ "lượng" sang "chất"

ÐBSCL là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, đây là vùng có lợi thế nhất trong sản xuất lúa ở nước ta, đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu. Sản xuất lúa ở ÐBSCL hướng đến thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa ở phân khúc gạo chất lượng cao. Hằng năm có hàng chục giống mới triển vọng được đưa vào sản xuất thử nghiệm ở các địa phương trong vùng. Các giống lúa của Viện với tên gọi OM đã và đang chiếm ưu thế với diện tích trên 65% ở ÐBSCL và phát triển mạnh ra các vùng khác trong nước, cũng như được đánh giá rất cao ở Campuchia, Lào, các nước Nam Á và châu Phi.

Thị trường lúa gạo đang có xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ từ "lượng" sang "chất". Tiến sĩ Ðoàn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Tiến bộ Khoa học kỹ thuật Viện Lúa ÐBSCL, chia sẻ: Trung tâm đang khai thác, phát triển dòng sản phẩm gạo ngon chất lượng cao mang thương hiệu gạo OM từ giống lúa OM8 và phát triển tại thị trường nội địa theo hình thức túi hút chân không từ 2-5kg. Với sản phẩm gạo OM, Viện hợp tác với nông dân ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau ở các ruộng lúa tôm và canh tác theo mô hình sinh thái để đảm bảo chất lượng gạo. Ðược thị trường đón nhận tích cực, trung bình mỗi năm sản lượng gạo OM cung ứng ra thị trường khoảng 30 tấn với giá bán 30.000 đồng/kg. Sau bước thăm dò thị trường và thu nhận những tín hiệu tích cực, Trung tâm sẽ tiếp tục liên kết mở rộng quy mô sản xuất theo điều kiện thực tế.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL, với những thành tựu đạt được và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, tiềm năng về nhân lực, Ban lãnh đạo Viện Lúa định hướng tiếp tục tập trung nghiên cứu giống lúa gắn với thị trường, nâng cao chất lượng gạo phù hợp với thị trường tiêu thụ, đồng thời chọn tạo bộ giống thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Quan tâm cải tiến, nâng cấp những giống lúa cũ phổ biến, khả năng thích nghi rộng. Ðồng thời, Viện phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các doanh nghiệp chuyên chế biến xuất khẩu gạo để chọn tạo giống mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, phù hợp với thị trường xuất khẩu được cả DN và nông dân canh tác đều đón nhận, đưa vào sản xuất. Thay vì sản xuất nhiều bộ giống, Viện hướng đến cho ra đời bộ giống lúa mới đáp ứng theo từng phân khúc gạo trên thị trường; đồng thời phục tráng lại một số giống lúa đặc sản địa phương đáp ứng theo yêu cầu xây dựng vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với chuyển giao các quy trình canh tác bền vững, thân thiện môi trường.

Chia sẻ bài viết