03/03/2023 - 19:28

Ðảm bảo chất lượng tôm nước lợ, giữ vững kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỉ USD trong năm 2023 

(CT) - Ngày 3-3-2023, tại Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Ðức Tiến chủ trì hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023. Ðại diện 28 tỉnh, thành ven biển và nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thuỷ sản tham dự.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở tỉnh Sóc Trăng.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2022 mặc dù diện tích nuôi tôm không tăng nhưng sản lượng thu hoạch tăng 8,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 11,2% so với năm 2021. Ðây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay, qua đó diện tích tôm nước lợ thả nuôi đạt 747.000ha (bằng 100% so với năm 2021), trong đó diện tích nuôi tôm sú 610.000ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 117.306ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác… Trong năm, sản lượng tôm nuôi các loại đạt 1.080,6 triệu tấn (tăng 8,5% so với năm 2021), trong đó sản lượng tôm sú đạt 271.400 tấn, tăng 1,9% so với năm 2021; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 743.500 tấn, tăng 11,6% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỉ USD (tăng 11,2%). Các tỉnh ven biển vùng ÐBSCL là địa phương được đánh giá có sản lượng tôm thu hoạch và xuất khẩu cao nhất cả nước… Năm 2023, các địa phương vùng ven biển có kế hoạch thả nuôi tôm với diện tích trên 750.000ha, trong đó tôm sú 610.000ha, tôm thẻ 120.000ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác; sản lượng thu hoạch ước 1.080.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 750.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỉ USD.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cần tăng cường kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm, nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu; chủ động đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp và kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch nuôi trồng phù hợp; tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên tôm nước lợ để có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại cho người nuôi; tổ chức xây dựng, phát triển vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi nhân rộng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nuôi tôm, mô hình nuôi giảm giá thành, mô hình nuôi theo chứng nhận chất lượng sản phẩm…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Ðức tiến ghi nhận đề nghị trên, đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp các địa phương ven biển triển khai thực hiện một số đề án, chương trình đã phê duyệt, như chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2030; kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam và đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ÐBSCL… Ðặc biệt, các địa phương, doanh nghiệp, người dân nuôi trồng thủy sản cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; đơn vị chuyên môn tiếp tục làm tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi và thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết có chứng nhận chất lượng, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam…

H.VĂN

Chia sẻ bài viết