18/02/2018 - 16:03

Sẵn sàng đón “sóng” đầu tư 

Nam Hương

“Chúng ta đang có lợi thế là chính quyền thân thiện, môi trường kinh doanh đang thay đổi tích cực và rất ổn định. TP Cần Thơ sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác tại thị trường nước ngoài, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đến Cần Thơ tìm cơ hội hợp tác, đầu tư”- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam thông tin. Với những cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, Cần Thơ sẽ là mảnh đất lành cho nhà đầu tư...

* Vững nội lực

Trong lần đến Cần Thơ tìm hiểu đầu tư hồi cuối năm 2017, ông Hwang Eun Sik, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc đã khẳng định: “Cần Thơ là thị trường tốt, nhiều tiềm năng để các đối tác Hàn Quốc hợp tác đầu tư. Từ những nỗ lực xúc tiến của hai bên ngày càng có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến làm ăn tại đây, hàng hóa của TP Cần Thơ ngày càng nhiều ở Hàn Quốc”. Và thực tế, Cần Thơ và ĐBSCL đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc. Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc - KVIP (hoạt động tháng 12-2015) là dự án ODA minh chứng cho điều đó. KVIP hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nghiên cứu phát triển các ý tưởng thành sản phẩm, với hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời “hút” doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp nước ngoài khác đến với KVIP.

Chuyến tàu container thương mại đầu tiên cặp Cảng Tân Cảng-Cái Cui trong dịp khai trương luồng Quan Chánh Bố phục vụ cho tàu biển tải trọng lớn ra vào các cảng trên sông Hậu.Chuyến tàu container thương mại đầu tiên cặp Cảng Tân Cảng-Cái Cui trong dịp khai trương luồng Quan Chánh Bố phục vụ cho tàu biển tải trọng lớn ra vào các cảng trên sông Hậu.

Hằng năm, Cần Thơ đóng góp cho vùng ĐBSCL khoảng 12-12,5% GRDP. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao; giảm tỷ trọng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên và thâm dụng lao động. Năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 55.860 tỉ đồng, tăng 24,5% so năm 2016; thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt trên 3.000USD/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo 69%; thành phố thu hút 22 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký ước thực hiện 5.750 tỉ đồng (trong đó 4 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 184 tỉ đồng); thực hiện đăng ký kinh doanh cho 1.468 DN các loại hình, tổng vốn đăng ký 5.600 tỉ đồng… Những con số trên đã phần nào khái quát nội lực và tiềm lực phát triển của Tây Đô- trung tâm ĐBSCL.

“Bền vững” là từ khóa thực hiện các mục tiêu phát triển năm qua của thành phố và cũng cụ thể Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch hành động của Cần Thơ về phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020. Sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, phát triển bền vững hạ tầng đô thị, giảm nghèo và tạo việc làm bền vững, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển bền vững… Năm qua, các mục tiêu về phát triển bền vững được lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và bước đầu giải quyết được những vấn đề đang đặt ra trong ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, chất lượng tăng trưởng kinh tế được nâng lên.

Điểm lại những thành tựu và hạn chế năm qua, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho rằng: “Môi trường kinh doanh đang thay đổi tích cực, cái thiếu của chúng ta là chưa có điều kiện thực hiện những chính sách hấp dẫn. Để đẩy mạnh cơ hội thu hút đầu tư, TP Cần Thơ cần có những chính sách đặc thù riêng cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn”. Sau 14 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ luôn trong tốp đầu khu vực ĐBSCL và có năm cao hơn mức bình quân cả nước. Các khu đô thị mới đã hình thành, nhiều tuyến đường nâng cấp và mở rộng. Các công trình hạ tầng lớn như sân bay, bến cảng được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo diện mạo đô thị mới cho thành phố Cần Thơ.

* Thoát khỏi lối mòn

Năm qua là năm thắng lớn của Cần Thơ trên nhiều phương diện, nhiều cuộc hội nghị quốc tế và quốc gia được tổ chức tại thành phố, sự kết nối đầu tư, mở rộng giao thương cũng thúc đẩy lên tầm cao mới. Cùng đó, việc cải thiện điểm số các chỉ số thành phần PCI gắn liền với mục tiêu xây dựng chính quyền năng động, nâng chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp gia nhập thị trường… được cả hệ thống chính trị dốc sức thực hiện. Để khắc phục những cái thiếu trong thu hút đầu tư, tạo mảnh đất lành cho doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp dẫn đoàn tham gia xúc tiến đến các thị trường trọng điểm.

Trực tiếp đưa đoàn xúc tiến sang thị trường Úc, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam nhớ lại: “Úc là nhà đầu tư tiềm năng. Ngoài khảo sát, lập kế hoạch để mở rộng thị trường tại Úc, đoàn còn tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng đến từ đây, trong đó ngành hàng lúa gạo là một ưu tiên. Cũng trong năm qua, đối tác là Tập đoàn SunRice- một trong những tập đoàn lớn nhất trên thế giới tiêu thụ gạo Japonica có thương hiệu tại hơn 60 quốc gia trên thế giới đã đến TP Cần Thơ tìm hiểu về tiềm năng hợp tác”. Sự chủ động của chính quyền địa phương đang làm thay đổi tích cực hình ảnh về Cần Thơ trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chính quyền năng động, các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố cũng chuyển động nhanh trong việc cắt giảm thủ tục, cải cách hành chính để tạo những điểm cộng với nhà đầu tư và doanh nghiệp. “Hiện 100% doanh nghiệp do Hải quan TP Cần Thơ quản lý đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Năm qua, Hải quan Cần Thơ đã xây dựng danh mục cải thiện hóa hải quan trọng tâm với 21 hoạt động chính và 45 hoạt động chi tiết. Đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý hải quan. Xây dựng và thực hiện quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp, nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Việc cục chính thức triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến từ 1-3-2017 cũng được doanh nghiệp đánh giá cao. Đó là sự thay đổi từ tư duy quản lý Nhà nước chuyển sang tư duy cung cấp dịch vụ công”- ông Võ Ngọc Tám, Cục trưởng Cục Hải quan TP Cần Thơ, thông tin vui.

Mặc dù sự chuyển động này vẫn chưa đáp ứng hết mong đợi của doanh nghiệp, lãnh đạo đã đổi mới tư duy để thoát khỏi lối mòn và hướng đến mục tiêu xa hơn. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Hội chợ triển lãm TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố đã thành lập Tổ công tác Nhật Bản – Japan Desk. Tổ có vai trò kết nối với các hiệp hội, các tổ chức để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và quảng bá hình ảnh của Cần Thơ đến doanh nghiệp Nhật Bản. Hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Cần Thơ. Đây là bước tiến dài trong quá trình xúc tiến đầu tư của thành phố”. Hiện Cần Thơ đã dành 42,9ha đất xây dựng Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản (nằm trong Khu công nghiệp Hưng Phú I – cụm A). Đây là khu công nghiệp công nghệ cao và hiện đại với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn khu công nghiệp xanh.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, nhà đầu tư Nhật Bản tìm hiểu rất kỹ thông tin, quyết định đầu tư rất chậm và cần thời gian dài. Thậm chí có nhà đầu tư mất đến 7 năm mới đi đến quyết định đầu tư. Trong chuyến khảo sát khu công nghiệp tại Cần Thơ, ông Abe Masayuki, Giám đốc Công ty Vaio (chuyên về hợp tác xúc tiến đầu tư nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản), khẳng định sẽ hỗ trợ TP Cần Thơ kết nối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo, gia công cơ khí chính xác… Cần Thơ sẵn sàng đón “sóng” đầu tư với nhiều yếu tố kỹ thuật và công nghệ cao hơn.

“Năm 2016-2017, VCCI Cần Thơ đón trên 20 đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, giáo dục, y tế, du lịch… tại ĐBSCL. Hiện có 2 nhà hàng do Nhật Bản đầu tư tại TP Cần Thơ, 10 công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông đã ký kết hợp tác cùng VCCI Cần Thơ xây dựng Trung tâm công nghệ. Dự kiến trong năm 2018 sẽ ra mắt Trung tâm Đổi mới công nghệ Nhật Bản tại Cần Thơ; doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư xây dựng trường dạy tiếng Nhật và cấp học phổ thông tại TP Cần Thơ. Các công ty Nhật Bản cũng sẽ có nhiều chương trình du lịch nối ĐBSCL với Nhật Bản… Đây là dấu mốc quan trọng để thúc đẩy phát triển thương mại đầu tư giữa TP Cần Thơ với Nhật Bản”- ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ cho hay.

Chia sẻ bài viết