02/01/2008 - 09:56

Xóm lò Hòn Đất

Có những sản phẩm quê hương gắn liền với những địa danh sinh ra nó. Những cái nồi đất của xóm lò ở ấp Đầu Voi, thị trấn Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang chẳng hạn. Đó là một xóm nhỏ có thời người ta phải tha phương cầu thực. Những người ở lại xoay đủ thứ nghề để kiếm sống. Lò đất đã cứu sống bao gia đình, và Hòn Đất lại nổi tiếng khắp vùng với nghề nặn lò đất...

“ÔNG TRÙM” XÓM LÒ

Theo người dân ở xóm lò thì ông Lê Văn Kiếm là một trong những người có thâm niên trong nghề và là chủ một cơ sở sản xuất lò đất tương đối lớn. Trong khi nhiều người trong xóm chỉ coi nghề nặn lò đất là công việc phụ để kiếm sống như bao nhiêu việc khác. Có người còn mặc cảm nói nghề này làm để bán kiếm mấy ngàn một cái lò đáng giá là bao! Nhưng với ông Kiếm thì khác, người ta bảo ông sống chết với nghề, nghe ông tâm sự thì quả là lời nhận xét ấy thật chí lý! Nghề nặn lò gắn bó với ông, với cả gia đình ông. Anh Lê Văn Ngoan, con trai của ông Kiếm, tiết lộ rằng: “Gia đình tôi cha truyền con nối theo nghề được 3 đời rồi. Bây giờ thì cả gia đình 5 người đều có thể hành nghề nặn lò được”.

Cơ sở sản xuất lò đất của ông Lê Văn Kiếm.

Ông Kiếm đã có 20 năm lặn lội kiếm sống bằng nghề nặn lò. Ông là tay nặn lò chủ lực hàng ngày để cả nhà có hàng bán. Năm nay ông Kiếm đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông vẫn tự nhào đất để nặn lò. Ông Kiếm bảo: “Làm để không quên nghề. Hai mươi năm ở xóm lò nuôi mấy đứa con trưởng thành, giờ mãn nguyện lắm rồi. Tôi truyền nghề cho con cháu, bà con trong xóm với mong muốn nghề này không bị mai một theo năm tháng”. Ông Kiếm lo sợ bị thất truyền nghề nặn lò cũng phải, bởi đây là cái nghề mà gia đình ông và những người dân trong xóm tâm huyết theo đuổi bao đời nay.

Theo ông Kiếm, nặn lò ai cũng làm được, nhưng dễ mà khó. Dễ vì nguyên liệu sẵn có tại địa phương, không phải lấy xa; còn nặn sao cho đẹp thì phải đòi hỏi có tính khéo léo, kiên trì... Ngày xưa sản phẩm nặn ra chủ yếu là cà ràng, lò đất, nồi, ơ... Còn bây giờ thì đa dạng hơn về chủng loại cũng như kích cỡ, sản phẩm được làm tinh xảo hơn. Nhưng nặn lò khó ở chỗ xử lý đất sao cho không bị sạn, phải mịn, hai loại đất được trộn đều rồi đạp cho nhuyễn, sau đó phân ra từng khối để nặn. Tuy nhiên, khâu nhào đất sao cho dẻo, đủ độ mịn để nặn, không phải ai cũng làm được. Ông Kiếm nói rằng, đó cũng là bí quyết trong nghề, được truyền qua nhiều đời. Đặc biệt, dân xóm lò luôn tâm niệm lời nguyền: trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được tiết lộ bí quyết nghề nghiệp này cho người lạ (không phải dân trong xóm). Đến công đoạn tạo hoa văn trên sản phẩm hay đánh bóng sao cho đẹp cũng đòi hỏi bàn tay người thợ phải rất khéo léo. Rồi khi nung hay còn gọi là đốt lò, đây là công đoạn cực kỳ quan trọng, phải có nhiều kinh nghiệm mới làm được. Khâu này đòi hỏi phải làm sao cho ra sản phẩm không non hoặc già lửa quá, như thế mới đạt yêu cầu. Những nguyên liệu dùng để đốt lò thường là rơm, củi, trấu. Khi đốt lò phải xếp một lớp củi xen lớp sản phẩm sao cho nhiệt độ đủ để chín. Do vậy, đốt một mẻ lò hiện nay cũng tốn từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng.

Ông Kiếm cho biết thêm, trước đây đốt lò chủ yếu bằng củi, có dạo củi đắt cũng mất mấy trăm ngàn tiền củi là chuyện thường, nhưng đốt củi lửa cháy không đều, sản phẩm “bị sống”, thất bại mất cả tiền lẫn công. Còn đốt trấu cho lửa đều, sản phẩm không bị hỏng nhiều nên thuận lợi hơn cho người đốt lò. Bây giờ đốt lò chủ yếu bằng trấu và đối với ông Kiếm công đoạn này đã trở nên đơn giản. Ông bảo: Tùy từng sản phẩm mà đốt cho lửa đều, sản phẩm nhỏ thì nhẹ lửa, như vậy sản phẩm mới không “chín quá”.

XÓM LÒ TRONG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG

Mặc dù người dân xóm lò đang gặp những khó khăn nhất định trong việc phát triển nghề ở khâu nguyên liệu và thiếu vốn làm ăn... nhưng xóm lò hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Nhiều căn nhà lá đơn sơ của ngày xưa đã được thay bằng những ngôi nhà mới khang trang kiên cố, rực rỡ màu sơn mới.

Toàn ấp có gần 150 hộ thì có trên dưới 140 hộ làm nghề nặn lò, nhiều hộ dân trong xóm đã thoát ly cảnh đói nghèo. Lò đất của xóm này không chỉ bày bán ở ven kinh, mà bây giờ đã có mặt trên khắp kinh, rạch, sông nước đến những tỉnh trong vùng như: Cà Mau, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre... Nghề nặn lò đất giờ được xem là một trong những kế sinh nhai của nhiều người dân ở ấp Đầu Voi, thị trấn Hòn Đất. Theo người dân xóm lò, mỗi cần xé đất nặn ra thành ba, bốn cái nồi, có thể dùng trong sinh hoạt hàng ngày và bán cũng được mấy chục ngàn. Bình quân một nồi đất được bán tại bãi là 4.000 đồng nhưng tới tay người tiêu dùng là 10.000 đồng. Như gia đình ông Kiếm trung bình mỗi năm cũng lời được khoảng 6 triệu đồng (sau khi trừ tất cả chi phí trong đó có tiền thuê nhân công). Mặc dù số tiền lời này không nhiều nhưng nghề nặn lò đất đã tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhờ tiện tặn, chắt chiu cuộc sống gia đình ông Kiếm nay đã khá hơn trước nhiều, các con của ông cũng bám trụ được với nghề.

Nghề nặn lò đất bây giờ được nhiều người biết đến, những nghệ nhân nặn lò đất ở xóm lò trong đó có ông Kiếm là những người giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Những cái nồi đất không thể phai mờ trong sinh hoạt của con người, nó ngày càng được tái hiện một cách sinh động dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân xóm lò. Nhiều nhà báo, nhà làm phim tư liệu phải thán phục bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công. Giờ đây, nhắc đến nồi đất là người ta nhớ đến xóm lò ở ấp Đầu Voi, thị trấn Hòn Đất, xóm có một không hai của bao làng nghề thủ công nổi tiếng khác ở Kiên Giang.

Bài, ảnh: ĐOÀN THẾ HẠNH

Chia sẻ bài viết