16/03/2016 - 22:55

TRƯỜNG THPT CHÂU VĂN LIÊM

Xây dựng mới nhưng giữ nét xưa

"Vì sao xây dựng lại Trường THPT Châu Văn Liêm và xây dựng theo phương án nào?" là những vấn đề "nóng" mà nhiều đại biểu tham dự Hội thảo Dự án Trường THPT Châu Văn Liêm do UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 16-3-2016 quan tâm phân tích, lý giải.

Vì sao xây dựng lại trường?

Trường THPT Châu Văn Liêm được chính quyền Pháp xây dựng từ năm 1917, với tên gọi Collège de Cantho, là một trong hai ngôi trường lớn và có lịch sử lâu đời nhất vùng ĐBSCL. Qua 5 lần đổi tên, từ tháng 11-1985 đến nay, trường mang tên THPT Châu Văn Liêm. Khi nhắc đến Trường THPT Châu Văn Liêm, nhiều người dân đất Tây Đô nói riêng, ĐBSCL nói chung không giấu được niềm tự hào, bởi ngôi trường mang dấu ấn lịch sử và là "chiếc nôi" đào tạo nhân tài cho thành phố. Đã có nhiều thế hệ học trò trưởng thành, giàu lòng yêu nước từ ngôi trường này, như các đồng chí: Châu Văn Liêm, Phạm Văn Bạch, Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Lương Định Của,... Ông Lê Nam Giới, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho rằng: "Ngôi trường này được xem như hồn của người dân đất Tây Đô, đã đào tạo biết bao nhân tài cho thành phố. Không chỉ thế, đây còn là một trong số những công trình còn rất ít tại Việt Nam, với bề dày lịch sử gần 100 năm".

Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo góp ý thực hiện Dự án Trường THPT Châu Văn Liêm. Ảnh: H.V

Chính vì mang dấu ấn lịch sử thiêng liêng ấy, nhiều năm qua, Thành ủy, UBND, các sở, ban, ngành thành phố, Ban Giám hiệu Trường Châu Văn Liêm đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của trường. Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, từ sau năm 1975 đến nay, để đảm bảo yêu cầu hoạt động dạy học, trường được nâng cấp sửa chữa lớn vào các năm 1987, 1991, 1998, 2001. Ngoài nguồn vốn vận động phụ huynh học sinh (PHHS) đóng góp tu sửa hằng năm, ngân sách nhà nước đã đầu tư sửa chữa lớn các dãy nhà (xây dựng trước năm 1975), như: Phần mái ngói, nền gạch, tô trát tường hư mục, sửa chữa hệ thống cửa, gia cố sàn lầu; đồng thời xây mới bổ sung thêm 3 khối (phòng thí nghiệm- hội trường; phòng vi tính; nhà hòa âm). Bà Thắm cho biết thêm: "Về mặt tổng thể, trường đã được nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, xây dựng bổ sung các dãy phòng phục vụ dạy và học nhưng vẫn giữ được khối kiến trúc cũ của trường xưa, lớp cũ- luôn là ấn tượng sâu sắc của nhiều thế hệ học sinh. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trường hiện đã xuống cấp trầm trọng, cần triển khai thực hiện sớm dự án trường nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên".

Thực tế cho thấy, ngoài cơ sở vật chất, phòng ốc bị xuống cấp, nền hạ trường cũng thường xuyên bị ngập do triều cường hoặc mưa lớn. Năm 1987, phía Pháp đã có công văn thông báo một số công trình do Pháp xây dựng, đến nay không còn niên hạn sử dụng; trong đó có Trường THPT Châu Văn Liêm. Năm 2010, Trung tâm Kiểm định và Quy hoạch Xây dựng thuộc Sở Xây dựng TP Cần Thơ thực hiện công tác kiểm định, đánh giá chất lượng còn lại của công trình. Kết quả, công trình đã vượt quá niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn chịu lực, yêu cầu Trường THPT Châu Văn Liêm không sử dụng công trình này làm công tác giảng dạy và khẩn trương di dời học sinh đến địa điểm khác để tránh rủi ro có thể xảy ra. Theo cô Trần Thị Lụa, Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, trường hiện có 42 lớp, với 1.671 học sinh. Nhiều năm qua, trường đã phải rào chắn, không sử dụng dãy phòng ở khu A (phía đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Trương Định) do cơ sở vật chất xuống cấp nặng; chỉ tận dụng các dãy phòng còn lại nhưng quy mô tuyển sinh hằng năm của trường rất hạn chế. Cơ sở vật chất không đảm bảo nên trường nhận các thiết bị giảng dạy mới hằng năm không nhiều. Mặt khác, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2005 và nay chuẩn bị tái công nhận nhưng còn 1 trong 5 tiêu chí chưa đạt là cơ sở vật chất;… Cô Lụa bộc bạch: "Để nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học, chúng tôi rất mong xây dựng lại cơ sở vật chất của trường theo hướng đạt chuẩn quốc gia, nhằm đảm bảo an toàn và giáo dục toàn diện cho học sinh". Ông Trần Phước Thuấn, PHHS của trường, nói thêm: "Tôi có 2 con gái học tại Trường THPT Châu Văn Liêm. Tôi rất mừng và tự hào khi con mình học tại ngôi trường có bề dày truyền thống lịch sử. Tuy nhiên, mỗi lần đưa con vào trường, tôi rất lo lắng vì sự mất an toàn của ngôi trường. Chúng tôi rất mong trường sẽ được xây dựng mới".

Xây dựng theo phương án nào?

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đại diện lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, đại diện các sở, ban ngành thành phố, cựu học sinh, giáo viên, PHHS Trường THPT Châu Văn Liêm đều đồng tình quan điểm: Cần triển khai thực hiện sớm Dự án Trường THPT Châu Văn Liêm, nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng học sinh.

Một góc Trường THPT Châu Văn Liêm. Ảnh: H.V

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng 2, Ban quản lý dự án đủ năng lực để thực hiện dự án xây dựng trường. Qua khảo sát thực tế, Ban quản lý dự án đã thông qua 3 phương án và thêm 1 phương án thứ 4 (xây mới kết hợp cải tạo sửa chữa theo hướng phục dựng lại kiến trúc cũ) do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đề xuất. Theo đó, phương án 1 là cải tạo cơ bản (theo nguyên bản gốc) đối với trường, giữ lại lối kiến trúc cũ nhưng như thế không đảm bảo theo tiêu chuẩn trường quốc gia, cũng như hệ thống xử lý cấp thoát nước gặp khó khăn; chất lượng công trình không kiểm soát được. Phương án 2 (cải tạo toàn diện bền vững chất lượng cao), cải tạo toàn diện, xây dựng trường theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Phương án 3, xây dựng mới trường theo hình thức kiến trúc cũ và giữ lại một phần kiến trúc cũ làm di tích. Ông Phúc nói: "Chúng tôi đề xuất chọn phương án 3, xây dựng mới và đồng thời vẫn giữ được nét kiến trúc xưa của ngôi trường". Theo đại diện Công ty Cổ phần tư vấn và Xây dựng Trung Nam (đơn vị tư vấn dự án), nếu chọn phương án 3, kinh phí đầu tư khoảng 94 tỉ đồng. Công trình tuân thủ theo quy hoạch chung thành phố, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia; kinh phí duy tu sửa chữa hằng năm thấp...

Đại diện Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cũng đồng tình quan điểm chọn phương án 3. Bà Lê Dương Cẩm Thúy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho rằng: "Chọn phương án xây dựng nào thì chúng tôi cũng bố trí vốn đầu tư, bởi công trình hết sức cấp thiết. Hiện nay, vốn đầu tư xây dựng trường vẫn còn 54,7 tỉ đồng. Dự án đầu tư phê duyệt xây dựng của UBND TP Cần Thơ khoảng 98 tỉ đồng; trong khi đó, đơn vị tư vấn báo chỉ cần khoảng 94 tỉ đồng, đã tiết kiệm khoản chi phí đáng kể. Việc chọn phương án 3 cần phải lưu ý đến phương án xử lý cấp thoát nước; chọn nhà thầu có năng lực và thi công trong 12 tháng để kịp đưa công trình sử dụng vào năm 2017". Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cựu học sinh của trường, đề xuất: "Chọn phương án xây mới nhưng đảm bảo lối kiến trúc cũ và đảm bảo việc dạy và học cho học sinh. Muốn thế, công trình phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn trường quốc gia, an toàn cho học sinh và đầy đủ trang thiết bị thực hành, thực tập phục vụ dạy học" .

Theo ông Lê Nam Giới, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Trường THPT Châu Văn Liêm là một trong những công trình kiến trúc đẹp và còn tồn tại rất ít tại Việt Nam. Do vậy, xây dựng mới ngôi trường nhưng có thể chọn giữ lại một phần của ngôi trường nhằm đảm bảo tính đậm đà bản sắc dân tộc. Ông Lê Phước Nghiệp, cựu giáo viên của trường, bộc bạch: "Cần đối xử tử tế hơn với công trình mang dấu ấn lịch sử, xây dựng mới nhưng vẫn lưu lại nét xưa. Năm tới nữa, trường sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập nên cựu giáo viên, học sinh rất mong việc tổ chức sự kiện này diễn ra tại khuôn viên trường; vì đây là vinh dự và niềm tự hào của biết bao thế hệ học sinh, giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm".

B.Kiên- Hà Văn

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: Hội thảo "Dự án Trường THPT Châu Văn Liêm" lần này nhằm ghi nhận ý kiến của đại diện lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, các sở, ban ngành, hội đoàn thể thành phố; giáo viên, PHHS xung quanh xây dựng hoặc trùng tu lại Trường THPT Châu Văn Liêm. Có 16 ý kiến phát biểu tại hội thảo, phần lớn đại biểu thống nhất xây dựng mới Trường THPT Châu Văn Liêm, với 2 phương án, gồm: Xây dựng mới theo kiến trúc cũ (giữ và trùng tu lại một phần để làm nhà truyền thống); xây dựng mới hoàn toàn trường theo kiến trúc cũ để đảm bảo an toàn cho học sinh. Chúng tôi ghi nhận các ý kiến này và sẽ trình lãnh đạo Thành ủy, Thường trực UBND thành phố xem xét và quyết định xây dựng Trường THPT Châu Văn Liêm theo một trong hai phương án trên. Các trường THPT xây dựng trước Trường THPT Châu Văn Liêm, như: Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh) cũng đã xây dựng mới theo lối kiến trúc cũ. Đối với Trường THPT Châu Văn Liêm hiện đã xuống cấp nghiêm trọng nên cần triển khai xây dựng sớm để đảm bảo đúng công năng, an toàn tính mạng cho thầy trò của trường.

Chia sẻ bài viết