17/12/2024 - 22:02

Xây dựng hệ thống pháp luật khả thi, đến được với người dân, doanh nghiệp một cách thực chất 

(CT) - Ðó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025, diễn ra vào sáng 17-12. Hội nghị được tiến hành trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đại biểu dự hội nghị lắng nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo. 

Các đồng chí Ðào Chí Nghĩa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn Ðại biểu Quốc hội TP Cần Thơ; Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố dự tại điểm cầu TP Cần Thơ.

Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp quán triệt nghiêm Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Ðảng, cần thay đổi căn bản tư duy xây dựng pháp luật, trong đó bỏ tư duy “không quản lý được thì cấm”; phải tiếp tục xây dựng vận hành hệ thống pháp luật năng suất, chất lượng. Tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống pháp luật khả thi, chi phí tuân thủ thấp, đến được với người dân, các doanh nghiệp một cách thực chất. Ðề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp chỉ đạo sắp xếp, giảm bộ phận bên trong theo hướng tinh gọn như tinh thần chỉ đạo. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Ðề nghị các cấp ủy địa phương quan tâm phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tư pháp…

Trong năm 2024, Bộ Tư pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 209 nhiệm vụ, trong đó, đã hoàn thành 49 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 160 nhiệm vụ không có thời hạn; không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 692 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương đã thẩm định đối với 365 đề nghị xây dựng VBQPPL và 8.058 dự thảo VBQPPL. Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.099 VBQPPL. Riêng tại Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản. Các địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 5.195 VBQPPL.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân của ngành tư pháp được tăng cường. Các dịch vụ công trực tuyến liên thông về khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân; thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến; việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia được thực hiện đồng bộ, mang lại nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian và chi phí. Việc rà soát, đơn giản hóa TTHC được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt, năm 2024, Bộ Tư pháp đã ban hành 12 Quyết định công bố TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ, trong đó, đã công bố công khai đối với 160 TTHC thuộc các lĩnh vực như trợ giúp pháp lý, bổ trợ tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp.

Năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 566.479 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 55 triệu lượt người; tổ chức 10.239 cuộc thi cho hơn 14 triệu lượt người dự thi; phát hơn 46 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được triển khai đa dạng, phong phú. Việc triển khai Ðề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” được tập trung triển khai thực hiện…

Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID tại TP Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được kết quả tích cực và được Thủ tướng Chính phủ nhất trí mở rộng thí điểm trên toàn quốc từ ngày 1-10-2024. Trong năm, Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã cấp tổng số 1.282.528 phiếu LLTP (tăng 10,6% so với cùng kỳ 2023).

Tin, ảnh: Sơn Hà

Chia sẻ bài viết