11/01/2017 - 20:52

Xây dựng Chiến lược thích ứng của Cần Thơ

TP Cần Thơ tham gia "Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu" (viết tắt là 100RC). Ngày 13-12-2016, TP Cần Thơ chính thức khởi động chương trình. Các ngành chức năng của thành phố đã và đang triển khai xây dựng, tham khảo các ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhà chuyên môn về "Chiến lược thích ứng của TP Cần Thơ".

100RC là gì?

Theo các chuyên gia, có 5 yếu tố được xem là vấn đề toàn cầu hóa của các thành phố trên thế giới hiện nay. Đó là: nước và thực phẩm sạch; môi trường sạch; năng lượng; việc làm và giao thông; an ninh. Chính vì vậy, nhiều thành phố trên thế giới đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu, thích ứng các vấn đề nêu trên. Đối với vấn đề nước và thực phẩm phải tiết kiệm, chất lượng và thực hiện mô hình nông trại thẳng đứng (hệ thống làm vườn không đất, sử dụng hiệu quả không gian đô thị). Môi trường sạch phải hướng đến công nghệ sinh thái, 3R (tiết giảm – tái sử dụng – tái chế) và xử lý. Năng lượng sạch chính là tăng cường sử dụng nguồn năng lượng có sẵn trong thiên nhiên, không gây ô nhiễm, không bị cạn kiệt và có khả năng tái tạo. Sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý việc làm và giao thông. An ninh hướng tới việc kết nối và kiểm soát mạng để tạo điều kiện cùng phát triển.

 Thành phố Cần Thơ được vinh danh “Cảnh quan đô thị Châu Á năm 2016”. Ảnh flycam: BALTO NGUYỄN

100RC do Quỹ Rockefeller (một quỹ phi lợi nhuận hiện có trụ sở tại Mỹ) khởi xướng và chính thức thành lập vào năm 2013. Hiện đã có 80 quốc gia trên thế giới tham gia 100RC và TP Đà Nẵng là một trong những địa phương tham gia đầu tiên. Mục tiêu của 100RC nhằm giúp các thành phố giải quyết vấn đề yếu điểm của toàn cầu hóa, đô thị hóa, biến đổi khí hậu. Phương pháp thực hiện của 100RC là làm xúc tác cho thành phố thành viên trong các hoạt động thích ứng. Khởi động một thị trường công cụ và dịch vụ thích ứng; gia tăng hiểu biết về thực hành thích ứng đô thị qua mạng lưới 100RC.

Ông Kỷ Quang Vinh, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Theo 100RC, khả năng thích ứng đô thị chính là khả năng của "toàn bộ hệ thống đô thị" để tồn tại và phục hồi dù bị các "áp lực" hay sau một "cú sốc". Áp lực ở đây được hiểu là các nguy cơ diễn ra từ từ như biến đổi khí hậu, kinh tế trì trệ, tội phạm gia tăng… Còn "cú sốc" là những nguy cơ diễn ra bất ngờ như sự cố về môi trường, bão, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn…

 Bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu cấp thiết trong Chiến lược thích ứng của thành phố. Trong ảnh: Nông dân đem vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đến điểm thu gom tại UBND huyện Vĩnh Thạnh.

Trong 3 năm, 100RC hỗ trợ cho các thành phố thành viên: thuê và trả lương Giám đốc Văn phòng thích ứng của thành phố; hỗ trợ kinh phí xây dựng Chiến lược thích ứng của thành phố. Đồng thời, 100RC cũng hỗ trợ các thành viên trao đổi kinh nghiệm, cung cấp các nguồn lực thực hiện các chiến lược thích ứng.

100RC và Cần Thơ

TP Cần Thơ chính thức được công nhận tham gia 100RC từ tháng 5-2016. Đến ngày13-12-2016, thành phố tổ chức hội thảo khởi động chương trình, tìm hiểu năng lực để triển khai các nhiệm vụ, công việc tiếp theo. TP Cần Thơ đang tiến hành chọn Giám đốc cho Văn phòng thích ứng; chọn tổ chức tư vấn và xây dựng "Chiến lược thích ứng của TP Cần Thơ".

"Bộ khung" của "Chiến lược thích ứng của TP Cần Thơ" đã được hình thành. Theo đó, "áp lực" thành phố phải đương đầu trong tương lai được xác định gồm: tự nhiên (sụt lún mặt đất, môi trường ô nhiễm…); kinh tế (thu nhập xã hội thấp); xã hội (sinh kế người nghèo chưa ổn định, thu nhập chưa cao, nhà ở chưa đủ, nguồn nhân lực còn nhiều yếu kém); chính sách chưa bắt kịp thay đổi… Bên cạnh đó, thành phố có thể gặp các "cú sốc", như: khô hạn, xâm nhập mặn, ngập lụt; dịch bệnh; sự cố ô nhiễm môi trường…

Để thích ứng với các "áp lực" và "cú sốc" nêu trên, TP Cần Thơ cần có hệ thống công trình hạ tầng bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế; các hệ thống quản lý xã hội và kết nối. Bên cạnh đó, cơ chế xã hội của thành phố về sức khỏe cộng đồng, phúc lợi xã hội, công bằng, tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động… phải được bảo đảm. Phát triển nền kinh tế bằng việc cải thiện thu nhập bình quân đầu người, ngân sách, đầu tư phát triển, công nghệ đặc thù, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ nổi bật - thu hút…

Để thực hiện, cần có chính sách liên kết (vùng, địa phương, ngành); chính sách nâng cao nguồn nhân lực phục vụ phát triển; đồng thời có quy hoạch, kế hoạch đúng và đảm bảo thực hiện như kế hoạch đề ra. Các hoạt động chính của "Chiến lược thích ứng của TP Cần Thơ" cũng được đưa ra. Đó là: Chủ động nguồn nước cho Cần Thơ và cả ĐBSCL. Đảm bảo sinh kế, nhà ở và tăng thu nhập thực tế cho nhóm nghèo nhất. Củng cố sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đồng thời, có chính sách tập trung xây dựng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ dự án phát triển quy mô liên kết vùng - địa phương, liên ngành và kết nối thống nhất các mạng quản lý xã hội…

Về "Chiến lược thích ứng của TP Cần Thơ", TS. Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho rằng: Thành phố cần quan tâm đầu tư phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ cao ít ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, có các giải pháp ngăn ngừa, giám sát dịch bệnh một cách hiệu quả. Bởi lẽ, phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

PGS.TS Trần Thị Ba, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau màu đã và đang ở mức báo động. Vì vậy, ngành y tế và ngành nông nghiệp nên cùng phối hợp khảo sát, lấy mẫu, phân tích sản phẩm, nguồn nước… các vùng sản xuất tập trung để có những giải pháp giảm thiểu, thích ứng thích hợp. Thực tế hiện nay, nông dân trồng rau an toàn và người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn chưa gặp nhau. Ngành chức năng cần có những định hướng về tuyên truyền, hoặc quy định việc sử dụng thực phẩm an toàn trong nhà trẻ, nhà hàng, bếp ăn tập thể… để đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm sản xuất theo phương pháp an toàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tăng khả năng thích ứng, thành phố cần có quy hoạch tổng thể cấp và thoát nước để tránh gây ô nhiễm nguồn nước mặt, cần có nơi trữ nước để sử dụng cho mục tiêu tưới tiêu trong giai đoạn ngắn khi có hiện tượng xâm nhập mặn xảy ra. Bên cạnh đó, ngay từ bây giờ, ngành chức năng thành phố cần rà soát, đánh giá các đơn vị, doanh nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng môi trường cao để có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong tương lai. 

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết