22/08/2010 - 10:17

Vu Lan - mùa báo hiếu

Lễ Vu Lan tại nghĩa trang người Hoa ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Lễ Vu Lan – Rằm tháng Bảy là một truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời của dân tộc phương Đông- đặc biệt là dân tộc ta thể hiện tinh thần quý trọng nhân nghĩa và đền đáp ơn nghĩa. Đây còn được gọi là ngày lễ Xá tội vong nhân, cầu cho các linh hồn được mau siêu thoát. Lễ Vu Lan còn gắn với mùa báo hiếu. Mùa mà những đứa con tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và làm một việc gì đó để đền ơn đáp nghĩa.

Vu Lan còn gọi là Vu Lan bồn, phiên âm từ chữ ura-bon-e, xuất xứ từ tiếng Phạn Sanskrit ullambana, một hình thức đọc gọn chữ avalambana, có nghĩa là treo ngược. Tiếng Trung Hoa dịch nghĩa là đảo huyền, treo ngược chân lên trời, đầu xuống đất, là một hình phạt vô cùng tàn khốc áp dụng cho các tội đồ. Người Trung Hoa phiên âm từ ura-bon-e thành từ Vu Lan bồn, nói tắt là Vu Lan (1). Lễ Vu Lan trở thành một nghi lễ tập tục thờ cúng tổ tiên, rất quan trọng trong nền văn hóa của Trung Hoa và các nước lân cận ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.

Lễ Vu Lan còn gắn với câu chuyện về Tôn giả Mục Kiền Liên - một người con hiếu hạnh nổi bật kế thừa truyền thống báo đáp sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.

Truyện kể rằng, Ngài sinh ra và lớn lên trong sự giáo dưỡng của một gia đình có cha là một Phó tướng, một trưởng giả giàu có. Mẹ Ngài là Thanh Đề thường sanh tâm phỉ báng Tam bảo. Sau khi cha qua đời, hết thời kỳ mãn tang, Ngài đã xin mẹ mở kho chia tài sản thành ba phần: một phần để mẹ chi tiêu, một phần cúng dường cầu đức cho thân phụ, một phần để mình đi buôn xứ xa. Sau bao năm bôn ba xứ người, Ngài trở về nhà với tấm lòng đầy tôn kính, hiếu hạnh đối với mẹ. Khi về gần đến nhà, Ngài nghe tin mẹ mình làm nhiều chuyện ác nên té xỉu. Khi tỉnh dậy, Ngài vẫn hiếu hạnh đối với mẹ nhưng giấu đi nỗi buồn trong lòng.

Vài tháng sau mẹ Ngài ngã bệnh, mụn nhọt nổi lên khắp mình, máu mủ chảy ra hôi thối, cơm nước thức uống đưa vào miệng là trào ra hết. Sau bảy ngày thì mẹ của Ngài qua đời. Ngài đau buồn tuyệt vọng, nhớ mẹ khôn nguôi nên Ngài vận dụng thiên nhãn để được nhìn mẹ, nhưng Ngài lại càng đau buồn hơn khi nhìn thấy mẹ đang bị đày vào ngục Vô Gián. Ngài bèn tìm đến đức Thế Tôn xin chỉ cách giúp mẹ. Đức Thế Tôn dạy rằng, vì ngày trước mẹ ông không biết kính Tam bảo, làm điều gian ác nên mới bị đọa đày như thế này. Dù ông chứng đủ lục thông cũng không sao cải nghiệp cho mẹ, mà hãy giúp mẹ bằng cách đến Rằm tháng Bảy là ngày tự tứ của chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ tu hành, các nghiệp được thanh tịnh, công đức được tăng trưởng khiến chư Phật mười phương hoan hỷ, ông nên nhân ngày tốt đẹp đó làm lễ Vu Lan Bồn để đánh thức tâm muội của bà đã hằng sa kiếp chưa biết tin vào nhân quả. Ông hãy chí thành lễ bái cúng dường chư Tăng, xin chư Tăng hợp lực dùng tâm thanh tịnh và lòng từ bi quảng đại, đưa tư tưởng lành xuống cõi âm, cho mẹ ông tiếp cận sức mầu, tâm thức bó chặt bấy lâu được khai mở, bỏ hết tham sân si thì mới mong chuyển nghiệp (2).

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Tôn giả Mục Kiền Liên là gương hiếu hạnh nổi bật kế thừa truyền thống báo đáp ân sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Bởi công sinh thành của cha mẹ cao vòi vọi như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn.

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Công ơn ấy đã thấm trong ta từ thuở tượng hình, đến với ta qua hơi ấm, qua bàn tay triều mến, qua dòng sữa bổ dưỡng và qua giọng hát ngọt ngào. Cha mẹ là hình ảnh đầu tiên mà ta nhìn thấy khi ta mở mắt chào đời và cũng là người làm cho ta nhớ mãi nụ cười, ánh mắt và hương vị yêu thương của cha mẹ dành cho mình. Hơn nữa, nói đến cha mẹ là phải nói đến sự hy sinh cho các con cả cuộc đời và cả tâm hồn lẫn thể xác.

Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, từ lúc sinh ra và lớn lên ai mà không có cha mẹ và ai mà không cần có cha mẹ. Chính vì có cha có mẹ ta mới có một tuổi thơ ngọt ngào và khôn lớn nên người. Tình cảm của cha mẹ là một tình yêu thiêng liêng, cao cả không gì thay thế được, chỉ có cha mẹ mới chịu đựng được bao nỗi nhọc nhằn, lao tâm lao lực với con. Những tháng cưu mang là những tháng ngày cha mẹ phải vất vả, ăn không ngon, ngủ không yên, đi đứng khó khăn, nhưng cha mẹ vẫn cảm thấy vui vì cha mẹ biết rằng rồi đây cha mẹ sẽ có con - một niềm vui lớn không gì đánh đổi được. Cho đến lúc con được sinh ra và lớn lên, cũng là nỗi vất vả, khó khăn của cha mẹ chất chồng. Cha mẹ vui cùng những bước đi chập chững của con, đau lòng mỗi khi con vấp ngã, mớm cho con từng ngụm nước, muỗng cơm, mỗi bước đi của con đều có cha mẹ dắt dìu, nâng đỡ... Thế là con lớn lên từ đôi tay ấm nồng của cha mẹ, từ dòng sữa ngọt ngào, từ tình yêu thương bao la của mẹ cha... Ôi! lòng mẹ cha thật cao đẹp làm sao! Trong dòng đời xuôi ngược, trong những lo toan của cuộc đời, đôi khi con quên cha mẹ, con bận bịu với cuộc sống, với chén cơm, manh áo, bận tâm với những cái tủn mủn, nhỏ nhặt, nhưng con chưa bao giờ bận bịu với cha mẹ, để rồi một ngày nào đó con thất bại giữa cuộc đời, con lại về với cha mẹ, lại nhớ về công ơn của cha mẹ.

Vì những lẽ đó, đức Phật dạy ta, ngoài việc hiếu thuận với cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ, chúng ta còn phải làm 5 việc của bổn phận người con đối với cha mẹ như sau:

1. Phụng dưỡng cha mẹ: tức là phải hết lòng cung kính cha mẹ, không làm cho cha mẹ buồn khổ, không nói lời vô lễ mà thể hiện sự phụng dưỡng bằng tinh thần như thăm viếng cha mẹ trong những khi cha mẹ bệnh hoạn, cô đơn. Hoặc cung phụng bằng vật chất như thuốc thang, y phục, nhà ở...

2. Làm việc thay thế cho cha mẹ: là chúng ta phải gánh vác tất cả những việc thay thế cho cha mẹ để cha mẹ có thời gian thụ hưởng những ngày nhàn rỗi cuối cuộc đời.

3. Giữ gìn gia phong tốt đẹp: là gìn giữ những gia phong đạo đức tốt đẹp để tạo tiếng tốt cho cha mẹ.

4. Bảo quản tốt tài sản thừa sự: Phải giữ gìn tài sản của cha mẹ cho thật tốt vì đó là mồi hôi, công sức của cha mẹ.

5. Tạo phước hồi hướng khi cha mẹ đã quá vãng: Nghĩa là khi cha mẹ còn hiện tiền thì người con phải làm sao cho cha mẹ luôn sống trong niềm an lạc hạnh phúc.

Trong lễ Vu Lan, ngoài việc thể hiện tấm lòng hiếu kính đối với các bậc sinh thành còn là việc cúng cho các linh hồn được mau siêu thoát. Theo quan niệm từ xa xưa, người chết có hai dạng: chết bình thường và chết không bình thường. Chết bình thường là những người chết già do ốm đau bệnh tật. Còn chết không bình thường là chết do các loại tai nạn mà người ta gọi là chết bất đắc kỳ tử. Loại này khi chết không ai chôn cất, hoặc có chôn cất thì không có ai chăm sóc mộ phần nên biến thành cô hồn. Số cô hồn này khi xuống âm phủ thì bị giữ lại chốn địa ngục, không được xét cho đầu thai, cùng chịu chung cảnh bị giam cầm tội nghiệp. Mỗi năm có một ngày, đó là ngày Rằm tháng Bảy tất cả các cô hồn bị giam cầm đều được thả khỏi các cửa ở địa ngục để được hưởng tự do trong một ngày một đêm. Ngày đó gọi là ngày Xá tội vong nhân. Cho nên trong ngày này, người ta làm lễ cúng cô hồn, tụng kinh, cầu nguyện, bố thí, cúng dường để hồi hương cho tất cả được tái sanh về cảnh giới an lành. Và đó cũng là sự giải thoát khổ đau cho thân quyến bảy đời trước của người cúng.

Vu Lan - mùa báo hiếu nhắc nhở con người về công đức của đấng sinh thành, thể hiện đức hiếu hạnh của truyền thống văn hóa dân tộc. Còn cầu siêu cho người quá cố thì thể hiện quan niệm truyền thống sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, đó là lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đó cũng là giây phút hướng về nguồn cội vậy.

Bài, ảnh: TAM ĐỨC

------------------

(1) Nguyễn Phúc Bửu Tập, Lễ Vu Lan. Tập văn Vu Lan, số 45.NXB Tôn giáo - 1999.

(2) Xin xem Tâm hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên và Xá lợi phất của Thích Phước Đạt trong Nguyệt san Giác Ngộ số 17 tháng 8 năm 1997. Tr.31.

Chia sẻ bài viết