24/11/2010 - 08:46

TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH VŨ VĂN NINH:

Vinashin là bài học kinh nghiệm trong kiểm tra giám sát, quản lý Nhà nước

* Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng: Hiện đại hóa tuyến đường sắt cũ là không khả thi

(TTXVN)- Những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý vốn Nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, trong đó có Vinashin; công tác quản lý, điều hành giá là những tâm điểm được các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trong sáng 23-11 tại diễn đàn Quốc hội.

Mở đầu cho buổi chất vấn, đại biểu (ĐB) Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Vũ Văn Ninh làm rõ về văn bản quy định tỷ lệ vốn khống chế mà các Tập đoàn, DNNN được phép đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính và hiệu quả từ công tác quản lý, giám sát của Bộ về vấn đề này. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, căn cứ vào Nghị định 09/CP của Chính phủ ban hành năm 2009, mức đầu tư của các Tập đoàn vào những lĩnh vực không phải sản xuất chính nhưng phục vụ cho sản xuất chính là không quá 30%, còn mức đầu tư vào sản xuất chính là 70%. Đối với những lĩnh vực ngân hàng, tín dụng bảo hiểm, việc khống chế chặt chẽ hơn, mỗi Tập đoàn chỉ được đầu tư vào 1 doanh nghiệp loại này và ở mức không quá 20% vốn điều lệ. Trên cơ sở đó, Bộ cũng đang yêu cầu các Tập đoàn báo cáo về việc này, nếu vượt quá mức cho phép sẽ phải rút vốn theo đúng quy định.

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Hữu Thế (Phú Yên) về vấn đề sốt giá vàng, đô-la năm 2009 và 2010 gần như cùng một “ kịch bản”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, việc này cũng có tác động lớn đến giá cả nói chung. Tác động trực tiếp là giá hàng hóa có thay đổi và tác động gián tiếp là gây ra tâm lý chung cho xã hội và người dân khiến cung cầu căng thẳng và từ đó có tác động đến những giá khác. Chính phủ cũng đã đưa ra những giải pháp can thiệp cụ thể để tác động, ví dụ điều chỉnh lãi suất, đảm bảo công bố ổn định tỷ giá, đưa đô-la ra can thiệp thị trường, cho nhập vàng... Những việc này được đặt trong một lộ trình, kế hoạch, kể cả điều hành lãi suất tỷ giá cũng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, theo tín hiệu của thị trường để điều hành, dự báo. Ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những kịch bản, chỉ tiêu giới hạn cụ thể trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, lãi suất, tỷ giá.

Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu giải thích thêm, trong những tháng gần đây, đặc biệt từ 1-7-2010, giá vàng thế giới có những diễn biến rất phức tạp, có tác động vào giá trong nước, bởi hai nguyên nhân chủ yếu: Các nước có nền kinh tế lớn gần đây đã điều chỉnh một số chính sách kinh tế và tình trạng đầu cơ đang diễn ra quyết liệt.

Thống đốc cho biết: Gần đây, hoạt động kinh doanh vàng trong nước cũng phát triển nhanh và xuất hiện hoạt động đầu cơ trên thị trường vàng. Hoạt động kinh doanh vàng tăng mạnh bắt đầu từ năm 2003 và hiện tượng đầu cơ xuất hiện mạnh trong 2009-2010. Giải pháp để xử lý tình thế chủ yếu là ổn định tâm lý thị trường, chẳng hạn cho phép nhập vàng. Thủ tướng cũng đã cho phép điều chỉnh chính sách quản lý vàng nhằm hạn chế đầu cơ trong cho vay và kinh doanh vàng. Về lâu dài, NHNN đang xây dựng một đề án hoàn chỉnh để xử lý thị trường vàng, tập trung vào kịch bản: Đưa vàng trong xã hội tác động nhanh, trực tiếp vào sản xuất để tạo ra của cải vật chất mới.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) về kinh phí chi phí cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và có hay không việc mua 2000 viên rubi từ châu Phi về để gắn mắt 1000 con rồng làm quà tặng, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã chi 218 tỉ cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long, trong đó có hỗ trợ một số địa phương, chủ yếu tập trung chi lớn là Hà Nội. Hiện, Bộ đã yêu cầu báo cáo và Hà Nội đang đôn đốc việc quyết toán để có báo cáo chính thức. Bộ trưởng khẳng định với Quốc hội: Không có con số hơn 90.000 tỉ đồng chi cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Các dự án làm đường hoặc chỉnh sửa hè phố... thì không có Đại lễ vẫn phải làm, chỉ là nhân dịp này Đại lễ phấn đấu hoàn thành để chào mừng 1000 năm Thăng Long.

Về việc mua 2000 viên rubi, Bộ trưởng cho biết “cũng chỉ nghe nói” như đại biểu vì đây không phải việc chi từ tiền ngân sách mà là của Công ty cổ phần mỹ nghệ Đông Sơn chi bằng tiền của doanh nghiệp, cụ thể thế nào là việc của doanh nghiệp, Bộ trưởng không nắm được.

* Chiều 23-11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đăng đàn trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu Quốc hội xung quanh các nhóm vấn đề: quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, kết cấu hạ tầng giao thông, vấn đề ùn tắc giao thông; tái cơ cấu Vinashin...

Trả lời chất vấn của đại Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) về căn cứ pháp lý để tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng dẫn giải: Tại kỳ họp Quốc hội trước, các đại biểu chưa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, vì vậy Thủ tướng Chính phủ không chỉ đạo và Bộ Giao thông Vận tải không tiến hành đầu tư đường sắt cao tốc. Nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ vẫn tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc. Bộ trưởng khẳng định pháp luật cho phép việc này và trên thực tế Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu rất nhiều dự án về đường sắt, đường bộ, và các dự án khác.

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) vì sao lại đặt vấn đề tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, Bộ đang xây dựng quy hoạch và rà soát xây dựng quy hoạch về mạng lưới đường sắt trong cả nước nói chung, trong đó có tuyến đường sắt Bắc - Nam. Về câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc, vì sao ta không chọn việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện có mà lựa chọn xây dựng đường sắt cao tốc, Bộ trưởng cho biết, đường sắt của ta đã có từ rất lâu, hiện chỉ có thể duy tu bảo dưỡng, để hiện đại hóa lên là bất khả kháng. Bộ trưởng khẳng định việc hiện đại hóa đường sắt cũ là không khả thi và gây ảnh hưởng tới việc lưu thông hiện tại trên các tuyến đường sắt. Bộ trưởng khẳng định đường sắt Bắc - Nam sẽ phải kết nối với đường sắt đô thị trong tương lai.

Nói về việc xuất hiện những hố “tử thần” tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng phân tích nguyên nhân của hiện tượng này là do việc tái lập mặt đường chưa đúng quy định, do sự xuống cấp hư hỏng của các công trình ngầm, do cấu tạo địa chất, việc khai thác nước ngầm tùy tiện... Về trách nhiệm quản lý nhà nước trong vấn đề này, Bộ trưởng cho biết: Hiện Bộ Giao thông Vận tải không làm chủ đầu tư bất cứ công trình nào trong việc xây dựng hạ tầng nội đô thành phố, Bộ chỉ đảm nhận một vài công trình lớn. Trong việc tái lập mặt bằng chưa đạt yêu cầu, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Bộ trưởng đã nêu lên trách nhiệm của Bộ trong việc đảm bảo chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông. Đồng tình với sự phân tích của đại biểu Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) là có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng dẫn Luật đã phân công việc quản lý kết cấu hạ tầng đô thị thuộc Bộ Xây dựng, trong đó kết cấu hạ tầng có nhiều vấn đề (hạ tầng ngầm, có đường giao thông, chiếu sáng, cấp thoát nước...). Nguyên nhân là do trước giao thông công chính cùng chung một nhiệm vụ, giờ tách giao thông với công chính đã dẫn đến hiện tượng chồng chéo trong quản lý. Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu và bàn bạc với Bộ Xây dựng để tìm phương án trình Chính phủ giải quyết những khúc mắc này.

Con số thua lỗ thực tế của Tập đoàn Vinashin, vấn đề tái cơ cấu, việc xử lý trách nhiệm của các bên liên quan... được các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh) quan tâm, chất vấn các thành viên Chính phủ. Với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Theo quyết định của Bộ Chính trị, phương án tái cơ cấu được thực hiện để Vinashin phục hồi, phát triển và tự trả được nợ. “Nếu không tái cơ cấu thì cơ bản cơ sở vật chất đó trở thành đống sắt vụn” - Phó Thủ tướng nói. Việc tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2008 bằng việc thu hồi các khoản vốn đầu tư của Vinashin vào các lĩnh vực khác, cắt giảm từ 185 dự án xuống còn 28 dự án, nhưng chỉ tập trung vào 13 dự án. Đầu 2010 tiếp tục tái cơ cấu bước 2, chuyển ngành vận tải hàng hóa sang Vinalines, một số ngành công nghiệp phụ trợ chuyên dùng cho ngành dầu khí sang Tập đoàn Dầu khí, chỉ giữ lại lĩnh vực đóng tàu, sửa chữa tàu và đào tạo công nhân thiết kế kỹ thuật. Hiện Vinashin đang được tái cơ cấu bước 3.

Cung cấp những thông tin về việc tái cơ cấu đến thời điểm này, Phó Thủ tướng khẳng định, tư tưởng của công nhân của Tập đoàn được ổn định, đã tạo quyết tâm mới để khôi phục lại Vinashin, khôi phục lại ngành đóng tàu. Tất cả công nhân của Vinashin đã có việc làm với mức lương bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng, các khoản nợ lương và bảo hiểm đang được trả dần. Năm nay, Vinashin sẽ đóng được 66 con tàu và đạt giá trị doanh thu về tàu gần 600 triệu USD, cộng với doanh thu của công nghiệp phụ trợ, Tập đoàn sẽ có doanh thu khoảng 14.000 tỉ đồng. Năm 2011, Vinashin sẽ đàm phán đóng khoảng 110 con tàu. Trong số 26 tàu được chuyển cho Vinalines, hiện 23 tàu đã đi biển chở hàng và đến cuối năm sẽ có thu nhập khoảng 1.400 tỉ đồng. 3 con tàu còn lại, một tàu đã phá dỡ và bán, một tàu sẽ được sửa chữa, còn tàu Hoa Sen đã được cho thuê lại với doanh thu được 4 triệu USD/năm.

Đối với những băn khoăn của các đại biểu về khả năng trả nợ, Phó Thủ tướng cho rằng, bán được tàu, sản xuất kinh doanh phục hồi, Vinashin sẽ có tiền trả nợ. Đến nay, còn 216 doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu tiếp bằng nhiều phương pháp và sẽ từng bước được tái cơ cấu dưới nhiều hình thức để thu hồi lại vốn. Tất cả số vốn này chiếm khoảng 20% tổng tài sản của Vinashin và chắc chắn sẽ có lời khi được tái cơ cấu. Còn 80% tài sản và nợ Vinashin đang gánh, nếu thị trường vận tải thế giới phục hồi nhanh, phát triển được, tái cơ cấu tốt, quản trị tốt, làm ăn có hiệu quả, hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đến năm 2012, Vinashin có thể đứng vững và có lãi trở lại vào năm 2013. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các con số tổng tài sản 104.000 tỉ đồng và 86.000 tỉ đồng tiền nợ của Vinashin là con số tính đến cuối tháng 6-2010, cần phải đánh giá chính xác nó theo thị trường và qua kiểm toán, thanh tra.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, cơ quan chức năng đang tích cực điều tra xử lý các vi phạm, những người cố ý làm trái, vi phạm sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật. Việc kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc từ người đứng đầu Chính phủ đã và đang được tiến hành, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang chủ trì giúp Bộ Chính trị làm việc này một cách nghiêm túc, công bằng và kết quả kiểm điểm sẽ công khai trước công luận.

Chia sẻ bài viết