01/05/2019 - 11:02

Vì lợi ích của hội viên, nông dân 

Các cấp Hội Nông dân (HND) quận Bình Thủy đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy lợi ích của hội viên làm mục tiêu để tổ chức hoạt động. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, khoa học kỹ thuật,... để đầu tư mở rộng mô hình sản xuất hiệu quả.

Lãnh đạo HND quận Bình Thủy đến thăm các mô hình sản xuất của hội viên. Ảnh: HỒNG VÂN

Lãnh đạo HND quận Bình Thủy đến thăm các mô hình sản xuất của hội viên. Ảnh: HỒNG VÂN

Cầu nối vốn vay

Hiện nay, quận Bình Thủy có 4.008 hội viên nông dân, đang sinh hoạt tại 39 chi hội. Thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao đời sống nông dân, HND quận đã tập trung chỉ đạo HND các phường đẩy mạnh thực hiện tốt phong trào thi đua, nổi bật là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Một trong những hoạt động hiệu quả giúp nông dân xây dựng các mô hình sản xuất là hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, các cấp HND quận đang duy trì hoạt động của 63 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, giúp 2.791 lượt hộ vay với tổng dư nợ trên 75 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các cấp HND quận xây dựng Quỹ hỗ trợ trên 717 triệu đồng, hỗ trợ cho 35 lượt hộ vay. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cũng có 3 dự án triển khai trên địa bàn quận, với vốn cho vay 1,4 tỉ đồng. Các nguồn vốn vay ưu đãi giúp hội viên nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Cô Lê Thị Bạch Lan, ngụ tại khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, bộc bạch: “Nhà tôi có 5 công đất, trước đây là vườn tạp. 3 năm nay, tôi đầu tư trồng chanh không hạt và cam xoàn. Cũng nhờ đồng vốn 50 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố, tôi mới có điều kiện đầu tư làm bờ bao, mua máy bơm nước, phân thuốc”. Theo cô Lan, chanh không hạt chỉ cần khoảng hơn 2 năm đã cho thu hoạch. Hiện nay, đang trong mùa nắng nóng, vườn chanh của cô Lan được thường lái thu mua với giá 19.000 đồng/ký.

Tương tự, gia đình chú Trần Văn Nòi, ngụ tại khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền cũng được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố. Gia đình chú có 2 công đất trồng chôm chôm Thái và 3 công đất trồng cam sành. Năm 2017, chú được vay 20 triệu đồng để đầu tư mua phân bón. Chú Nòi chia sẻ: “Với 500 gốc cam sành, có thời điểm tôi thu 120 triệu đồng/năm. Tuy nhiên giá cả rất bấp bênh. Hiện nay, cam sành đã lão nên tôi cũng dự định trồng chanh không hạt. Riêng vườn chôm chôm Thái, chỉ với 100 cây, mỗi năm tôi thu nhập 60 triệu đồng. Giá bán chôm chôm Thái khá ổn định, từ 20.000 – 25.000 đồng/ký”.

Chuyển giao khoa học kỹ thuật

Theo ông Lê Hoàng Tua, Chủ tịch HND quận Bình Thủy, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Bình Thủy nhiệm kỳ 2015-2020 xác định phát triển kinh tế quận theo hướng “Công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp đô thị”. Theo đó, tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế hộ hiệu quả làm tiền đề phát triển kinh tế tập thể; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất các mặt hàng có chất lượng, như: hoa kiểng, rau an toàn,… Bên cạnh hỗ trợ vốn, vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật được các cấp Hội chú trọng. Năm 2018, HND quận đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 27 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, 23 cuộc hội thảo về nuôi lươn không bùn, mô hình nuôi cá kiểng, mô hình trồng hoa các loại; mở lớp nghề ngắn hạn cho 169 hội viên nông dân dự. Đồng thời, phối hợp tổ chức cho 26 cán bộ, hội viên nông dân tham quan học tập mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa…

Công tác vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết sản xuất cũng được các cấp Hội chú trọng thực hiện. Đến nay, toàn quận có 41 Tổ hợp tác (THT), 2 Câu lạc bộ, 5 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Các mô hình kinh tế tập thể đã và đang từng bước phát huy được vai trò phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, tạo điều kiện cho việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị, phát triển đa dạng ngành nghề, giảm nghèo bền vững.

Ông Lê Hoàng Tua, Chủ tịch HND quận Bình Thủy, cho biết: “Hiện nay, một số HTX, THT đã liên kết được với các siêu thị trên địa bàn TP Cần Thơ và các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân, như: HTX bò sữa Long Hòa; HTX rau an toàn Long Tuyền; Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ; THT trồng nấm bào ngư phường Thới An Đông; THT nuôi cá bè trên sông phường Bùi Hữu Nghĩa.... Ngoài ra, còn nhiều loại trái cây, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi được tiêu thụ với giá cả khá ổn định...”.

Với sự hỗ trợ về nhiều mặt của các cấp HND quận, nhiều nông dân trên địa bàn  Bình Thủy đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. 

HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết