16/11/2009 - 21:10

Dạy nghề và hướng nghiệp ở bậc THCS

Vẫn nặng hình thức, chưa thiết thực

Một trong những chỉ tiêu cơ bản để được công nhận hoàn thành phổ cập bậc trung học là 10% đối tượng 18-21 tuổi trên địa bàn có bằng trung cấp nghề 3 năm. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, hiện nay, tỷ lệ này đạt chưa đến 1%. Vì sao số lượng học sinh tốt nghiệp nghề, học sinh học nghề còn thấp, trong khi ngay từ lớp 6 học sinh đã được định hướng nghề và các trường đều tổ chức phân luồng học sinh sau THCS?

Định hướng nghề nghiệp

Học sinh Trường THCS phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn rất thích thực hành tại phòng máy vi tính của trường. 

Công tác hướng nghiệp đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai thực hiện từ năm 1981, nhằm giúp học sinh có kiến thức nghề nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Với sự định hướng này, học sinh có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, chuẩn bị những kỹ năng cần thiết. Thời gian qua, nội dung chương trình hướng nghiệp đã được thay đổi để phù hợp với sự phát triển xã hội. Chương trình sinh hoạt hướng nghiệp được đổi thành hoạt động giáo dục hướng nghiệp, mỗi tháng thực hiện một tiết đối với lớp 9. Còn chương trình dạy nghề tập trung vào 11 nghề thuộc 4 nhóm: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và tin học.

Thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, tất cả các trường THCS đều tổ chức dạy nghề cho học sinh từ lớp 6 và hướng nghiệp khi học sinh học lớp 9. Em Nguyễn Thị Phượng, học sinh lớp 8, Trường THCS Thạnh Phú 1, huyện Cờ Đỏ, nói: “Em rất thích các buổi học nghề vì qua những buổi học như thế này, em biết thêm được nhiều nghề để sau này có thể lựa chọn cho tương lai”. Với nhiều học sinh không có khả năng học lên đại học hay cao đẳng, các lớp nghề rất hữu ích vì giúp các em định hướng được nghề nghiệp cụ thể. Ngũ Minh Luân, nhà ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, hiện là thợ sửa điện tử tại thị trấn Phong Điền, cho biết: “Năm học lớp 8, tôi học điện tử ở trường và rất thích nghề này. Sau khi tốt nghiệp THCS, thấy khả năng không theo học cấp 3 nổi, tôi xin ba mẹ cho đi học nghề điện tử. Giờ, tôi có thể tự nuôi sống bản thân bằng chính nghề mà mình đã học. Trong quá trình học nghề và ra làm nghề, tôi nhận thấy mình cần phải học nâng cao trình độ nên buổi tối tôi học bổ túc trung học”.

Không thể phủ nhận chương trình hướng nghiệp, dạy nghề ở trường phổ thông đã phần nào giới thiệu và định hướng ý thức nghề nghiệp cho học sinh THCS. Việc triển khai chương trình được thực hiện đồng bộ với chương trình chính khóa. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình còn nặng tính hình thức và quá tải đối với học sinh...

Cần thiết thực hơn

Em Vũ Thị Nguyệt, học sinh lớp 9A7, Trường THCS phường Phước Thới, quận Ô Môn, thi nghề trồng lúa vào tháng 8-2009. Nguyệt kể: “Trong hè năm 2009, em học nghề trồng lúa khoảng 1 tháng, sau đó, tham gia thi nghề. Em chọn học và thi nghề trồng lúa vì trường chỉ dạy có 2 nghề: trồng lúa và tin học. Mục đích học và thi nghề của em cũng như của nhiều bạn khác là để có điểm thưởng cộng vào điểm thi tuyển lớp 10”. Chọn nghề trồng lúa chỉ là sự đối phó chứ không phải là định hướng nghề nghiệp trong tương lai của Nguyệt. Nguyễn Minh Thư, một bạn học cùng lớp với Nguyệt, cũng chọn nghề trồng lúa để học và thi nghề. Tuy nhiên, Thư cho biết sau khi thi xong, em không còn nhớ gì về kiến thức lý thuyết cũng như kỹ năng thực hành.

Chương trình dạy nghề cho học sinh đã vậy, chương trình hướng nghiệp lớp 9 cũng bộc lộ nhiều bất cập. Hiện nay, mỗi tháng học sinh lớp 9 được học 1 tiết hướng nghiệp. Trong giờ học này, giáo viên sẽ phân tích cho học sinh những kỹ năng cần thiết đối với từng lĩnh vực nghề nghiệp. Đồng thời, học sinh cũng sẽ được giới thiệu những hướng đi khác nhau sau THCS: học THPT, học bổ túc văn hóa, học trung học nghề... để có sự chọn lựa phù hợp với khả năng tài chính của gia đình và năng lực học tập của bản thân. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp THCS, hầu hết học sinh đều chọn học lên THPT. Năm học 2008-2009, Trường THCS phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thực hiện khảo sát nhỏ trong học sinh với câu hỏi: “Sau khi tốt nghiệp THCS, em sẽ học tiếp THPT hay học nghề?”. Kết quả: 98% học sinh chọn học tiếp THPT, chỉ có một số rất ít trong 2% còn lại nói rằng có khả năng học nghề, trung cấp chuyên nghiệp.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng triển khai hướng nghiệp không đạt hiệu quả cao là do các trường thiếu đội ngũ giáo viên hướng nghiệp chuyên trách. Sâu xa hơn, hiện nay, vẫn chưa có nơi nào đào tạo giáo viên hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Tại Trường THCS phường Phước Thới, quận Ô Môn, hầu hết giáo viên dạy hướng nghiệp lớp 9 là giáo viên dạy môn Văn hoặc công việc này sẽ do giáo viên chủ nhiệm đảm trách. Ông Huỳnh Văn Hà, Hiệu trưởng Trường THCS phường Phước Thới, nói: “Do thực hiện khoán kinh phí nên trường không thể hợp đồng giáo viên dạy môn hướng nghiệp trong khi giáo viên ở các bộ môn khác lại dạy chưa đủ tiết theo qui định. Vì vậy, trường phải phân công giáo viên kiêm nhiệm phụ trách”.

Thực tế cho thấy, hiện nay, việc hướng nghiệp cũng như dạy nghề trong trường phổ thông chưa được quan tâm đúng với vai trò quan trọng của công tác này. Mặc dù chương trình hướng nghiệp, dạy nghề đã được cải tiến nhưng nhiều trường phổ thông thiếu điều kiện giảng dạy: không có trang thiết bị, không có giáo viên chuyên trách... Thêm vào đó, học sinh chưa nhận thức được tầm quan trọng của những môn học này, xem đây là môn phụ, môn học để lấy điểm cộng nên còn lơ là. Chính vì vậy, ở nhiều nơi, việc triển khai chương trình dạy nghề và hướng nghiệp còn mang nặng tính hình thức, chưa chú trọng đến hiệu quả thực tế. Đây là điều cần cân nhắc lại để có phương pháp giúp học sinh định hướng nghề nghiệp hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết