09/03/2012 - 21:02

Tăng trưởng tín dụng

Tùy vào "sức khỏe" của ngân hàng

Năm 2011, dù gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, nhưng hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục phát triển, vốn huy động và dư nợ cho vay tăng khá. Việc khai thác vốn và sử dụng vốn của các TCTD trên địa bàn phù hợp với khả năng hoạt động kinh doanh, tình hình phát triển của thành phố. Năm 2012, những thách thức của năm 2011 vẫn tiếp diễn, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng vẫn là thách thức lớn.

Kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng

Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Cần Thơ, năm 2011, đa số các ngân hàng hoàn thành cơ bản kế hoạch được giao, các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của thành phố và đóng góp thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 50 TCTD hoạt động với 226 địa điểm có giao dịch ngân hàng, gồm 1 trụ sở chính và 1 Sở giao dịch Ngân hàng thương mại cổ phần, 1 văn phòng đại diện Ngân hàng nước ngoài, 47 chi nhánh TCTD với 170 địa điểm giao dịch dưới cấp chi nhánh và 6 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. So với năm 2010, mạng lưới ngân hàng trên địa bàn tăng thêm 1 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và 12 phòng giao dịch, điểm giao dịch, quỹ tiết kiệm trực thuộc các chi nhánh.

Thu mua gạo chế biến xuất khẩu tại Công ty cổ phần Gentraco ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. 

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ, nói: “Năm 2011, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 10,46%, cơ cấu dư nợ cho vay phi sản xuất chiếm dưới 10% trong tổng dư nợ, giảm đúng hướng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Các TCTD đều quan tâm đến tăng tín dụng cho 4 lĩnh vực: phát triển nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo”. Năm 2011, doanh số cho vay của các TCTD đạt 151.843 tỉ đồng, tăng 21,74% so với năm 2010. Tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2011 là 40.716 tỉ đồng, vòng quay vốn tín dụng ngắn hạn đạt 4,78 vòng (năm 2010 đạt 4,43 vòng). Tổng dư nợ phân theo khối TCTD thì TCTD nhà nước chiếm gần 42%, TCTD cổ phần 51,83%, TCTD liên doanh 1,05%, TCTD phi ngân hàng 1,52% thị phần... Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 17-19%/năm, cho vay tiêu dùng 20-23%/năm. Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn còn tăng cường các giải pháp huy động nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng. Trong năm 2011, tổng huy động vốn của các TCTD đạt 28.110 tỉ đồng, tăng 10,74% so với cuối năm 2010, tỷ lệ vốn huy động so với tổng dư nợ cho vay là 69,08%; trong đó, vốn huy động ngắn hạn chiếm 86,03%, vốn huy động trên 12 tháng chiếm 13,97% (vốn huy động của TCTD nhà nước chiếm 37,08%, TCTD cổ phần chiếm 60,24%). Theo ông Hà Hồng Ngọc, dù có nhiều khó khăn, nhưng vốn huy động và dư nợ cho vay đều tăng ở mức hợp lý, chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể.

Năm 2011, tuy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn nhìn tổng thể luôn ở mức dưới 2%, nhưng về số tuyệt đối đã tăng khá cao so với đầu năm, tiềm ẩn rủi ro tín dụng nhiều hơn. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ, khẳng định: “Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thì hoạt động tín dụng càng nhiều rủi ro. Năm 2011, trên địa bàn đã xảy ra một số vụ vi phạm cho vay, lừa đảo làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng. Số ít TCTD có biểu hiện cạnh tranh lãi suất kém lành mạnh, rủi ro đạo đức ở một số TCTD đã xuất hiện. Đây là bài học mà các TCTD phải nghiêm túc rút kinh nghiệm”. Ông Ngọc cho rằng, “sức khỏe” của các ngân hàng ngoài nội lực của đơn vị thì một phần cũng còn tùy thuộc vào “sức khỏe” doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp làm ăn bài bản, thì dễ dàng tiếp cận vốn vay, còn làm ăn thiếu chiến lược sẽ gặp rủi ro. Hệ quả là ngân hàng sẽ khó cho những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả vay vốn, do khả năng thu hồi vốn nhiều rủi ro.

Kỳ vọng kéo giảm lãi suất cho vay

Trong 2 tháng đầu năm 2012, vốn huy động của các TCTD trên địa bàn thành phố ước đạt 28.300 tỉ đồng, so với cuối năm 2011 chỉ tăng nhẹ, do điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế. Vốn huy động chủ yếu là vốn VND 24.600 tỉ đồng, vốn ngoại tệ qui VND chỉ 3.700 tỉ đồng. Tính đến cuối tháng 2-2012, tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế đạt 40.800 tỉ đồng. Theo thống kê của NHNN chi nhánh Cần Thơ, trong tổng dư nợ cho vay hiện tại, thì mức lãi suất dưới 19% chiếm trên 60% so tổng dư nợ. Đây là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, tiếp cận vốn vay với mức lãi suất giảm hơn trước đây. Tuy nhiên, về mặt số liệu thì vẫn còn 40% tổng dư nợ mà các doanh nghiệp vay của các ngân hàng phải chịu mức lãi suất trên 19%/năm. Trong khi đó, “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp ngày càng yếu đi.

Năm 2011, trên địa bàn thành phố, tình trạng doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, co cụm sản xuất và ngừng hoạt động đã xảy ra và có đến 408 doanh nghiệp, 368 chi nhánh văn phòng đại diện xin làm thủ tục giải thể, vốn đăng ký trên 860 tỉ đồng. Theo nhận định của ngành chức năng, số doanh nghiệp giải thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nếu doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, thị trường tiêu thụ tiếp tục khó. Các TCTD thì kỳ vọng đảm bảo an toàn hoạt động của đơn vị, còn doanh nghiệp thì trông chờ lãi suất cho vay giảm để giải quyết khó khăn nội tại. Mới đây, thông điệp phát đi từ NHNN cho thấy, việc kéo giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay đang dần trở thành hiện thực. Hiện nay, NHNN đang triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại TCTD, phân loại ngân hàng. Theo lộ trình, có thể cuối quí II/2012 sẽ có kết quả bước đầu về sắp xếp lại TCTD, phân loại TCTD. Việc lành mạnh hóa thị trường tín dụng là giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn với mức lãi suất hợp lý từ ngân hàng. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm thực hiện các giải pháp quản lý đồng bộ từ Chính phủ, NHNN trong việc tái cơ cấu này.

Bên cạnh việc chỉ đạo tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn... tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn, đảm bảo sản xuất và vượt qua giai đoạn khó khăn. Hiện một số ngân hàng đã công bố hạ lãi suất cho vay sản xuất dao động từ 14,5-17%/năm. Thống đốc NHNN cho biết, cuối năm 2011, lãi suất cho vay đã giảm được một phần về mức 17 - 19%/năm. Trong 2 tháng đầu năm 2012, tình hình tiếp tục diễn biến tích cực. Hiện lãi suất liên ngân hàng với các TCTD lành mạnh chiếm 90% thị phần đã giảm xuống còn phổ biến 7%- 14%/năm. Do vậy, việc giảm lãi suất cho vay đang rất khả thi.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết