25/04/2010 - 19:44

Tưng bừng khai mạc Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010

* Tôn vinh 12 nhà khoa học, 11 nông dân, ngư dân và 8 doanh nghiệp
* Bế mạc Festival trái cây Việt Nam lần thứ I tại Tiền Giang

(CT)- Tối 24-4, lễ khai mạc Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010 diễn ra hoành tráng tại sân khấu Công viên Sông Hậu ở TP Cần Thơ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo địa phương trong nước, các doanh nghiệp, các vị khách nước ngoài, cùng đông đảo bà con nông dân, ngư dân cả nước đến tham dự buổi lễ.

Đọc diễn văn khai mạc Festival, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh và chiếm một tỷ trọng lớn trong số các mặt hàng xuất khẩu, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Năm 2009, tuy có nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn đạt trên 4,2 tỉ USD. Ước tính năm 2010 sẽ đạt khoảng 4,5 tỉ USD, tăng 7,1% so với năm 2009. Để ghi nhận sự đóng góp to lớn và quan trọng của ngành thủy sản đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tổ chức Festival thủy sản hàng năm và năm 2010 TP Cần Thơ vinh dự được đăng cai tổ chức lần đầu tiên. Đây là một sự kiện lớn về kinh tế,văn hóa, xã hội của cả nước và khu vực ĐBSCL, là ngày hội của nông dân, ngư dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thủy sản nhằm tôn vinh những giá trị của ngành thủy sản Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương (thứ hai, hàng đầu từ trái sang) trao đổi với đại diện một số đại sứ nước ngoài. Ảnh: T.LONG 

Tôn vinh các nhà khoa học, nông dân, ngư dân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.
Ảnh: KIM XUÂN 

Phát biểu tại Festival, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu cao ý nghĩa to lớn của việc tổ chức Festival, đồng thời khẳng định những tiềm năng, lợi thế và sự phát triển, lớn mạnh của ngành thủy sản Việt Nam và những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng đã bày tỏ sự tri ơn và đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu vượt qua biết bao khó khăn, gian khó và sức sáng tạo vĩ đại của hàng triệu lao động nghề cá. Thủy sản Việt Nam đã có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong 24 năm qua, kim ngạch xuất khẩu và sản lượng thủy sản cả nước liên tục tăng. Năm 2009 kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 6 lần và sản lượng tăng gấp 20 lần so với năm 1986. Việt Nam đã trở thành 1 trong 6 quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sản xuất và kinh doanh thủy sản của Việt Nam vẫn còn bất cập và khó khăn. Quy mô sản xuất còn nhỏ, phương tiện khai thác đánh bắt lạc hậu, dịch vụ hậu cần chậm phát triển, đời sống của lao động nghề cá còn nhiều khó khăn... do vậy cần khắc phục những yếu kém trên. Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, toàn ngành thủy sản, nhất là các ngư dân, nông dân, những nhà khoa học, doanh nghiệp cần nhanh chóng khắc phục yếu kém. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng và chế biến. Nhanh chóng khắc phục tình trạng giá cả bấp bênh, nhất là cá tra, cá basa... Phát triển thủy sản gắn với xây dựng làng nghề ven biển để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26 về nông nghiệp-nông dân-nông thôn.

Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010 đã trao thưởng và tôn vinh 12 nhà khoa học, 11 nông dân, ngư dân và 8 doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam.

Trước đó, sáng 24-4, đoàn xe hoa 29 chiếc của các tỉnh, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp ngành thủy sản... đã diễu hành cổ động Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010. Đoàn xe hoa xuất phát từ cổng UBND TP Cần Thơ qua các tuyến đường Nguyễn Trãi - Vòng xoay Cách Mạng Tháng 8 - đường Hùng Vương - đường Lý Tự Trọng - Đại Lộ Hòa Bình - qua cầu Ninh Kiều, theo vòng xoay đường Lê Lợi đến Công ty Hội chợ triển lãm Quốc tế Cần Thơ. Đây là hoạt động đầu tiên, mở màn cho các chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010 tại TP Cần Thơ.

7 giờ 30 phút, tại Công ty Hội chợ triển lãm Cần Thơ ((EFC) diễn ra Lễ khai mạc Hội chợ Thủy sản Việt Nam năm 2010, sự kiện thứ hai của Festival Thủy sản Việt Nam năm 2010. Đến dự Khai mạc Hội chợ có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp ngành thủy sản... Theo Ban tổ chức, Hội chợ Thủy sản Việt Nam năm 2010 có hơn 160 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia trên 550 gian hàng trưng bày, giới thiệu các thành tựu, cũng như công nghệ nuôi trồng, đánh bắt, khai thác, chế biến trong lĩnh vực thủy hải sản. Đây là cơ hội tốt để quảng bá, phát triển các tiềm năng, thế mạnh về thủy sản của các địa phương, các doanh nghiệp, đặc biệt là cá da trơn của ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương nhấn mạnh: Đến nay, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, đưa Việt Nam vào tốp các nước dẫn đầu thế giới về sản lượng khai thác, nuôi trồng, chế biến và kim ngạch xuất khẩu. Festival Thủy sản Việt Nam năm 2010 là lễ hội tôn vinh những người lao động trong ngành thủy sản, ngư dân, nông dân, nhà khoa học, doanh nhân, nhà quản lý đã và đang cống hiến cho ngành thủy sản khắp mọi miền đất nước.

* Sáng 24-4, Chương trình Liên hoan ẩm thực cũng đã được khai mạc tại nhà hàng Hoa Sứ. Tham gia chương trình có 16 đơn vị với 22 gian hàng là các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP Cần Thơ và một số đơn vị đến từ các địa phương khác như Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang... Phần lớn các món ăn được chế biến từ nguồn nguyên liệu thủy, hải sản. Khách tham quan sẽ thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng miền như bún cá Kiên Giang, bánh canh Bến Có (Trà Vinh)... Chương trình này sẽ kéo dài đến hết 27-4-2010.

Hoạt động ẩm thực tại khu vực Nhà hàng Hoa Sứ. Ảnh: NAM HƯƠNG 

Đồng chí Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiêm Trưởng ban tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010 tham quan gian hàng trưng bày của Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ khai thác Hải sản Biển Đông.
Ảnh: VĂN TUẤN 

Chiều cùng ngày, Ban tổ chức Festival đã tổ chức cho đoàn lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp,... tham quan vùng sản xuất - nuôi trồng và chế biến thủy sản tại Công ty cổ phần thủy sản Bình An (KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ).

Mô hình trình diễn cá bác sĩ, giống cá nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ và nhân giống trong nước thành công của Trại giống Koi Ba Sanh, quận Bình Thạnh (TPHCM) thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: T.LONG 

* Festival trái cây Việt Nam lần thứ I tại Tiền Giang đã bế mạc vào tối 24-4 với 800.000 lượt người tham dự, vượt xa sự mong đợi của Ban tổ chức. Tổng lượng trái cây bán ra trong 6 ngày diễn ra lễ hội là 1.000 tấn, nửa triệu cây giống được bán tại các hội chợ của lễ hội. Dịp này, Ban Tổ chức đã trao Cúp vàng “Vì sự phát triển trái cây Việt Nam chất lượng và An toàn thực phẩm” cho 18 doanh nghiệp, 30 nhà khoa học và 40 Viện, Trường, Sở, Ngành; tôn vinh 61 nhà vườn sáng tạo có nhiều đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển ngành cây ăn trái của nước ta trong những năm gần đây. Đồng thời, tiến hành thẩm định và xét chứng nhận 28 địa chỉ xanh đạt tiêu chuẩn vườn cây chất lượng và an toàn ở 12 tỉnh, thành trong cả nước.

Theo đánh giá của tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, sự quan tâm của doanh nghiệp và các nhà khoa học đối với festival trái cây cho thấy, tiềm năng và thế mạnh của cây ăn trái Việt Nam hoàn toàn có khả năng cất cánh trong những năm tới. Sự kiện này là sự động viên, cổ vũ các nhà vườn, doanh nghiệp và nhà khoa học phấn khởi, tiếp tục hăng say lao động sáng tạo, vì sản phẩm trái cây chất lượng và an toàn, vì mục tiêu đưa trái cây Việt Nam vươn qua biển lớn.

Ông Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Trưởng Ban chỉ đạo lễ hội, cho biết: “Sau Festival trái cây lần này, Tiền Giang phải rà soát lại quy hoạch các vùng cây ăn trái đặc sản của địa phương; lập dự án phát triển theo hướng GAP; xây dựng và triển khai các đề án phát triển cây ăn trái chất lượng và an toàn với những chính sách, cơ chế đồng bộ, để phát triển trái cây Việt Nam; xúc tiến đầu tư các nhà máy chế biến cây ăn trái; bảo quản sản phẩm cây ăn trái sau thu hoạch; tiếp thị, quảng bá, mở rộng thị trường trái cây đến các châu lục...”.

NHÓM PV KINH TẾ

Chia sẻ bài viết