23/05/2008 - 09:27

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII

Từ năm 2009, cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam

* Lùi thời gian xem xét thông qua Nghị quyết mở rộng Thủ đô Hà Nội

Chiều 22-5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm cho cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua và sử dụng nhà ở tại Việt Nam với 87,63% đại biểu tán thành. Theo quy định tại Nghị quyết thì từ ngày 1-1-2009, cá nhân, các tổ chức nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam được mua, sở hữu một căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại trong thời hạn tối đa là 50 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (đối với cá nhân nước ngoài), và thời hạn tương ứng với thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp (đối với tổ chức nước ngoài).

Theo Nghị quyết, có 5 đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: 1- Cá nhân có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuê chức danh quản lý trong doanh nghiệp đó; 2- Cá nhân nước ngoài có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương, Huy chương; cá nhân nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho Việt Nam do Thủ tướng quyết định; 3- Cá nhân nước ngoài đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội có trình độ đại học hoặc tương đương trở lên và người có kiến thức, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu; 4- Cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam; 5- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư không có chức năng kinh doanh bất động sản, có nhu cầu về nhà ở cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó.

Cá nhân nước ngoài (nêu trên) được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam với điều kiện phải đang sinh sống tại Việt Nam, được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên, và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi về ngoại giao của pháp luật Việt Nam. Mỗi cá nhân chỉ được mua và sở hữu 01 căn hộ; trường hợp được thừa kế, cho tặng căn hộ ngoài 01 căn đang sở hữu thì chỉ được hưởng giá trị của căn hộ được thừa kế, cho, tặng. Đối với tổ chức nước ngoài phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có giấy chứng nhận đầu tư, hoặc giấy tờ chứng nhận hoạt động đầu tư tương ứng với lĩnh vực đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Trường hợp cá nhân nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam và bị trục xuất khỏi Việt Nam thì nhà ở đó được xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi hết hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài phải bán, tặng hoặc cho nhà ở đó; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sở hữu nhà ở tương ứng với thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho doanh nghiệp đó bao gồm cả thời hạn được gia hạn thêm, thời hạn sở hữu được tính từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và được ghi trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Trường hợp khi hết hạn đầu tư, giải thể, phá sản, thì nhà ở của doanh nghiệp được xử lý theo quy định của pháp luật về đầu tư, về phá sản và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.v.v... Nghị quyết này có hiệu lực 5 năm. Sau khi Nghị quyết này hết hiệu lực, các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã mua nhà ở Việt Nam tiếp tục được quyền sử dụng đủ 50 năm đã ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở.

* Trước đó, sáng 22-5 các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật cán bộ, công chức. Đa số các ý kiến cho rằng dự án còn lúng túng vì chưa làm rõ hai khái niệm cơ bản là “Công vụ” và “Công chức’’. Theo diễn giải của đại biểu thì công vụ có hai ý nghĩa là “Công việc vì lợi ích chung” và nghĩa hẹp hơn là “Việc của cơ quan nhà nước”; ngay cả khái niệm “cán bộ”, “Công chức” cũng cần phải làm rõ. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) cho rằng: Cần phải xóa bỏ chế độ biên chế bởi vì công chức làm việc theo luật hành chính; còn cán bộ các đoàn thể chính trị do hiệp thương bầu ra thì do các điều lệ quy định địa vị, chế độ chính sách cho họ... Vì vậy, bản thân tên của Luật cũng nên gọi là Luật công vụ, công chức. Nếu vẫn duy trì chính sách tuyển dụng cán bộ, công chức như hiện nay thì sẽ không tạo nên chuyển biến tích cực theo mục tiêu cải cách hành chính. Hiện nay cán bộ, công chức đã có biên chế cứ ung dung hưởng lương bất kể hiệu quả cống hiến như thế nào; quan hệ với công chúng theo kiểu ban phát chứ không phải là phục vụ nhân dân như đối với khách hàng. Ông Sơn cũng đề nghị: Không nên tuyển dụng cán bộ theo bằng cấp, vì nó không đúng với thực tế của nhiều người hiện nay mà phải thi tuyển bằng việc xét năng lực thực tế. Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) góp ý: Cần phải quy định về phân cấp quyền tuyển dụng cán bộ, công chức cho các cấp chính quyền, đoàn thể và tăng thẩm quyền cho công chức, cán bộ cơ sở để giải quyết vấn đề đúng với thực tế.v.v...

Mở đầu phiên thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thông báo: Xét theo tình hình thực tế của kỳ họp và theo đề nghị của các cơ quan, để có thời gian cho các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Nghị quyết về mở rộng địa giới thành phố Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho lùi thời gian xem xét thông qua Nghị quyết này vào cuối kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo cho các đại biểu Quốc hội để các đại biểu Quốc hội quyết định vấn đề này trong chương trình thời gian tới của kỳ họp.

HỒNG QUÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết