29/03/2021 - 15:23

Trồng dưa leo tăng thu nhập 

Hơn 2 năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ánh, ở khu vực 3, phường Ba Láng, quận Cái Răng, trồng dưa leo trên đất thuê mướn, phát triển kinh tế gia đình. Tuy vất vả quanh năm, giá bán có khi bất ổn nhưng nhờ giống dưa leo này dễ trồng, dễ chăm sóc, ít rủi ro, mau thu hoạch, nên anh Ánh kiên trì bám nghề. Mùa thu hoạch rộ, anh còn tạo việc làm cho người thân trong gia đình…  

Vợ chồng anh Ánh đang thu hoạch dưa leo, bán cho thương lái.

Vợ chồng anh Ánh đang thu hoạch dưa leo, bán cho thương lái.

Gần 8 giờ sáng, vợ chồng anh Ánh hái và chuyển những thau dưa leo xanh non, đầy ắp từ rẫy lên bờ để cân cho thương lái. Anh Ánh cho biết: “Hơn 400kg dưa leo, giá 6.000 đồng/kg. Trong khi vài bữa trước, tôi cân gần 700kg, giá mỗi ký 4.500 đồng. Làm ăn uy tín bao năm nên “thuận mua vừa bán”, thương lái không chê hàng, ép giá, còn trả tiền mặt nữa. Lúc bắt đầu trồng dưa leo đến giờ, tôi chưa gặp tình trạng thua lỗ”. 

Gia cảnh khó khăn, không đất canh tác, ai mướn làm gì anh Ánh cũng nhận, còn làm nhiều nghề “tay ngang” như: thợ mộc, thợ hồ… để kiếm sống. Năm 25 tuổi, anh Ánh lập gia đình, lần lượt có hai con, nghề làm mướn bấp bênh không đủ sống. Vài năm sau, vợ chồng anh Ánh bàn bạc mướn 1ha (24 triệu đồng/năm) đất trồng lúa. Vợ chồng anh ra sức canh tác, không mướn thêm người nhưng xong mùa vụ cũng chỉ đủ ăn, không dư dả gì sau khi trừ chi phí. Anh Ánh cho biết: “Các năm đầu còn có thu nhập, về sau chỉ huề vốn, đủ ăn do chi phí giống, phân, thuốc cao”.    

Năm 2019, qua tìm hiểu, cập nhật thông tin chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Ánh quyết định ngưng trồng lúa, chuyển sang trồng rẫy. Ðược hỗ trợ vay vốn ưu đãi 40 triệu đồng, anh Ánh có thêm vốn đầu tư cải tạo đất, trồng các loại rau cải, mà chủ lực là dưa leo. Bên cạnh kinh nghiệm tự tích lũy, anh Ánh chịu khó học hỏi bạn bè, tham khảo tài liệu, mạng xã hội về kỹ thuật trồng rẫy. Anh Ánh nói: “Nói dưa leo dễ trồng nhưng muốn cây xanh tốt, gia tăng năng suất đáng kể, cần phải ra công chăm sóc, chú ý kỹ thuật chọn và xử lý giống. Sau mỗi lần bón đúng, đủ phân, nhớ vun gốc, tưới nước, làm giàn, ngắt đọt đúng thời điểm để dưa đâm nhiều tượt…”.  Sau khi trồng khoảng 25 ngày, dưa leo bắt đầu ra trái và khoảng 10 ngày sau, có thể thu hoạch, tùy từng loại giống. Anh Ánh thường hái dưa leo lúc sáng sớm, còn chiều mát sẽ bón phân và tưới nước để cây tiếp tục cho lứa trái sau. Ngoài trồng dưa leo tiếp nối để bán hằng ngày, anh Ánh còn trồng xen canh cải ngọt, cải xanh, vừa tận dụng và cải tạo đất sản xuất, vừa điều hòa dinh dưỡng các loại cây trồng, giảm sâu bệnh phá hại và tăng thu nhập. Anh Ánh nói: “Mỗi dịp Tết Nguyên đán, tôi trồng và bán thêm cải làm dưa. Loại này dễ trồng, mau thu hoạch, cầm chắc thu nhập, đáp ứng nhu cầu món ăn truyền thống ngày Tết của người dân”. Mỗi năm, trừ chi phí, anh Ánh thu lợi nhuận từ dưa leo bình quân 30-40 triệu đồng. Chị Việt, vợ anh Ánh, chia sẻ: “Năm 2017, tôi được Hội Phụ nữ phường vận động Hội Phụ nữ thành phố tặng mái ấm tình thương, còn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi tăng gia sản xuất. Con trai lớn của tôi là quân nhân xuất ngũ được học nghề lái xe miễn phí và đang thử việc, con nhỏ đang học lớp 9. Hiện kinh tế gia đình khá ổn định, vợ chồng tôi cố gắng làm ăn để cải thiện cuộc sống, chỉ mong mưa thuận, gió hòa…”.            

Ông Ðỗ Văn Ngon, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn khu vực 3, phường Ba Láng, cho biết: “Vợ chồng anh Ánh chí thú làm ăn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế. Mạnh dạn mướn đất canh tác, anh Ánh nhạy bén nắm bắt nhu cầu mùa vụ, thị trường, kịp thời chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rẫy phù hợp điều kiện kinh tế gia đình. Từ hộ nghèo đến nay anh Ánh đã thoát cận nghèo, từng bước vươn lên khấm khá”.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG      

Chia sẻ bài viết