02/02/2011 - 16:04

Trỗi dậy niềm đam mê toán học

Ly Giang

Ngày 19-8-2010, tin Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields- được xem là giải “Nobel Toán học” đã khiến hàng triệu người Việt Nam phấn khởi, tự hào. Và niềm tự hào dân tộc đó càng lan tỏa, bừng cháy trong lòng những học sinh, sinh viên giỏi Toán ở ĐBSCL: Võ Quốc Bá Cẩn, Nguyễn Lưu Danh, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ; Ngô Thế Phương, học sinh Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang. Với họ, Toán học không phải là vùng sa mạc khô cằn mà là niềm đam mê, đầy sức hút.

Võ Quốc Bá Cẩn giới thiệu quyển sách tâm đắc mà mình là đồng tác giả. Ảnh: L.G

1- Niềm đam mê môn Toán của Võ Quốc Bá Cẩn, cựu học sinh Trường Chuyên Lý Tự Trọng được “đánh thức” bằng sự tự ái của một học sinh THCS thi không đậu vào trường chuyên. Cẩn vào học Trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ, mang theo nỗi niềm ấm ức phải “phục thù” môn Toán. Mới 15 tuổi nhưng Cẩn đã biết nghĩ “thất bại nơi nào sẽ đứng lên ở chính nơi ấy”. Vì vậy, năm học lớp 10, Cẩn lao vào học toán. Cẩn kể: “Thư viện Trường THPT Châu Văn Liêm khá phong phú về đầu sách Toán nhưng hết học kỳ 1, tôi đã tự học gần hết. Tôi hay lang thang tìm mua sách Toán ở các nhà sách cũ để tự học”. Kết thúc năm học lớp 10, Cẩn tự tin thi lần hai và trúng tuyển vào lớp chuyên Toán Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng.

Mặc dù tập trung nhiều cho môn Toán nhưng do tự học nên Bá Cẩn cũng bỡ ngỡ thời gian đầu. Dần dần, Cẩn theo kịp các bạn lớp chuyên và được chọn dự thi học sinh giỏi cấp thành phố, học sinh giỏi Olympic 30-4 (kỳ thi dành cho học sinh giỏi lớp 10, 11 các tỉnh, thành khu vực phía Nam) và đoạt Huy chương Đồng. Đến lớp 12, Cẩn đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp thành phố, đoạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi giải Toán bằng máy tính bỏ túi cấp thành phố, giải Ba kỳ thi giải Toán trên máy tính bỏ túi khu vực phía Nam, giải Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Niềm đam mê môn Toán như mạch nước suối trong cứ tuôn trào trong Cẩn. Cẩn tốt nghiệp THPT loại giỏi và được tuyển thẳng vào ngành Dược, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Cẩn vẫn luyến tiếc: “Tôi luôn bị dày vò vì đã không kiên định với niềm đam mê toán của mình khi chọn học Dược. Vì vậy, tôi đã tự giải tỏa bằng cách tiếp tục viết các chuyên đề về “Bất đẳng thức” mà tôi đã bắt đầu từ khi còn học phổ thông”. Từ đó, Cẩn phát hiện mình ngày càng đam mê “Bất đẳng thức” trong toán học. Chính sự đam mê ấy đưa đến kết quả là Cẩn đã hoàn thành 2 quyển chuyên đề đầu tiên về “Bất đẳng thức”, với độ dày 300 trang, trong thời gian học năm thứ nhất Trường Đại học Y Dược.

Trình bày những nghiên cứu của mình về bất đẳng thức trên các diễn đàn Toán học, Cẩn được nhiều người mời làm cộng tác viên cho các quyển sách của họ: với tác giả Trần Phương trong quyển “Những viên kim cương trong bất đẳng thức Toán học”; với tác giả Phạm Văn Thuận trong quyển “Bất đẳng thức suy luận và khám phá”, với tác giả Phạm Kim Hùng trong quyển “Secrets in Inequalities”,... Năm 2008 đánh dấu một cột mốc mới trong sự nghiệp viết sách Toán của Võ Quốc Bá Cẩn, khi được Nhà xuất bản GIL (Rumani) đặt hàng viết quyển “Old and new Inequalities” (tạm dịch: Bất đẳng thức cũ và mới) dày 160 trang. Từ năm 2009, thông qua các diễn đàn toán, Cẩn quen và chính thức cùng viết sách Toán với sinh viên Trần Quốc Anh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong năm 2009, hai tác giả trẻ này đã cho xuất bản 2 quyển sách tại Nhà xuất bản Hà Nội quyển “Bất đẳng thức và những lời giải hay” và Nhà xuất bản GIL quyển “Inequalities with Beautiful Solutions” với sự cộng tác của Vasile Cirtoaje, giáo sư Trường Đại học Ploiesti, Rumani. Năm 2010, Bá Cẩn và Quốc Anh xuất bản 2 quyển và phối hợp với Trần Phương, Nguyễn Văn Dũng ra thêm 2 đầu sách khác. Cẩn nói: “Từ năm 2006 đến nay, tôi viết khoảng 5 ngàn trang sách, tất cả đều liên quan đến Bất đẳng thức. Trong đó, tôi ưng ý nhất là quyển “Sử dụng phương pháp của Cauchy - Schwarz để chứng minh Bất đẳng thức”. Quyển này vừa xuất bản 2 tuần đã bán gần 1.000 quyển và chuẩn bị tái bản. Chúng tôi đang chuyển ngữ sang tiếng Anh để xuất bản tại Mỹ và Rumani”.

Viết sách nhiều và nghiên cứu chuyên sâu về “Bất đẳng thức”, Cẩn được nhiều người biết đến nên trở thành thầy giáo “bất đắc dĩ” khi được các trường THPT chuyên mời về dạy cho đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Toán của các trường. Cẩn thường xuyên được “thỉnh giảng” dạy chuyên đề “Bất đẳng thức” tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Trường phổ thông Năng khiếu TP Hồ Chí Minh; Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long; Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ... Được đi dạy càng nung nấu trong Cẩn quyết tâm trở thành thầy giáo dạy Toán. Cẩn nói: “Kế hoạch của tôi là sau khi thi tốt nghiệp ra trường tìm một việc làm và lo cho gia đình ổn định. 5 năm sau, tôi sẽ thi lại vào Trường Đại học Sư phạm để danh chánh ngôn thuận trở thành thầy giáo dạy Toán”.

Nguyễn Lưu Danh (bìa trái) và các bạn cùng đội dự thi Olympic Toán quốc tế (IMC 2010).
Ảnh: Gia đình cung cấp

2- Năm 2010 là năm Nguyễn Lưu Danh, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ, để lại dấu ấn quan trọng trên “đấu trường” Toán quốc tế khi đoạt Huy chương Vàng ở cuộc thi Olympic Toán quốc tế dành cho sinh viên (IMC 2010) tổ chức ở Bulgaria. Danh đại diện cho Trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore dự thi. Nhắc về cậu học sinh “nghiện Toán”, giáo viên Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng vẫn còn nhớ như in hình ảnh một học sinh đam mê Toán đến quên cả các môn học khác. Danh luôn tìm tòi những cách giải mới những bài toán khó, không chịu rập khuôn máy móc. Với Danh, sự đam mê, sáng tạo sẽ không dừng lại ở việc biết và đạt được những kết quả có sẵn.

Sở thích môn Toán của Danh được thể hiện từ khi còn học tiểu học. Hôm nào, cha mẹ không kiểm tra là Danh lại giấu vở bài học các môn khác để mang vở toán ra làm bài tập. Danh học giỏi, thường được gia đình thưởng nhưng khi được tự chọn phần thưởng, Danh đều chọn... sách Toán. Ông Nguyễn Hữu Tường, ba của Lưu Danh kể: “Thấy Danh quá đam mê môn Toán gia đình chiều ý cháu dù biết nếu theo đuổi nghiên cứu Toán học chắc Danh sẽ gặp không ít khó khăn”.

Năm học lớp 12, Nguyễn Lưu Danh thi đậu cùng lúc hai học bổng của Singapore tại hai trường: Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Sau khi vượt qua phỏng vấn, Danh được trường NTU cấp học bổng toàn phần (Học bổng Asean của Chính phủ Singapore). Đam mê Toán nên Danh chọn học ngành Toán tại NTU. Để được dự thi ở kỳ thi Olympic Toán quốc tế vừa qua, Danh phải trải qua hai vòng thi cấp trường để là một trong bốn sinh viên đại diện NTU dự thi. Không chỉ đạt thành tích ở “đấu trường” quốc tế, Danh còn là sinh viên xuất sắc tại trường khi lọt vào nhóm 5% (nhóm sinh viên giỏi, được trường ưu đãi cho tham gia nghiên cứu đề tài cùng các giáo sư).

Học bổng đã đảm bảo chi phí ăn, ở, học hành nên Danh không phải làm thêm hay xin hỗ trợ của gia đình. Thời gian còn lại, Danh dành cho một niềm đam mê khác chính là guitar cổ điển. Ngay khi đến Singapore, Danh đã học và thành lập câu lạc bộ guitar. Hiện nay, Danh là thành viên dàn giao hưởng guitar của trường NTU. Với Danh, guitar sẽ giúp bạn có những phút giải trí để tiếp tục nghiên cứu những bài toán hóc búa và nuôi dưỡng ước mơ với Toán học...

Ngô Thế Phương có thể giải toán bất kỳ lúc nào. Ảnh: L.G

3- Ngô Thế Phương học sinh lớp 12A1, Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, tỉnh An Giang, không thể hiện năng khiếu môn Toán ngay từ sớm. Đến lớp 5 Phương có hứng thú với môn Toán khi em được chọn vào đội học sinh giỏi môn Toán của trường dự thi cấp tỉnh và đoạt giải Ba. Từ lúc ấy, niềm đam mê Toán lớn dần trong Phương. Dần dần như một thói quen, khi rảnh rỗi, Phương lại lấy sách Toán ra học, nghiên cứu. Đến năm lớp 9, gia đình quyết định cho Phương thi vào Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, em đăng ký ngay môn Toán. Trong quá trình ôn thi, Phương hay thử sức với những đề toán của Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu đã cho những năm trước. Tìm được đề, tự mình giải, lần một giải không xong, Phương lại giải lần hai... cứ thế đến khi nào giải được mới thôi. Phương cười: “Ba mẹ em nói em rất “lì” với môn Toán”.

Phương đậu vào lớp chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu với điểm khá cao. Ở trường chuyên, Phương càng “nghiện” nặng Toán học. Phương thường xuyên đến nhà sách tìm những quyển sách Toán. Tìm được những bài toán hay, khó, Phương tập trung giải cho bằng được. Phương rất hứng thú khi nói về tủ sách mini của riêng mình với 64 quyển, chỉ toàn sách toán. Những khi có thời gian, Phương lại lấy ra sắp xếp dù bản thân đã thuộc làu vị trí của từng quyển. Đôi lúc, em lại chọn những bài toán khó và giải lại để không bị quên kiến thức.

Thầy Võ Thanh Trắc, giáo viên dạy Toán đồng thời là giáo viên chủ nhiệm của Phương từ lớp 10 đến nay, nhận xét: “Phương là học sinh ưng ý nhất của tôi bởi em vừa thông minh, vừa cần cù lại rất ngoan. Phương rất chịu khó đầu tư, làm bài tập và tự nghiên cứu những cách giải khác nhau trong cùng một bài toán”. Phương cho rằng mỗi khi tự mình giải được một bài toán khó, em thấy rất vui, cả ngày đều nghĩ về nó và tự tin hẳn lên. Thích môn Toán đến vậy nên ngay năm lớp 10, Phương đã đoạt Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic 30-4. Điều đặc biệt ở Phương chính là việc nhìn ra mối liên hệ giữa môn Toán và các môn tự nhiên khác và tận dụng một cách hiệu quả. Phương cho rằng nhờ học môn Toán tốt nên em đã vận dụng nhanh trong khi giải các bài tập môn vật lý, hóa học... nhất là ở những đề thi trắc nghiệm.

Những ngày cuối năm, Phương đang cùng đội tuyển học sinh giỏi của trường chuẩn bị ôn tập ráo riết để tham gia kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc sắp tới.

***

Cả Cẩn, Danh và Phương đều yêu thích Toán học và vô cùng ngưỡng mộ Giáo sư Ngô Bảo Châu, xem ông như là một “tấm gương” trong cuộc đời. Với họ, tương lai đang còn ở phía trước, nhưng ngay tại thời điểm này, môn Toán luôn là một lựa chọn cho niềm đam mê để nỗ lực hết mình.

Chia sẻ bài viết