10/02/2010 - 16:36

Trỗi dậy

* HỮU ĐỨC

Trên đường khai phá thị trường, một doanh nhân dõi theo cách tiêu dùng của khách hàng phương xa nói: “Cá nhà nghèo, tôm nhà giàu”. Giàu hay nghèo mặc kệ, chưa thấy ai chê tôm cá Việt Nam bao giờ. Vậy tại sao,  con cá con tôm lại bị kiện? Phó Giám đốc doanh nghiệp (DN) XK thủy sản bị câu lưu ở xứ người? Vì sao đưa thực phẩm đến tay người mà bị xem là phá giá ? Con cá và tự do là một câu chuyện kỳ lạ nhất khi nói tới cá tra, ba sa.

Người hàng xóm bênh con...

Niềm vui tôm sú trúng giá. Ảnh: L.H.V. 

TS Nguyễn Văn Hảo, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, lý giải: Cá tra Việt Nam có hệ thống canh tác độc nhất trên thế giới, sản xuất đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành nuôi trồng thủy sản, hơn 90% được chế biến và XK sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và với giá cả phù hợp nên ngày càng được thị trường thế giới chấp nhận.

Giới kinh doanh thủy sản XK cho rằng, trước cá tra, con tôm sú từng không có đối thủ trên thị trường nhập khẩu nhiều nhất vào các nước Nhật, Mỹ. Không ai ngờ lường trước bất trắc trong chuyện làm ăn. Nhưng đó là cách bênh con theo kiểu “nhà giàu đứt tay như nhà nghèo đổ ruột”.

Năm 2008, thế giới rơi vào khủng hoảng, suy thoái khiến dân nuôi cá ăn ngủ không yên, dư thừa sản lượng phải neo ao, cầm cự. Con cá nước ngọt, con tôm nước lợ cũng chẳng khá gì, giá tôm giảm sút vì dân nhà giàu lại thắt hầu bao, thắt lưng buộc bụng. Rủi ro cao, nuôi tôm trúng chưa kịp mừng mà lời lãi chẳng được bao nhiêu. Người bàn chuyện quay sang nuôi cua biển, cá chẽm, cá kèo... lại có nơi nông dân quay về làm thêm vụ lúa cho chắc ăn.

Nuôi cá tra theo hướng sản xuất sản phẩm sạch đang được chú trọng. Ảnh: THANH LONG.

Sau cơn mưa, trời lại sáng... chỉ sau mấy tháng đầu năm 2009 thị trường con tôm “búng ngược” như một cuộc đảo chiều ngoạn mục trước khi kinh tế thế giới xác nhận chỉ dấu phục hồi, thức giấc cuối năm. Bằng chứng... từ giữa năm 2009 người nuôi và các DN bắt nhịp trở lại thị trường XK. Giá tôm sú ở các tỉnh miền Tây liên tiếp tăng vùn vụt. Tôm sú phất giá trở lại. Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu (XK) tăng giá thu mua nguyên liệu. Dân nuôi tôm thu hoạch cuối vụ gặp giá tôm lên như diều. Ông Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn), chủ trang trại nuôi tôm sinh thái (TST) nổi tiếng ở Bạc Liêu bày cách mới: “TST theo qui trình kỹ thuật và thả mật độ thưa. Sản phẩm là tôm sạch dành cho thị trường cao cấp, có DN bao tiêu mức giá cao hơn tôm sú mười mấy hai chục ngàn mỗi ký so với nuôi thông thường mà không lo chi thị trường trở ngại...”.

Bất ngờ hơn nữa càng về cận kề cuối năm, dù nhịp độ mua bán cá tra nguyên liệu “lặng lờ”, nhưng sản lượng cá tra vẫn vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu các sản phẩm cá tra tại thị trường trên thế giới đang tăng mạnh từ 2-10 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, kim ngạch XK cá tra cả năm có thể đạt tới 1,3 tỉ USD (gần tới mức 1,45 tỉ USD năm 2008). Và đây cũng là lần đầu tiên cá tra đã làm được điều mà 10 năm trước ít ai dám nghĩ là  vượt qua mặt con tôm sú. Sản lượng cá tra của Việt Nam đã tăng 50 lần, giá trị XK tăng 65 lần. Thị trường nhập khẩu thủy sản thế giới mở ra. Thị trường Đông Âu có sức mua tăng gấp 4 lần, một số nước ở châu Phi tăng nhu cầu lên 10 lần. Thị trường Ai Cập, Hà Lan khẳng định cá tra, ba sa Việt Nam an toàn 100% và hàng thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục được XK. Trong khi đó 6 DN thủy sản Việt Nam được Bộ Thương mại Mỹ công bố không áp thuế chống bán phá giá hoặc có mức thuế rất thấp, gần như bằng 0%. Vận may đang mở ra.

Lo xa... dưới chân mình

Sản lượng cá tra tăng bình quân 9%/năm. Năm 2008 Việt Nam xuất khẩu 640 ngàn tấn  và thu được 1,45 tỉ USD, tăng 66% về sản lượng và 48% lợi nhuận so 2007.

“Nắm đuôi, nhẹ tay nâng bụng...”, bất chợt cá quẫy đuôi thật mạnh vọt ra, lượn nhanh theo lòng hồ. Suốt cả buổi chiều kỹ sư Nguyễn Thanh Hiệu, khoa thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, áo quần đẫm nước, tận tình hướng dẫn từng thao tác chuyển giao kỹ thuật sinh sản cá tra giống nhân tạo. Cứ thế nhẹ nhàng từng con. Mai mốt từ đây sẽ là một nơi cung cấp cá giống chất lượng tốt, khỏe mạnh tạo ra hàng trăm ngàn tấn cá thịt ngon lành. Ý tưởng đó đã thành hiện thực của một Giám đốc doanh nghiệp (DN) trong ngành chế biến thủy sản ở Cần Thơ. Người đã đầu tư hơn 100ha làm thành một vùng ao nuôi công nghiệp liên hoàn và với một cách tính căn cơ - bắt đầu “chuẩn hóa” từ con giống.

Ở đó có đàn cá tra bố mẹ tự nhiên mua từ biển hồ - vương quốc Campuchia đưa về cả chục ngàn con. Hồi mới đầu mỗi con chỉ nặng ba bốn ký, nhưng nuôi vỗ ở vùng nước bạc hạ lưu này chỉ sau bốn tháng, một con nặng tới chín mười ký lô. Da bụng trắng phao, bóng mượt. Mấy kỹ sư thủy sản trẻ mới ra trường về “đầu quân” tại đây nói: “Chỉ riêng buồng trứng của cá mẹ đã nặng hơn một ký và thử hình dung xem cấp số nhân sẽ là hàng vạn con giống sinh sôi, lo cho đàn cá mạnh mẽ, vẫy vùng. Có như thế này mới hạ thấp tỷ lệ hao hụt, hạ giá thành”.

Thắng mùa tôm sú. Ảnh: L.H.V. 

Các DN bắt đầu chăm chút lo lắng hình thành vùng nuôi cá sạch, cá ngon. Ở thượng nguồn dân nuôi cá làm quen ký kết theo cung cầu, tính chuyện làm mã vạch. Về hạ lưu bắt tay làm ăn liên kết, gia công. Nói không với tạp chất, loại trừ cách làm ăn gian dối... hóa ra lại là chuyện lớn, nó trương nở theo bề mặt lẫn chiều sâu. Cái hay của một năm vừa chạy khỏi ám ảnh của khủng hoảng vừa tạo dựng hình ảnh đẹp về thực phẩm Việt Nam, người trong cuộc đã thẳng thừng tuyên chiến với cái xấu.

Bởi chuyện người tranh mua, tranh bán, giẫm đạp lẫn nhau đã diễn ra từ lâu, lâu lắm rồi. Sau một năm thăng trầm, cảnh nuôi cá tra năm nay khiến người ta liên tưởng phía sau cái không gian yến tiệc là khúc  tự tình với bao nỗi niềm của biết bao kiểu làm ăn.

Một chiều cuối năm, tôi trông ra mặt ao phẳng lặng, cảm giác bên trong ẩn chứa một cuộc chuyển đổi không phải âm thầm mà phải trỗi dậy mạnh mẽ ý thức làm ăn từ sản phẩm sạch. Hoàn toàn sạch sẽ trở thành một thông điệp.

À, không! Một sự cam kết mới đúng.

Chia sẻ bài viết