Những ngày cuối năm, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ (thị trấn Phú Mỹ) huyện Phú Tân, An Giang tất bật hơn bao giờ hết. Đây là làng nghề truyền thống trăm năm, nổi tiếng với những chiếc bánh phồng vừa mềm, vừa xốp, mang hương vị đậm đà đặc trưng.
Nghề gia truyền
Con đường dẫn đến ấp Thượng 3 - "trái tim" của làng nghề bánh phồng Phú Mỹ những ngày này thật ấm áp. Không khí Tết càng thêm rõ nét qua từng hơi thở của làng quê. Hương thơm nồng nàn của nếp mới hòa lẫn trong mùi ngọt ngào của mè và đường, lan tỏa, khiến ai đi ngang qua làng nghề cũng phải dừng chân, nôn nao Tết.
Bánh phồng Phú Mỹ có sự đa dạng cả về hương vị (bánh phồng sữa, bánh phồng mè, đậu phộng…) để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Dọc bên đường, những tấm phên phơi bánh phồng trải dài, từng chiếc bánh tròn đều, trắng ngần được xếp ngay ngắn, chờ đón ánh nắng. Những người thợ bánh trò chuyện rôm rả về Tết, tiếng máy quết bột cùng tiếng cười giòn tan của trẻ nhỏ làm cho bức tranh làng quê thêm sắc màu.
Ông Trần Văn Tâm (71 tuổi) - một hộ dân ở làng nghề bánh phòng Phú Mỹ, chia sẻ: "Gia đình tôi đã 3 đời bánh phồng. Nghề này đã nuôi sống gia đình từ cha ông tôi, rồi đến lượt tôi và nay con trai tôi lại tiếp tục nghề gia truyền". Trong nhà xưởng, ông Tâm cùng các thành viên trong gia đình đang tất bật chuẩn bị những mẻ bánh để kịp giao cho thương lái. “Ngày thường, gia đình tôi làm từ 2.000 đến 3.000 cái bánh. Còn vào dịp Tết, nhu cầu tăng gấp đôi, gấp ba. Gia đình chúng tôi phải huy động hết sức làm mà vẫn không xuể kịp” - ông Tâm nói.
Còn tại cơ sở sản xuất của ông Trần Văn Xuân (66 tuổi) cũng không kém phần tấp nập. Những công nhân hăng hái cán bánh, trong khi lò nấu xôi và máy quết hoạt động hết công suất. Ông Xuân cho biết: "Ngày thường, chúng tôi làm từ 2-3 giờ sáng đến 8-9 giờ là xong. Nhưng từ tháng 11 âm lịch đến nay, chúng tôi phải bắt đầu làm từ 10 giờ đêm hôm trước". Theo ông Xuân, bình thường lò chỉ sản xuất khoảng 10 ổ bột (tương đương 6.000 cái bánh), nhưng dịp Tết, sản lượng phải tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba mới kịp giao hàng cho khách.
Những người thợ cán bánh bằng máy để bánh tròn đều hơn.
Giá bánh phồng hiện dao động từ 120.000-150.000 đồng/100 cái. Kể từ khi được hỗ trợ máy móc vào năm 2000, các cơ sở sản xuất như của ông Xuân đã nâng cao năng suất rõ rệt. "Trước kia làm tay phải cần đến 15 nhân công, giờ chỉ cần 10 người mà năng suất lại cao gấp đôi” - ông Xuân cho hay.
Ông Lê Thiện Tuấn, một hộ làm bánh lâu năm khác trong làng nghề, cũng có thống kê tương tự. “Ngày thường, lò chỉ làm từ 5-7 ổ. Còn Tết, chúng tôi làm đến 20 ổ mỗi ngày”. Sức sống ở làng nghề bánh phồng Phú Mỹ được gìn giữ hơn trăm năm không chỉ nhờ những đôi tay cần cù, mà còn có cả tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại.
Sự tinh tế trong từng chiếc bánh
Nguyên liệu chính của bánh phồng là nếp được trồng tại huyện Phú Tân, nên mang thêm hương vị quê hương khó nơi nào có được và đó cũng là sức sống của làng nghề qua trăm năm. Nếp sau khi xay nhuyễn được nhồi cùng đường, sữa và các loại gia vị như mè, đậu phộng, đậu nành… Sau đó, bột được cán mỏng bằng tay hoặc máy, rồi được cắt thành từng miếng tròn đều đặn đem phơi… Tất cả các công đoạn đều tỉ mỉ để giữ nguyên mùi thơm của bánh phồng.
Mỗi tháng, làng nghề cung cấp ra thị trường hơn 3,4 triệu chiếc bánh ra thị trường.
Theo UBND huyện Phú Tân, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hiện có 16 hộ sản xuất thường xuyên, tăng 1 hộ so với năm 2023. Làng nghề tạo việc làm cho 115 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí xuất khẩu sang Campuchia. Bình quân mỗi tháng, làng nghề cung cấp ra thị trường hơn 3,4 triệu chiếc bánh.
Làng nghề sản xuất bánh phồng quanh năm. Nghề làm bánh không chỉ là sinh kế của nhiều gia đình mà còn phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Vào những ngày này, làng nghề bận rộn hơn ngày thường, sự nhộn nhịp cũng nói lên sức sống của làng nghề. Bánh phồng Phú Mỹ hiện có mặt trên khắp các sạp hàng Tết, không chỉ là món quà quê mộc mạc, mà còn gắn liền với những giá trị truyền thống. Từng chiếc bánh như gửi gắm câu chuyện về làng nghề trăm tuổi, mang ý nghĩa vẹn tròn cho một mùa xuân an lành.
Bài, ảnh: NHUNG NGUYỄN