15/02/2021 - 15:31

Trách nhiệm phát triển bền vững 

Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhận định rằng dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi cách thức tiếp cận, xây dựng lại ngành Du lịch theo một cách thức khác, bền vững và kiên cường hơn. Đó là du lịch xanh và có trách nhiệm. 

Phan Nam Farm với không gian mát mẻ. 

Khảo sát từ Booking.com cho biết dịch COVID-19 đã làm cho 59% du khách Việt Nam tìm kiếm những phương cách du lịch giảm tác động lên môi trường và cộng đồng địa phương; gần 52% sẵn sàng giảm thiểu rác thải và tăng cường sử dụng vật liệu tái chế trong hành trình du lịch; 73% muốn hỗ trợ xây dựng cộng đồng, phát triển ngành du lịch bền vững hơn. Ðiều này cho thấy sự nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm, thường gắn bó mật thiết với loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Trong đó, mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp giáo dục - đang được yêu thích. 

“Ra vườn nhặt nắng”, “Trồng thêm một cái cây”... nằm trong những chương trình trải nghiệm tại Bảo Gia Farm Camping (Hậu Giang) đang hướng đến du khách nhỏ tuổi và gia đình. Bảo Gia Farm Camping là nông trại rộng 7ha, hoạt động nông nghiệp sạch theo phương thức hữu cơ và có đội ngũ kỹ sư chuyên trách về cây trồng, vật nuôi. Du khách tham gia trải nghiệm sẽ được hướng dẫn thu hoạch bầu bí, dưa lưới, các loại rau; hay chăm sóc dê, thỏ. Kiến thức và kỹ thuật trồng cây, thu hoạch hay chăm sóc vật nuôi sẽ được người hướng dẫn trong nông trại chia sẻ tận tình. Du khách Trần Mỹ Thanh chia sẻ rằng: “Ðến đây, mình có thêm nhiều kiến thức về tự nhiên, trồng trọt bằng phương pháp hữu cơ, hiểu về du lịch canh nông, cũng yêu văn hóa Tây Nam Bộ hơn”. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Giám đốc Dự án Bảo gia Farm Camping, cho biết: “Ở nông trại chúng tôi còn hướng đến các giá trị văn hóa bản địa. Các sản phẩm từ làng nghề dệt chiếu, đan đát… được giới thiệu đến du khách qua hoạt động học nghề cùng nghệ nhân tại nông trại. Chúng tôi muốn đem đến du khách những trải nghiệm du lịch có trách nhiệm với môi trường”. Bảo Gia Farm Camping đã xây dựng nhiều mô hình trải nghiệm kết nối với thiên nhiên và văn hóa bản địa: Be a Farmer, Family Outing, Summer Camp, Cultural Exchange và các khóa học chủ đề về làm sản phẩm thủ công truyền thống.

Trải nghiệm tại nhà màng vườn cà chua bi tại Phan Nam Farm. 

Còn Phan Nam Farm, An Giang, nổi tiếng với chương trình “Một ngày làm nông dân”. Tại đây cũng có các kỹ sư hướng dẫn du khách khám phá vườn cây ăn trái; thu hoạch và thưởng thức rau, củ, quả sạch; trải nghiệm quy trình sản xuất rau an toàn, thu hái dược liệu... Nông trại có diện tích 4ha, chia thành hai khu chính. Khu A khoảng 2ha dành cho hệ thống nhà màng, nhà lưới, khu ẩm thực và nhà trưng bày. Khu B trồng rau an toàn và dược liệu. Hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng nhiều loại cây theo công nghệ mới, như: dưa lưới, dưa lê, cà chua bi, cà cherry, dưa leo baby… Ông Trần Linh Tâm, Trưởng trại sản xuất Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam, cho biết: “Ban đầu, chúng tôi trồng rau, củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP, sau đó mới mở rộng phục vụ du khách, chủ yếu là học sinh, từng bước hình thành mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp giáo dục”. Tại Phan Nam Farm còn có chương trình rèn luyện kỹ năng sinh tồn trong môi trường tự nhiên thông qua một số trò chơi.

Tại Cần Thơ, Canthofarm nổi tiếng với mô hình du lịch nông trại. Ông Nguyễn Văn Phong, chủ Canthofarm, chia sẻ: “Trước đây tôi là giáo viên, vì mê nông nghiệp nên nghiên cứu, tìm tòi làm nông nghiệp sạch, dần hình thành nông trại như hôm nay. Hoạt động du lịch tại nông trại chủ yếu là chia sẻ các hoạt động nông nghiệp đến với học sinh”. Ngoài thế mạnh là rau thủy canh, dưa lưới, Canthofarm còn có nhiều loại cây trồng, giống lạ ở các nơi khác. Nơi đây cũng trở thành địa điểm được nhiều trường học ở ÐBSCL đưa học sinh đến tham quan và trải nghiệm.

Mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp giáo dục được xem là hướng phát triển bền vững của du lịch xanh, du lịch có trách nghiệm. Hoạt động chính của mô hình này là sản xuất nông nghiệp, hoạt động du lịch chỉ là một mắt xích trong chuỗi dịch vụ, nên ít chịu tác động từ ngoại lực. Ông Trần Linh Tâm, Trưởng trại sản xuất Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam, cho biết: “Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi hạn chế hoạt động du lịch, thay vào đó tập trung vào sản xuất nông sản và nghiên cứu các loại giống, cây trồng vì có đầu ra ổn định. Hoạt động du lịch tại nông trại chú trọng đến việc chia sẻ, lan tỏa những giá trị nông nghiệp, văn hóa bản địa đến các em học sinh”. Ðồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, Giám đốc Dự án Bảo Gia Farm Camping, cho biết: “Trong thời gian tạm ngưng đón du khách vì COVID-19, chúng tôi vẫn sản xuất nông sản và tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, xây dựng sản phẩm mới. Bên cạnh xây dựng không gian riêng cho các hoạt động, chúng tôi còn tạo ra những sản phẩm mới như trải nghiệm chăm sóc sức khỏe tinh thần, các khóa học kỹ năng”. Nông trại đã ra mắt chương trình mới “Farming và Art Therapy” - kết hợp trải nghiệm nông trại và nghệ thuật, nhận được đánh giá cao từ du khách.

Du khách học cách chăm sóc thỏ tại Bảo Gia Farm Camping. 

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, xác định: Phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương là giải pháp để Việt Nam phát triển du lịch bền vững. Du lịch nông nghiệp kết hợp giáo dục đáp ứng xu thế đó khi giúp con người học cách gần gũi thiên nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa, không gian cộng đồng làng quê nông nghiệp truyền thống và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết