02/04/2008 - 09:42

Học sinh bỏ học ngày càng tăng

Trà Vinh - Sóc Trăng: Điểm nóng !

Kinh tế khó khăn, gia đình thiếu quan tâm đến việc học hành của con cái, học sinh vùng dân tộc thiểu số hạn chế giao tiếp bằng tiếng phổ thông… Đó là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học đang ngày càng tăng cao ở ĐBSCL, điển hình như ở hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

* Trà Vinh - dẫn đầu ĐBSCL về học sinh bỏ học

Theo chân giáo viên Trường THCS Tập Sơn, huyện Trà Cú, chúng tôi đến nhà em Võ Văn Đạt, học sinh lớp 7 của trường, vừa bỏ học. Đạt không có ở nhà. Anh Võ Văn Đấu, cha Đạt cho biết, em vừa theo người quen giới thiệu đi làm thuê cho một cơ sở thu mua phế liệu tại TP Hồ Chí Minh trước đó 3 ngày, mức lương 1 triệu đồng/ tháng. Dù anh đã hết lời khuyên răn nhưng Đạt vẫn nhất quyết bỏ học đi làm kiếm tiền.

Lớp 8A2 Trường THCS Tham Đôn có 6/38 học sinh nghỉ học. 

Tại khu vực ấp Bến Trì, xã Tập Sơn, trong 10 đứa trẻ của 10 hộ nghèo không đất sản xuất, không có em nào học đến lớp 7. Có em mới 13 tuổi đầu phải đi làm thuê tại TP Hồ Chí Minh kiếm sống; có em bỏ học ở nhà rong chơi... Em Trần Văn Hiệp, bỏ học từ sau Tết, rất hồn nhiên nói: “Con nghỉ học để đi câu cá, lượm ve chai, dây chì bán kiếm tiền xài”.

Đạt và Hiệp là 2 trong 33 học sinh bỏ học của Trường THCS Tập Sơn - nơi sau Tết có số lượng học sinh bỏ học nhiều nhất huyện Trà Cú. Trong số học sinh bỏ học, học sinh người dân tộc Khmer chiếm trên 56%. Trước tình hình đó, cán bộ giáo viên trường đã nhiều lần đến động viên gia đình và học sinh, miễn giảm các khoản học phí, tặng quần áo, tập vở, nhưng các em vẫn không chịu trở lại trường.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trà Vinh, trong năm học 2006 - 2007 và học kỳ I năm học 2007- 2008, tỉnh Trà Vinh có 11.500 học sinh bỏ học- đứng đầu khu vực ĐBSCL về số lượng học sinh bỏ học. Các huyện có số lượng học sinh bỏ học cao là huyện Trà Cú, Càng Long, Châu Thành, thị xã Trà Vinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học: hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các em phải lo phụ giúp gia đình; học yếu dẫn đến chán học, không đến lớp; thiếu sự quan tâm của gia đình, các em mê chơi nên bỏ học...

Thầy Trần Văn Liêm, giáo viên Trường THCS Tập Sơn, có hơn 6 năm làm công tác vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, cho biết: “Không thể vận động học sinh bỏ học trở lại lớp là do hoàn cảnh kinh tế gia đình của các em quá khó khăn. Ngoài giờ học, các em phải làm thuê, làm mướn, phụ giúp cha mẹ. Các bậc phụ huynh “đầu tắt mặt tối” với công việc nên cũng bỏ phế việc học của con em mình. Đặc biệt, một số học sinh dân tộc Khmer, khi vào lớp 1, hoàn toàn chưa biết tiếng Việt, tiếp thu bài hạn chế, không theo kịp chương trình nên các em bỏ học.

* Mỹ Xuyên - điểm nóng của Sóc Trăng

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Sóc Trăng, đến cuối học kỳ 1 năm học 2007-2008, toàn tỉnh giảm đến 1.617 học sinh THCS so với đầu năm học; bậc THPT giảm 1.015 học sinh. Riêng 2 tháng đầu năm 2008, tỉnh lại có thêm 436 học sinh THPT nghỉ học. Trong số 9 huyện, thành phố, Mỹ Xuyên là địa phương có số lượng học sinh bỏ học cao nhất, cả ở cấp THCS và THPT.

Ông Quách Lai Thành, Trưởng Phòng GD&ĐT Mỹ Xuyên, cho biết: “Đến thời điểm này, số học sinh bỏ học đã ở mức cao. Đặc biệt, ở bậc THCS, có đến 606 học sinh bỏ học, chiếm 5,83% tổng số học sinh bậc học này. Trường có học sinh bỏ học nhiều nhất huyện là Trường THCS Tham Đôn, với 75 học sinh bỏ học, chiếm khoảng 8,9% số lượng học sinh toàn trường”. Theo cô Hứa Thị Thanh Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Tham Đôn, khoảng 70% học sinh của trường là đồng bào dân tộc Khmer. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên việc học hành của các em cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường xuống cấp nghiêm trọng, thiếu phòng học, thiếu phòng làm việc, gây khó khăn cho việc dạy học. Cô Nhân bức xúc: “Trường xuống cấp, hàng quán mọc lên vây quanh trường nên việc quản lý học sinh rất khó khăn”.

Mỹ Xuyên cũng là địa phương có số lượng học sinh THPT nghỉ học nhiều nhất tỉnh. Thầy Trần Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Xuyên, cho biết: “Đến hết tháng 2-2008, trường đã có 210 học sinh bỏ học, chiếm 13,52% tổng số học sinh của toàn trường trong khi tỷ lệ khống chế học sinh nghỉ học của ngành đưa ra cho bậc THPT là 2%. Đáng buồn hơn nữa là những năm trước đây, Trường THPT Mỹ Xuyên là trường có phong trào học tập sôi nổi, chất lượng khá cao so với nhiều trường khác trong tỉnh, tỷ lệ thi tốt nghiệp năm nào cũng đạt trên 85%, thậm chí có nhiều năm đạt trên 90% và có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia”.

Theo các cán bộ quản lý giáo dục, phần lớn học sinh nghỉ học do các nguyên nhân: hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện cho các em theo học; nhà xa trường, việc đi lại khó khăn, học sinh cũng bỏ học; một số học sinh học yếu không theo kịp bạn bè nên chán nản... Thầy Trần Văn Tuấn nói: “Các em muốn nghỉ học, gia đình cũng quyết định cho nghỉ nên chúng tôi vận động cũng chẳng ăn thua gì”. Ông Tạ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, bức xúc: “Chúng tôi rất đau đầu với tình trạng học sinh bỏ học. Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với nhà trường tìm hiểu nguyên nhân học sinh bỏ học và giúp các em trở lại lớp nhưng xem ra không khả quan lắm”.

*****

Tình trạng bỏ học ở ĐBSCL, đặc biệt tại những vùng khó khăn, ngày càng “nóng” hơn. Nhiều giải pháp không phát huy được hiệu quả bởi một khi học sinh đã bỏ học thì việc vận động trở lại lớp rất khó khăn. Phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh. Chính vì vậy, cần tăng cường vai trò giáo viên, kịp thời phát hiện những học sinh yếu, học sinh lơ là học tập, kết hợp cùng gia đình tìm nguyên nhân và kịp thời bồi dưỡng kiến thức cho các em. Đối với các gia đình nghèo, địa phương và ban ngành đoàn thể phải có những biện pháp hỗ trợ vốn để họ làm ăn; có chính sách hỗ trợ phương tiện học tập, có học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, thường xuyên vận động phụ huynh quan tâm đến việc học hành của con em mình... Những giải pháp trên, nếu được thực hiện sớm và đồng bộ mới hy vọng giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.

LINH KHÁNH- XUÂN LƯƠNG

Chia sẻ bài viết